Khai hội làng nghề mộc Kim Bồng, Hội An
VHO - Ngày 21.2 ( nhằm 12 tháng Giêng Âm lịch), làng mộc Kim Bồng, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam tổ chức Lễ tế Tiền hiền Kim Bồng, cùng với đó khai mạc Ngày hội làng nghề truyền thống năm 2024 với những hoạt động hấp dẫn, đặc sắc, mang đậm giá trị văn hóa làng nghề truyền thống.
Lễ Tế Tiền hiền Kim Bồng tại Đình Tiền hiền theo nghi thức truyền thống
Năm nay, ngày hội truyền thống của làng nghề mộc Kim Bồng được tổ chức với rất nhiều hoạt động hấp dẫn, thực sự là ngày hội của một ngôi làng xưa từ cảnh quan đến các lễ thức, hoạt động. Đặc biệt, chú trọng đến du lịch xanh, nói không với rác thải nhựa theo định hướng Hội An- thành phố sinh thái, văn hóa, du lịch,…Du khách, người dân tham dự tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm về nét văn hóa đặc trưng của một ngôi làng với hơn 500 năm tồn tại và phát triển.
Các nghệ nhân, thợ làng mộc trình nghề truyền thống
Theo truyền thống, các vị cao niên, nghệ nhân, các kíp thợ trong làng tổ chức lễ tế Tiền hiền tại đình Tiền hiền. Đây có thể nói là dịp tế lễ có quy mô lớn nhất nên lực lượng tham gia rất đông. Lễ tế thường được diễn ra trong hai ngày với các nghi thức như lễ cáo yết (lễ túc); lễ chính được tế thành hai phần: tế âm linh trước, tế tổ sau, được tế theo trình tự 3 tuần: hành sơ hiến lễ, á hiến lễ và chung hiến lễ,…
Bên cạnh đó sẽ có nhiều hoạt động diễn ra trong ngày hội của làng nghề với sự tham gia đông đảo của người dân, du khách như: Nghi thức phạt mộc nghề mộc Kim Bồng- Gióng trống Khai hội; Đua thuyền truyền thống đầu năm trên sông Thu Bồn.
Nghi thức phạt mộc nghề mộc Kim Bồng
Trải nghiệm các hoạt động trình diễn nghề mộc, cưa đợi; điêu khắc tre, đan thúng chai; dệt chiếu, đan túi xách từ cây cói; tráng mì quảng…Các trò chơi dân gian, hô hát bài chòi, hát hò khoan; bơi ghe trên dòng sông Thu Bồn; tìm hiểu các nghề khai thác thủy sản truyền thống: nghề rớ chồ, nghề lưới rọ, nghề lưới bén, vãi chài…. Đặc biệt, trực tiếp được thử sức tay chèo trong hoạt động đua ghe ngang cùng cộng đồng. Thưởng thức ẩm thực tại địa phương và tham quan các sản phẩm nông nghiệp, các sản phẩm đặc trưng, đạt tiêu chuẩn OCOP.
Trình diễn nghề mộc
Từ thế kỷ XVII-XVIII, Hội An với nhiều yếu tố thuận lợi đã nhanh chóng phát triển thịnh vượng trở thành đô thị thương cảng quan trọng tại Đàng Trong. Làng nghề thủ công truyền thống mộc Kim Bồng cũng phát triển mạnh với nhóm nghề mộc xây dựng các công trình kiến trúc nhà cửa, đô thị; mộc dân dụng với các đồ sinh hoạt mang tính mỹ nghệ cao và nghề đóng tàu thuyền, đặc biệt là ghe bầu đặc trưng của xứ Quảng.
Những thế hệ thợ mộc Kim Bồng đã tham gia, ghi dấu với những công trình kiến trúc cổ kính như nhà cổ, nhà rường, các di tích đình chùa ở Hội An. Hiện làng có gần 1000 hộ dân và vẫn bảo tồn, lưu truyền kỹ thuật và duy trì hoạt động sản xuất, chạm khắc gỗ, đóng đồ gỗ dân dụng, làm nhà. Có khoảng 10 ngôi nhà cổ còn lưu giữ, thể hiện được nét tinh hoa của nghề mộc Kim Bồng.
Trình diễn nghề dệt chiếu
Ông Nguyễn Văn Lanh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An cho biết, thời gian tới, Hội An sẽ thực hiện các sáng kiến, chương trình đã cam kết gia nhập Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO đến năm 2027, phát huy tính sáng tạo, đặc biệt trong lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian.
Theo kế hoạch, ở cấp độ địa phương, thành phố sẽ thực hiện 03 sáng kiến, trong đó có dự án “Mộc Kim Bồng - Khơi nguồn sáng tạo”. Cụ thể, sẽ tiếp tục tham mưu, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng làng quê, làng nghề sinh thái Cẩm Kim, Dự án “Phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn giá trị văn hóa bản địa và hệ sinh thái tự nhiên tại Làng mộc Kim Bồng”. Đặc biệt xây dựng các tiêu chí định hướng để xây dựng Cẩm Kim trở thành “Ngôi làng hạnh phúc”.
Du khách thử sức tay chèo trong đua ghe ngang
Bên cạnh đó, triển khai thực hiện phương án khôi phục và phát triển du lịch tại làng mộc Kim Bồng trong giai đoạn mới. Nâng cấp Trung tâm làng nghề mộc Kim Bồng trở thành Không gian sáng tạo, chế tác, trình diễn và truyền nghề; tổ chức các hoạt động giao lưu, rại sáng tác các sản phẩm mang tính sáng tạo, có tính ứng dụng cao, có sự tích hợp giữa thiết kế sáng tạo, thủ công, nghệ thuật.
Thực hiện việc khai thác dịch vụ du lịch tại Làng mộc Kim Bồng, xây dựng các lộ trình tham quan, tuyến tham quan, chú trọng liên kết với các cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ sáng tạo nhằm tạo ra các trải nghiệm mới mẻ, độc đáo cho du khách.
Phối hợp tổ chức tốt các lễ hội làng nghề, sinh hoạt tín ngưỡng, văn nghệ dân gian. Tham vấn ý kiến của tổ chức UNESCO về một số vấn đề liên quan đến lĩnh vực văn hóa, du lịch và định hướng phát triển của làng nghề.
KHÁNH CHI