Không gian văn hóa Hồ Chí Minh: Cần hội tụ tính thẩm mỹ, gắn kết mọi người cùng thụ hưởng

VHO - Thời gian qua, việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh có những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, công trình, thiết chế văn hóa gắn với Bác còn ít, tác phẩm văn học - nghệ thuật chưa tương xứng với cuộc đời và tầm vóc của Bác… Các chuyên gia mong muốn không gian văn hóa cần có tính đặc trưng riêng của TP.HCM với điểm nhấn mang đậm tư tưởng và văn hóa cốt lõi. Quan trọng nhất, đây phải là không gian sống để mọi người dân đều được tiếp cận, được tương tác và thụ hưởng.

Không gian văn hóa Hồ Chí Minh: Cần hội tụ tính thẩm mỹ, gắn kết mọi người cùng thụ hưởng - Anh 1

Học sinh tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TP.HCM

Tạo lập các giá trị văn hóa trên địa bàn TP.HCM

Theo bà Phạm Phương Thảo, nguyên chủ tịch HĐND TP.HCM, xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh là công trình lớn của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP.HCM, là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và kéo dài nhiều nhiệm kỳ. 

“Đó là việc củng cố, tạo lập các giá trị văn hóa trên địa bàn TP mà nền tảng là những giá trị của cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nói cách khác là làm cho môi trường sống của TP chứa đầy các giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, làm cho nét đẹp văn hóa con người Hồ Chí Minh sâu hơn nữa vào văn hóa con người TP và trở thành nguồn sức mạnh nội sinh, đặc thù của người dân TP”, bà Phạm Phương Thảo nhấn mạnh. 

Đánh giá về không gian văn hóa nói chung trên địa bàn TP.HCM hiện nay, Sở Xây dựng TP.HCM nhận định, bên cạnh những thành tựu đạt được, hệ thống thiết chế văn hóa và công tác quản lý thiết chế văn hóa ở TP hiện nay vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế. 

“Hệ thống thiết chế văn hóa ở nhiều nơi thiết đồng bộ và hiệu quả sử dụng còn thấp. Nhiều nhà văn hóa được xây dựng nhưng tần suất sử dụng không nhiều. Nhiều KCN-KCX tập trung rất nhiều lao động nhưng chưa có đầy đủ hệ thống thiết chế văn hóa để nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động”, đại diện Sở Xây dựng TP.HCM cho biết và đề nghị ngành Văn hóa - Thể thao TP nghiên cứu, tham mưu UBND TP xây dựng thêm nhiều công trình, thiết chế văn hóa gắn với những dấu mốc di sản Hồ Chí Minh, hiện thân của những giá trị văn hóa, nhân văn mang tầm thời đại. 

Nhấn mạnh về giá trị mỹ thuật trong việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh, NGND.GS.TS Nguyễn Xuân Tiên, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM nói rằng, mỹ thuật ngoài trời là thành tố không thể thiếu trong không gian văn hóa công cộng và nó cũng là một điểm nhấn quan trọng trong tổng thể chung của việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025) đã đề ra. 

Mỹ thuật trong không gian văn hóa đô thị không chỉ đóng vai trò làm đẹp hay những điểm nhấn cần thiết để tô điểm cho đô thị mà còn thể hiện trình độ dân trí, trình độ phát triển và văn minh của đô thị. Theo GS Tiên: “Hiện nay mỹ thuật TP.HCM phát triển chưa tương xứng với sự phát triển kinh tế, vẫn chưa có những tác phẩm đỉnh cao”. 

Chuyên gia nhận định, thực tế cho thấy, nghệ thuật công cộng tại TP.HCM chưa phát triển toàn diện, về mặt nào đó mới chỉ được coi như hình thức làm đầy chỗ trống, chấp nhận tất cả những gì mà người thiết kế đưa vào miễn là thấy được. Cạnh đó, tuy có nhiều cơ quan quản lý về các lĩnh vực nhưng thực ra về nghệ thuật công cộng thì chưa hẳn một cơ quan nào chịu trách nhiệm. Đây chính là nguyên nhân của những bất cập trong quản lý nghệ thuật công cộng trong không gian đô thị.

Ghi nhận của UBND TP.HCM cho biết, hiện nay TP đã xây dựng nhiều không gian văn hóa Hồ Chí Minh, như Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TP.HCM, Bến cảng Nhà Rồng, nhà số 5 Châu Văn Liêm, Công viên Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đường Sách TP.HCM,… Tuy nhiên, những công trình này còn giới hạn trong phạm vi hẹp, tư liệu, hiện vật về Bác còn hạn chế. Bà Phạm Phương Thảo cho rằng những hạn chế cho thấy cần nâng cao nhận thức và hành động , làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch, đầu tư, phấn đấu vươn tới những giá trị chân - thiện - mỹ trong tác phẩm văn học - nghệ thuật, trong khắc họa hình tượng Bác. 

Không gian văn hóa Hồ Chí Minh: Cần hội tụ tính thẩm mỹ, gắn kết mọi người cùng thụ hưởng - Anh 2

TP.HCM phấn đấu đến năm 2025, có 100% bảo tàng, 50% di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Ảnh: Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại Bảo tàng Tôn Đức Thắng

Xây dựng môi trường cảnh quan theo các chuẩn mực văn hóa

Theo GS.TS Hoàng Chí Bảo, nguyên ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương: Cần chủ động phát huy tài năng sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ trong sáng tác và biểu diễn các tác phẩm thuộc mọi loại hình nghệ thuật, để khắc họa hình tượng Hồ Chí Minh, truyền cảm hứng và cảm xúc về Người trong tâm hồn mọi người dân của TP.HCM và cả nước. Trong các loại hình nghệ thuật đó, cần chú trọng đặc biệt tới âm nhạc, sân khấu, điện ảnh vốn có sức biểu cảm mạnh mẽ, bền lâu trong đời sống tinh thần của nhiều tầng lớp dân chúng. 

“Cần có kế hoạch cụ thể và thực hiện công phu trong xây dựng môi trường cảnh quan theo các chuẩn mực văn hóa, tạo sức hấp dẫn người dân và du khách về một TP.HCM xanh - sạch - đẹp, một quần thể văn hóa vật thể và phi vật thể với các công viên, tượng đài, bảo tàng, nhà hát, các trung tâm văn hóa khoa học, nghệ thuật, thể thao… xứng tầm với TP mang tên Bác”, GS Hoàng Chí Bảo đề nghị. 

Nhằm đẩy mạnh việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh, mới đây, Sở VHTT TP.HCM đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên lĩnh vực văn hóa và thể thao đến năm 2025.

Theo Sở VHTT, xác định quan điểm “Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại TP.HCM gắn với xây dựng môi trường văn hóa, con người văn hóa, thiết chế văn hóa, đời sống văn hóa với mục tiêu hướng đến nhu cầu hưởng thụ của nhân dân, đẩy mạnh phát triển xã hội bền vững; qua đó giúp nâng cao đời sống tinh thần và góp phần tích cực vào việc xây dựng TP.HCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình và con người Thành phố được thụ hưởng các giá trị văn hóa một cách tương xứng”; Sở đã đề ra 17 chỉ tiêu gắn với bốn mục tiêu lớn: Về xây dựng con người văn hóa; xây dựng thiết chế văn hóa; phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể; xây dựng môi trường văn hóa.

Về xây dựng thiết chế văn hóa, Kế hoạch đề ra các mục tiêu: Phấn đấu năm 2024, hoàn chỉnh phê duyệt Đề án “Phát triển tổng thể hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở trên địa bàn TP.HCM đến năm 2035”. Phấn đấu đến năm 2025, tiếp nhận mặt bằng, thực hiện dự án cải tạo, mở rộng Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TP.HCM; phối hợp hoàn thành đề cương tổng quát các hạng mục công trình tại Quảng trường Hồ Chí Minh.

Phấn đấu đến năm 2025, có 100% bảo tàng, 50% di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn TP xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh; phấn đấu 100% các quận, huyện và TP Thủ Đức xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại các không gian văn hóa công cộng, thiết chế văn hóa, thể thao, các di tích lịch sử - văn hóa, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, trường học, các bảo tàng, thư viện,…

Theo chuyên gia, phát triển hài hòa, động bộ giữa văn hóa - xã hội và kinh tế là mấu chốt của chiến lược phát triển bền vững, qua đó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, làm nền tảng cho TP phát triển nền kinh tế thị trường và xây dựng nền văn hóa phong phú, là yếu tố quan trọng góp phần xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh.

Các đại biểu cũng bày tỏ, việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh thực sự thành công khi mà tạo ra được không gian văn hóa để mọi người dân đều có thể tiếp cận, tương tác, góp ý… “Chúng tôi mong muốn đó là không gian sống chứ không chỉ giá trị chiêm ngưỡng…, muốn thế, không gian này phải hội tụ tính thẩm mỹ, đa dạng, đại chúng, gắn kết để mọi người cùng thụ hưởng”, một chuyên gia chia sẻ. 

BÌNH THỦY

Ý kiến bạn đọc