Hội nghị giao ban cơ quan chủ quản nhà xuất bản năm 2023

VHO - Sáng 18.1, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ TT&TT, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban cơ quan chủ quản nhà xuất bản năm 2023.

Hội nghị giao ban cơ quan chủ quản nhà xuất bản năm 2023 - Anh 1

Hội nghị giao ban cơ quan chủ quản nhà xuất bản năm 2023 nhằm đánh giá việc thực hiện hoạt động của nhà xuất bản trong năm 2023

Dự và chủ trì Hội nghị có Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm; Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy; Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Phó Tổng biên tập phụ trách Tạp chí Cộng sản Phạm Minh Tuấn cùng các cơ quan chủ quản nhà xuất bản; giám đốc, tổng biên tập các nhà xuất bản; một số ban, bộ, ngành liên quan…

Hội nghị giao ban cơ quan chủ quản nhà xuất bản năm 2023 nhằm đánh giá việc thực hiện công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý của cơ quan chủ quản đối với hoạt động của nhà xuất bản trong năm 2023; những kết quả đạt được, những khó khăn, hạn chế cần khắc phục; đồng thời, xác định phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm và đề ra giải pháp thiết thực, tạo điều kiện để các nhà xuất bản thực hiện nhiệm vụ công tác năm 2024 hiệu quả.

Báo cáo công tác chủ quản năm 2023, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 của Ban Tuyên giáo Trung ương; Báo cáo hoạt động xuất bản năm 2023 của Bộ TT&TT; Báo cáo công tác Hội năm 2023 và một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 của Hội Xuất bản Việt Nam thống nhất nhận định, bám sát nhiệm vụ chính trị năm 2023, các cơ quan chủ quản đã tăng cường chỉ đạo nhà xuất bản thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích; định hướng nâng cao chất lượng xuất bản phẩm; chỉ đạo, đôn đốc đẩy mạnh xuất bản các xuất bản phẩm phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan chủ quản.

Nội dung các xuất bản phẩm luôn giữ đúng định hướng chính trị, bảo đảm tính khoa học, đại chúng, đáp ứng nhu cầu bạn đọc. Nhiều xuất bản phẩm có giá trị tiêu biểu về nội dung chính trị, tư tưởng, văn hóa, đạo đức và khoa học, thu hút sự quan tâm lớn của độc giả, có độ lan tỏa cao. Công tác quản lý của cơ quan chủ quản đối với nhà xuất bản trực thuộc cũng đã bám sát thực tiễn hơn.

Nhiều cơ quan chủ quản ngày càng xác định rõ hơn trách nhiệm trong chỉ đạo, tăng cường bảo đảm điều kiện hoạt động đối với nhà xuất bản; hỗ trợ tài chính, đầu tư cơ sở vật chất, thực hiện chính sách giao nhiệm vụ nhằm tạo điều kiện để nhà xuất bản ổn định hoạt động và tăng cường hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Các nhà xuất bản đã nỗ lực trong việc khai thác, tổ chức bản thảo, xuất bản được nhiều xuất bản phẩm có giá trị, phục vụ kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của bộ, ban, ngành, địa phương, đơn vị. Trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ nói chung, ngành xuất bản đã từng bước bắt nhịp thị trường, góp phần nâng cao văn hóa đọc.

Điểm nhấn nổi bật trong công tác xuất bản năm 2023 là việc các cơ quan chủ quản tích cực, chủ động phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương cùng các cơ quan liên quan xây dựng, trình Ban Bí thư ban hành Quy định số 100-QĐ/TW ngày 28.2.2023 về “trách nhiệm, quyền hạn và việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật lãnh đạo nhà xuất bản”, thay thế Quyết định số 282-QĐ/TW ngày 26.01.2010 của Ban Bí thư về “Quy định trách nhiệm, quyền hạn và việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật cán bộ lãnh đạo nhà xuất bản”, tạo sự thống nhất, đồng bộ với các quy định của Đảng và pháp luật mới ban hành; đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao đối với cán bộ làm công tác xuất bản.

Hội nghị giao ban cơ quan chủ quản nhà xuất bản năm 2023 - Anh 2

Ban Tuyên giáo Trung ương tặng quà và hoa chúc mừng các lãnh đạo nhà xuất bản đã nghỉ chế độ và chuyển công tác

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý cũng như kiểm tra, giám sát hoạt động của nhà xuất bản chưa thật sự được chú trọng tại một số cơ quan chủ quản nhà xuất bản, trong đó có việc chủ động phát hiện, xử lý những vấn đề liên quan tới nội dung các xuất bản phẩm vi phạm, nhất là những vấn đề có tính nhạy cảm, phức tạp. Khi có sai phạm xuất bản phẩm xảy ra, cơ quan chủ quản thiếu phối hợp trong giải quyết, khắc phục hậu quả.

Còn tình trạng cơ quan chủ quản thiếu quan tâm trong việc bố trí, quy hoạch cán bộ của nhà xuất bản, dẫn đến tình trạng nhà xuất bản không sắp xếp, tìm được người có đủ điều kiện, tiêu chuẩn để bổ nhiệm người đứng đầu hay các chức danh lãnh đạo nhà xuất bản; vai trò, trách nhiệm của nhiều cơ quan chủ quản đối với nhà xuất bản còn mờ nhạt, thậm chí buông lỏng; việc thực hiện Quy hoạch ngành xuất bản chưa thực sự hiệu quả; mô hình hoạt động của nhiều nhà xuất bản còn chồng chéo dẫn đến khó khăn, vướng mắc, kéo dài nhiều năm chưa được cơ quan chủ quản quan tâm, giải quyết dứt điểm.

Về vấn đề này, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên cũng cho biết, công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực và quy hoạch nhân sự lãnh đạo của nhà xuất bản cũng chưa được quan tâm đúng mức tại một số cơ quan chủ quản, dẫn đến tình trạng một số nhà xuất bản hoạt động nhưng thiếu hụt nhân lực, phải kiêm nhiệm, hoặc chưa đủ nhân sự lãnh đạo theo đúng quy định của Luật Xuất bản.

Theo Cục Xuất bản, In và Phát hành, hiện nay, có 3 nhà xuất bản thiếu chức danh Tổng biên tập là: Nhà xuất bản Y học, Nhà xuất bản Thanh Hóa, Nhà xuất bản Đà Nẵng (trong đó, Nhà xuất bản Y học và Nhà xuất bản Thanh Hóa đã thiếu hụt chức danh này trong thời gian dài). 3 nhà xuất bản được cơ quan chủ quản giao quyền giám đốc trong thời gian dài nhưng chưa thực hiện kiện toàn nhân sự lãnh đạo là: Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Nhà xuất bản Thống kê, Nhà xuất bản Thể thao và Du lịch. Riêng đối với Nhà xuất bản Thể thao và Du lịch đang trong quá trình thực hiện phá sản.

Đối với việc đầu tư cơ sở vật chất, hỗ trợ phát triển xuất bản điện tử trong năm qua cũng cho thấy có rất ít cơ quan chủ quản duy trì sự hỗ trợ cho nhà xuất bản, hầu như các nhà xuất bản phải tự bươn chải với nguồn kinh phí hạn hẹp. Các nhà xuất bản không đủ nguồn lực để đầu tư xuất bản những chương trình, kế hoạch xuất bản sách trọng điểm.

Mặt khác, hiện nay số lượng nhà xuất bản tham gia xuất bản phẩm điện tử còn chiếm tỷ lệ nhỏ so với tổng số nhà xuất bản. Thời gian vừa qua, mặc dù các cơ quan chủ quản đã có quan tâm trong việc đầu tư cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin, đào tạo nguồn nhân lực cho nhà xuất bản trực thuộc nhưng vẫn chưa có sự bứt phá trong việc triển khai thực hiện xuất bản điện tử, chưa đủ điều kiện để phát triển theo hướng hiện đại và tiến tới chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản.

Với tinh thần dân chủ, nghiêm túc, thẳng thắn, trách nhiệm, Hội nghị dành nhiều thời gian nghe các đại biểu tham luận, trao đổi, chia sẻ về những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn hoạt động công tác; đề xuất, kiến nghị một số vấn đề cần quan tâm về cơ chế, chính sách... nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế và thực hiện tốt hơn nữa yêu cầu, nhiệm vụ trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận Hội nghị,  Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm biểu dương, đánh giá cao các cơ quan chủ quản xuất bản, các nhà xuất bản đã không ngừng nỗ lực cố gắng, tiếp tục phát huy truyền thống, có những bước phát triển, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị; công tác chỉ đạo, quản lý, công tác chủ quản xuất bản đạt được nhiều kết quả nổi bật trong năm 2023 và nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng.

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm đề nghị các cơ quan tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với lĩnh vực xuất bản, tăng cường phối hợp, tạo sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động xuất bản.

Các cơ quan chủ quản xuất bản thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị xuất bản trực thuộc tập trung nghiên cứu, chủ động xây dựng kế hoạch, đề tài, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm; sáng tạo, đổi mới các hình thức xuất bản phẩm tạo sức lan tỏa mạnh mẽ.

Quan tâm, chú trọng tới công tác cán bộ, công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, kiện toàn đội ngũ cán bộ, biên tập viên nhà xuất bản về lý luận chính trị và trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu Quy định 100-QĐ/TW; tập trung đầu tư, nâng cao năng lực hoạt động của các nhà xuất bản, nâng cao chất lượng xuất bản phẩm; bổ sung vốn, đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật; tăng cường cơ chế đặt hàng, bảo đảm điều kiện hoạt động cho nhà xuất bản.

Đặc biệt, các cơ quan tiếp tục quan tâm, đầu tư cho nhà xuất bản trong việc thúc đẩy phát triển văn hóa đọc và thực hiện chuyển đổi số, đóng góp vào việc đưa ngành Xuất bản phát triển thành ngành kinh tế, công nghệ hiện đại.

Tại Hội nghị, thay mặt Ban Tổ chức, Ban Tuyên giáo Trung ương tặng quà và hoa chúc mừng các lãnh đạo nhà xuất bản đã nghỉ chế độ và chuyển công tác.

THANH NGỌC; ảnh: HẰNG NGUYỄN

Ý kiến bạn đọc