Hội chữ Xuân Giáp Thìn 2024: Ước vọng trong nét chữ đầu Xuân

VHO - Hội chữ Xuân Giáp Thìn và triển lãm thư pháp Hiếu học vừa khai mạc vào cuối tuần qua tại khu vực Hồ Văn (Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội). Trong làn mưa xuân lây phây, người người đến với đất thiêng, nơi hội tụ những giá trị tinh hoa của đạo học để xin chữ với những ước vọng tốt đẹp cho một năm mới bắt đầu.

Hội chữ Xuân Giáp Thìn 2024: Ước vọng trong nét chữ đầu Xuân - Anh 1

 Các ông đồ tất bật đón những vị khách đầu tiên đến xin chữ

Hội chữ Xuân Giáp Thìn do Trung tâm Hoạt động Văn hóa, Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức nhân kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng (3.2.1930 - 3.2.2024) và mừng Xuân Giáp Thìn 2024.

Nét văn hóa đầu Xuân

Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Trần Thị Vân Anh cho biết, Hội chữ Xuân Giáp Thìn là sân chơi ý nghĩa, là điểm đến yêu thích của nhiều đối tượng khách tham quan trong nước và quốc tế dịp đầu năm. “Hội chữ Xuân tạo cơ hội cho các ông đồ thể hiện tài năng qua nét chữ. Đặc biệt, công chúng du xuân và xin chữ sẽ được nhận những bức thư pháp, thư họa viết đúng, viết đẹp, mang đến những điều tốt đẹp về mùa xuân mới, khát vọng mới…”, bà Vân Anh nhấn mạnh.

Hội chữ Xuân Giáp Thìn 2024 góp phần bảo tồn những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc, tạo điểm hẹn phục vụ nhân dân đón Tết, du Xuân. Năm nay, Hội chữ Xuân có sự tham gia của 40 ông đồ, các gian hàng được bố trí xung quanh Hồ Văn thuộc di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, phục vụ nhu cầu của du khách đến xin chữ nhân dịp đầu xuân, năm mới. Cùng với viết thư pháp, Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức nhiều hoạt động truyền thống như tái hiện không gian giáo dục thi cử truyền thống; giới thiệu làng nghề, sản phẩm thủ công truyền thống Hà Nội; chương trình biểu diễn ca trù, quan họ, hát chèo, hát xẩm, chầu, múa rối nước, múa lân sư rồng… Theo Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu, việc bố trí không gian Hội chữ Xuân Giáp Thìn 2024 ở khu vực Hồ Văn là sự mới mẻ so với những năm trước, tạo không gian chung cho hoạt động cộng đồng tại sân trung tâm, giúp du khách tiếp cận các ông đồ thuận lợi, qua đó lan tỏa hơn các giá trị văn hóa của di tích tới đông đảo người dân và du khách.

Hội chữ Xuân Giáp Thìn 2024: Ước vọng trong nét chữ đầu Xuân - Anh 2

Triển lãm thư pháp Hiếu học

Không chỉ có sự tham gia của các “ông đồ” đến từ Hà Nội và các tỉnh lân cận, sau nhiều năm tổ chức, Hội chữ Xuân tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã trở thành “thương hiệu” có sức hút, là hoạt động mong muốn được tham gia của nhiều nhà thư pháp trong cả nước. Nhà thư pháp Thanh Hải đến từ TP.HCM, đại diện các nhà thư pháp tham dự Hội chữ Xuân chia sẻ, là người con của đất phương Nam, hoạt động về thư pháp chữ Quốc ngữ ở thành phố mang tên Bác hơn 20 năm qua, ông vô cùng xúc động khi được góp mặt trong Hội chữ Xuân Giáp Thìn năm 2024, tại địa danh ngàn năm văn hiến. “Hội chữ Xuân hằng năm được tổ chức là một hoạt động văn hóa ý nghĩa và thiết thực; tôn vinh các giá trị văn hóa, tư tưởng về đạo học, khuyến học khuyến tài… Được góp mặt trong Hội chữ Xuân là niềm vinh dự đối với những người hoạt động về nghệ thuật chữ viết nói chung và thư pháp chữ Quốc ngữ nói riêng”, thư pháp gia Thanh Hải nhấn mạnh.

Ông Lê Xuân Kiêu cho biết, Hội chữ Xuân Giáp Thìn có hoạt động đặc biệt là triển lãm thư pháp với chủ đề “Hiếu học” trưng bày 50 tác phẩm thư pháp tại khu vực sân trước và 50 tác phẩm vòng quanh Hồ Văn. Các tác phẩm thể hiện tinh thần và truyền thống hiếu học của dân tộc. Các tác giả khai thác những đoạn trích trên văn bia Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, những câu ca dao, câu thơ, câu đối khuyến học, câu nói của các danh nhân… Trung tâm không gian trưng bày được thiết kế tạo nên một “Con đường chữ” với 9 hàng cột đôi như là biểu tượng cho con đường học vấn, đạo học với trụ cột là những hiền tài của đất nước. Chữ viết trên 18 trụ cột đều ghi chép, viết lại các nội dung kinh điển của nho giáo, khoa cử ngày xưa mà bao đời sĩ tử dùi mài mong có ngày ứng thí. Hai mặt hướng ra hai bên là nội dung các câu đối đang được treo tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám từ hàng trăm năm nay.

Hội chữ Xuân Giáp Thìn 2024: Ước vọng trong nét chữ đầu Xuân - Anh 3

Trình diễn viết chữ thư pháp Hiếu học do thư pháp gia Nam Long - Nguyễn Quang Duy thực hiện

Ước vọng Xuân mới

Trình diễn viết chữ thư pháp “Hiếu học” tại lễ khai mạc, thư pháp gia Nam Long - Nguyễn Quang Duy chia sẻ, trên đất linh thiêng tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nơi truyền thống của đạo học, không có gì phù hợp hơn là tôn vinh các giá trị liên quan đến học vấn. Bởi thế, thư pháp gia này lựa chọn viết hai chữ “Hiếu học” để tiếp tục truyền tải thông điệp ý nghĩa, tôn vinh đạo học tại ngôi trường Đại học đầu tiên của Việt Nam.

Nhà thư pháp Lê Tất Anh cho biết, ông đã tham gia các Hội chữ Xuân từ những năm đầu tiên, trong đó các Hội chữ Xuân do Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức cũng đã 10 năm . Hội chữ Xuân là nơi tôn vinh, lan tỏa những giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc, đến nay đã trở thành một điểm hẹn đầu Xuân của người dân Hà Nội và du khách trong và ngoài nước. “Những nhà thư pháp ban đầu tìm đến việc viết chữ thư pháp chỉ với tình yêu và tâm huyết, nhưng dường như có một dòng chảy bất tận của niềm tự hào văn hóa Việt khiến cho ngày càng có nhiều người yêu mến chữ thư pháp hơn. Nhìn thấy rất nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ tìm đến các ngày hội chữ trong dịp đầu Xuân năm mới, những người viết chữ, cho chữ cảm thấy vui và vô cùng ấm áp. Bởi, xin chữ, cho chữ đầu năm là nhằm hướng con người đến với những giá trị tốt đẹp, chân - thiện - mỹ. Những nét chữ bay bổng hàm chứa nguyện cầu bình an, may mắn là nét đẹp văn hóa dịp đầu Xuân năm mới”, nhà thư pháp Lê Tất Anh bộc bạch.

Nắn nót từng nét chữ, thư pháp gia Bùi Chính Hưng tặng người xin chữ “Phúc”. “Chữ Phúc bao hàm tất cả, mọi điều tốt đẹp, may mắn mà con người hướng đến trong dịp đầu Xuân cũng như trong suốt cuộc đời. Vì thế, dịp đầu năm, có rất nhiều người xin chữ Phúc”, thư pháp gia Bùi Chính Hưng chia sẻ. Thư pháp gia Bùi Chính Hưng cũng bộc bạch, ông đã đồng hành cùng hoạt động Hội chữ Xuân do Trung tâm Hoạt động Văn hóa, Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức từ những năm đầu tiên. Đầu xuân năm mới, gác lại mọi tất bật thường ngày và trong tâm thế thư thái, bình an nhất, mọi người tìm đến Hội chữ Xuân để xin chữ như một lộc Xuân để có nhiều may mắn, nhiều thuận lợi.

Hội chữ Xuân sẽ kéo dài đến ngày 19.2 (mùng 9 tháng Giêng năm Giáp Thìn).

 

 Nhìn thấy rất nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ tìm đến các ngày hội chữ trong dịp đầu Xuân năm mới, những người viết chữ, cho chữ cảm thấy vui và vô cùng ấm áp. Bởi, xin chữ, cho chữ đầu năm là nhằm hướng con người đến với những giá trị tốt đẹp, chân - thiện - mỹ. Những nét chữ bay bổng hàm chứa nguyện cầu bình an, may mắn là nét đẹp văn hóa dịp đầu Xuân năm mới.

(Nhà thư pháp LÊ TẤT ANH)

 

BẢO NGÂN

Ý kiến bạn đọc