Khai mạc các hoạt động chung trong khuôn khổ Ngày hội VHTTDL các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ XV
VHO- Sáng 2.12 tại Quảng trường Hùng Vương (TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ), Bộ VHTTDL phối hợp với UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức Lễ khai mạc chung các hoạt động trong khuôn khổ Ngày hội VHTTDL các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ XV.
Các đại biểu tham dự buổi lễ
Dự buổi Lễ có Vụ trưởng Vụ Văn hoá dân tộc (Bộ VHTTDL), Phó Trưởng BTC Ngày hội Nguyễn Thị Hải Nhung; Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ, Phó Trưởng Ban thường trực BTC Ngày hội Nguyễn Đắc Thuỷ; lãnh đạo các Sở VHTTDL khu vực Tây Bắc và đông đảo nghệ nhân, diễn viên quần chúng các tỉnh tham dự Ngày hội.
Tại Lễ khai mạc các hoạt động chung, du khách đã được hoà mình vào không gian mang đậm màu sắc văn hoá của các dân tộc thuộc 7 tỉnh Tây Bắc Phú Thọ, Hòa Bình, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái và Sơn La. Các nghi lễ được tái hiện đã giúp công chúng hiểu hơn về đặc trưng văn hoá của đồng bào các dân tộc. Một số nghi lễ ấn tượng có thể kể đến như lễ hội Xek pang á, dân tộc Kháng (Sơn La); Tra hạt làm lễ cầu mưa, dân tộc Khơ Mú (Điện Biên); nghi lễ Then cốm mới, dân tộc Tày (Lào Cai); lễ Mở cửa rừng, dân tộc Mường (Phú Thọ)…
Không khí vui tươi, phấn khởi tại Ngày hội
Ngày hội VHTTDL các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ XV tại tỉnh Phú Thọ, năm 2022 diễn ra với chủ đề Sắc màu văn hóa các dân tộc vùng Tây Bắc, do Bộ VHTTDL, UBND tỉnh Phú Thọ chủ trì, phối hợp với các tỉnh vùng Tây Bắc tổ chức. Sự kiện diễn ra từ ngày 2 - 4.12, tại TP. Việt Trì. Ngày hội là dịp tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc vùng Tây Bắc trong nền văn hóa thống nhất, đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam; là dịp để các nghệ nhân, diễn viên, VĐV quần chúng gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, ý thức trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng dân tộc vùng Tây Bắc trong thời kỳ hội nhập và phát triển của đất nước. Qua đó, tuyên truyền, quảng bá tới các doanh nghiệp, du khách trong và ngoài nước về tiềm năng, lợi thế của các tỉnh Tây Bắc; thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch, tạo động lực đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, đẩy nhanh quá trình xây dựng các khu du lịch trọng điểm của các tỉnh.
Đồng bào dân tộc chuẩn bị trước giờ trình diễn chính thức
Trong khuôn khổ Ngày hội sẽ diễn ra các hoạt động phong phú. Phần Lễ gồm các hoạt động Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng; Lễ khai mạc và Lễ bế mạc diễn ra tại trung tâm thành phố Việt Trì. Phần hội gồm các hoạt động trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hoá truyền thống dân tộc; không gian trưng bày giới thiệu, quảng bá sản phẩm văn hóa truyền thống và trưng bày, giới thiệu ẩm thực truyền thống của các địa phương; liên hoan nghệ thuật quần chúng và trình diễn trang phục truyền thống dân tộc vùng Tây Bắc; triển lãm Đặc trưng văn hóa các dân tộc vùng Tây Bắc; trưng bày, giới thiệu ẩm thực truyền thống Đất Tổ; tổ chức trưng bày, triển lãm Ảnh đẹp du lịch Tây Bắc năm 2022….Các hoạt động thể thao quần chúng gồm thi đấu kéo co, đẩy gậy, tung còn tại Quảng trường Hùng Vương; thi bắn nỏ thi đấu tại Nhà thi đấu Thể thao tỉnh; thi môn tu lu lại Trung tâm Đào tạo và huấn luyện TDTT tỉnh; thi môn việt dã tại đường Trần Phú (TP. Việt Trì).
Bên cạnh đó, các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch được triển khai, tổ chức tại Ngày hội như trưng bày, giới thiệu các ấn phẩm du lịch; các chương trình tour tham quan, điểm đến của các địa phương; hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, trưng bày sản phẩm OCOP tỉnh Phú Thọ và các tỉnh tham gia Ngày hội.
Đặc biệt, Lễ khai mạc với chương trình nghệ thuật đặc sắc, đậm bản sắc văn hóa các dân tộc có chủ đề Cầu vồng trên Đất Tổ sẽ được tổ chức vào lúc 20 giờ ngày 2.12, tại Quảng trường Hùng Vương. Đêm khai mạc được truyền hình trực tiếp trên Đài PT-TH tỉnh Phú Thọ và tiếp sóng trên một số Đài Truyền hình địa phương trong cả nước. Lễ Bế mạc vào 15 giờ ngày 4.12 tại Rạp Chiếu phim Hòa Phong.
Theo thông tin từ BTC, một trong những điểm mới của chuỗi sự kiện lần này là tất cả các di sản văn hoá, lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc sẽ đều được tham gia trình diễn tại không gian của Lễ khai mạc nhằm quảng bá, giới thiệu những nét độc đáo, đặc sắc của di sản văn hoá vùng Tây Bắc đến bạn bè trong nước và quốc tế.
Phần tái hiện nghi lễ, nghi thức sinh hoạt của đồng bào các DTTS vùng Tây Bắc đã để lại ấn tượng sâu sắc
Ngoài ra tại không gian hoạt động của Ngày hội, BTC không chia nhỏ hoạt động mà tập trung tại khu vực Hùng Vương để tạo nên không gian văn hoá lớn, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của nhân dân cũng như mong muốn được giao lưu, kết nối các đoàn nghệ nhân, VĐV.... Từ đó, tạo sự gắn kết giữa các tỉnh với cộng đồng người DTTS, nhân dân để các hoạt động VHTTDL thật sự là ngày hội của đồng bào vùng Tây Bắc nói riêng và cả nước nói chung.
ĐÌNH TOÁN