Hội tụ sắc màu văn hóa Tây Nguyên

VHO - Những ngày qua, các tỉnh khu vực Tây Nguyên tổ chức nhiều sự kiện Tuần văn hóa - du lịch, Ngày hội văn hóa các dân tộc quy mô lớn, thu hút tham gia của hàng ngàn nghệ nhân đồng bào dân tộc thiểu số.

Hội tụ sắc màu văn hóa Tây Nguyên - Anh 1

 Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Gia Lai năm 2023 thu hút khoảng 1.300 nghệ nhân đến từ 5 tỉnh Tây Nguyên

 Đây không chỉ là nơi giao lưu, học hỏi giữa nghệ nhân của các dân tộc ở khu vực Tây Nguyên, mà còn là dịp để đồng bào các dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên thực hiện công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, qua đó quảng bá, giới thiệu với bạn bè và du khách trong và ngoài nước.

Hút khách bằng văn hóa truyền thống

Tại Gia Lai, từ ngày 11-19.11 diễn ra sự kiện Tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023 và Liên hoan trình diễn di sản văn hóa phi vật thể Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên. Với chủ đề “Gia Lai - Những sắc màu văn hóa”, chương trình khai mạc diễn ra hết sức hoành tráng, có sự tham gia trình diễn trực tiếp của 1.300 nghệ nhân đến từ 5 tỉnh Tây Nguyên, cùng hòa tấu giai điệu cồng chiêng giữa đại ngàn xanh của Tây Nguyên hùng vĩ.

Ông Trương Hải Long, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết, việc tổ chức Tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023, đặc biệt là Liên hoan trình diễn di sản văn hóa phi vật thể Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên tại tỉnh Gia Lai năm 2023 nhằm tôn vinh giá trị Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, tạo sự giao lưu văn hóa, đoàn kết, hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc trong khu vực. Đây là dịp để quảng bá đến du khách trong và ngoài tỉnh về giá trị độc đáo của di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên cùng với cảnh quan thiên nhiên, văn hóa và con người Gia Lai.

Tiếp đó, trong 3 ngày từ 18 - 20.11, lần đầu tiên tỉnh Đắk Lắk tổ chức Ngày hội Văn hóa các dân tộc tỉnh Đắk Lắk năm 2023 với chủ đề “Hội tụ sắc màu”. Trong suốt thời gian diễn ra ngày hội có các hoạt động văn hóa đặc sắc, hấp dẫn như: Trình diễn nghi thức “Rước rể” của người Ê Đê; trình diễn đặc trưng văn hóa, nghệ thuật tiêu biểu, truyền thống của các dân tộc; trưng bày giới thiệu sản phẩm văn hóa - du lịch đặc trưng, tiêu biểu; hoạt động giới thiệu, quảng bá chương trình, sản phẩm du lịch; chế biến, giới thiệu món ăn, thức uống truyền thống của các dân tộc. Bên cạnh đó, Ban tổ chức Ngày hội còn tổ chức trò chơi dân gian; trưng bày ảnh nghệ thuật chủ đề về voi; hội thảo “Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Lễ mừng thọ của người M’nông”; Trình diễn nghề gốm nung lộ thiên; Trưng bày tài liệu về văn hóa Đắk Lắk...

Bà H’Yim Kđoh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Tổ chức Ngày hội cho biết, Đắk Lắk - nơi 49 dân tộc anh em cùng hội tụ tự hào là mảnh đất giàu tiềm năng, lợi thế về văn hóa để phát triển kinh tế, xã hội. Đặc biệt là phát triển du lịch theo hướng bền vững, khai thác hiệu quả các giá trị tài nguyên thiên nhiên, văn hóa truyền thống, đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

“Đại ngàn Tây Nguyên - Tinh hoa hội tụ”

Đó là chủ đề của Ngày hội văn hóa các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ I năm 2023 sẽ diễn ra tại Kon Tum từ ngày 29.11 đến ngày 1.12. Ngày hội do Bộ VHTTDL phối hợp với UBND tỉnh Kon Tum tổ chức. Ngày hội thu hút khoảng 1.000 người tham gia, đó là các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng các dân tộc đang sinh sống, học tập và làm việc tại địa bàn 5 tỉnh Tây Nguyên. Lễ Khai mạc Ngày hội với chương trình nghệ thuật đặc sắc diễn ra vào 20h ngày 29.11. Lễ Bế mạc và tổng kết diễn ra vào 20h ngày 1.12, tại Quảng trường 16/3, TP Kon Tum (Kon Tum).

Bà Nguyễn Thị Hải Nhung, Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ VHTTDL) cho biết, Bộ VHTTDL đã ban hành Kế hoạch số 3490/KH-BVHTTDL về tổ chức Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ I tại tỉnh Kon Tum, năm 2023. Với chủ đề “Đại ngàn Tây Nguyên - Tinh hoa hội tụ”, Ngày hội VHTTDL các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ I, năm 2023, được tổ chức nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc vùng Tây Nguyên trong nền văn hóa thống nhất, đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Đồng thời, khơi dậy khát vọng, niềm tin, tự hào dân tộc, phát huy tính tích cực, ý thức tự lực, tự cường của đồng bào các dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo.

“Ngày hội là dịp để giới thiệu, quảng bá tới bạn bè trong nước và ngoài nước về tiềm năng, thế mạnh phát triển VHTTDL và văn hóa truyền thống các dân tộc vùng Tây Nguyên trong công cuộc đổi mới hội nhập và phát triển; góp phần giữ gìn, phát huy và tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc; nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước theo Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021. Đây cũng là dịp để quảng bá với các doanh nghiệp, du khách trong và ngoài nước về tiềm năng, lợi thế của các tỉnh Tây Nguyên, thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch, tạo động lực đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, đẩy nhanh quá trình xây dựng các khu du lịch trọng điểm của các tỉnh khu vực Tây Nguyên”, Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc Nguyễn Thị Hải Nhung nhấn mạnh.

Theo BTC, trong khuôn khổ Ngày hội sẽ diễn ra nhiều hoạt động đặc sắc như: Trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống dân tộc; Liên hoan văn nghệ quần chúng và Trình diễn trang phục các dân tộc vùng Tây Nguyên; Triển lãm “Đặc trưng văn hóa các dân tộc vùng Tây Nguyên trong cộng đồng văn hóa các dân tộc Việt Nam”; Tổ chức các hoạt động thể thao và trò chơi dân tộc truyền thống tạo điều kiện cho đồng bào các dân tộc giao lưu, học hỏi, góp phần vào công tác bảo tồn các môn thể thao truyền thống… 

 NGỌC HÒA

Ý kiến bạn đọc