Hạn chế tiến tới dừng dâng cúng đốt vàng mã tại các di tích trên huyện Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu): Kiên trì sẽ mang lại kết quả tích cực
VHO- “Tính trung bình, chỉ riêng trong một ngày đêm của những tháng cao điểm du lịch, tại khu di tích lớn nơi đây người dân, du khách dâng cúng và đốt vàng mã có thể lên đến cả tỉ đồng, khói bụi nồng nặc, vượt quá ngưỡng quy định. Đây là thực tế rất đáng báo động”.
Người dân và du khách ngày càng dâng cúng nhiều vàng mã khi tham quan di tích tại Côn Đảo
Một cán bộ huyện Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) nhẩm tính như vậy, bởi một mâm lễ có giá dao động từ 800 ngàn cho đến vài triệu đồng, trong đó đồ vàng mã chiếm phần lớn, và mỗi ngày đêm ước khoảng 1.600 mâm lễ có đồ vàng mã dâng cúng, đưa đi đốt.
Ngày càng biến tướng
Qua khảo sát, tìm hiểu của chúng tôi, lợi dụng tâm lý du khách e ngại mặc cả khi mua đồ lễ dâng cúng tại nhiều di tích ở Côn Đảo, không ít tiểu thương kinh doanh dịch vụ đồ lễ đưa ra giá cao ngất ngưởng. Nếu du khách cự nự về giá cả một mâm lễ lập tức sẽ nhận lại rằng, “đã đi lễ mà còn so đo, cò kè mấy đồng bạc”.
Bình thường một mâm lễ chỉ có vài ba quả cùng với hoa, hương và chủ yếu là đồ vàng mã như quần áo, vải vóc..., có giá giao động từ 800 ngàn đến 1 triệu đồng. Nhưng cũng có khá nhiều du khách đặt mua mâm lễ lên đến vài triệu đồng. Không ai dám chắc giá trị thực của những mâm lễ ấy bao nhiêu, chỉ biết rằng ai dắt mối dẫn du khách đến mua đồ lễ, những tiểu thương sẵn sàng “lại quả” từ 30-40%. Ví dụ du khách mua mâm lễ 1 triệu đồng, người dắt mối được hưởng hoa hồng khoảng 300, 400 ngàn. Nói như vậy để thấy lợi nhuận từ việc kinh doanh dịch vụ đồ lễ, vàng mã nơi đây là rất lớn. Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn huyện Côn Đảo chỉ có 29 cơ sở được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh các mặt hàng đồ lễ (hoa, trái cây, vàng mã...), nhưng đến nay đã phát sinh thành một tuyến phố lớn ở trung tâm, nhiều người gọi đây chẳng khác nào là phố Hàng Mã ở Hà Nội, đó là còn chưa kể những điểm kinh doanh nhỏ lẻ khác.
Theo nhận định của phòng, ban chức năng huyện Côn Đảo, việc kinh doanh các mặt hàng đồ lễ đã góp phần tạo công ăn việc làm và nguồn thu nhập chính của nhiều gia đình, người dân trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, có một thực tế trong thời gian gần đây số lượng người dân và du khách thực hiện việc dâng cúng đốt đồ vàng mã tại Nghĩa trang Hàng Dương, các điểm di tích trên địa bàn ngày càng nhiều và xuất hiện vô số những bất cập, có biểu hiện bị lạm dụng, biến tướng sang hình thức mê tín dị đoan. Để việc kinh doanh ngày càng được nhiều, một số cá nhân, cơ sở dịch vụ đồ lễ đã tuyên truyền trên không gian mạng về các nghi thức, lễ cúng tại các di tích có biểu hiện mê tín dị đoan, sai lệch lịch sử, tạo thông tin không đúng về giá trị di tích, ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Côn Đảo. Không những lãng phí tiền của trong việc dâng cúng đốt vàng mã, vấn nạn này con gây ra biết bao hệ luỵ. Đơn cử, vào thời điểm vắng khách, ước tính trung bình mỗi ngày đêm có khoảng 1.400-1.600 bộ vàng mã được đem đốt tại các điểm di tích. Những nơi đốt vàng mã đã xuất hiện tình trạng quá tải, gây khói bụi độc hại cho sức khoẻ người dân, ô nhiễm môi trường, đồng thời phát sinh về vấn đề an ninh phòng cháy, chữa cháy.
“Tình hình này không phải là mới mà đã diễn ra trong nhiều năm qua, gây lãng phí rất lớn đối với nguồn lực xã hội, đặc biệt ảnh hưởng sức khỏe của người dân, đe doạ ô nhiễm môi trường xanh, sạch, đẹp trên đảo. Vì thế các ngành chức năng đã nhiều lần đề nghị cấp có thẩm quyền có biện pháp kiên quyết hơn, nhằm hạn chế và đi đến dừng hẳn việc dâng cúng, đốt đồ vàng mã tại các di tích trên đảo”, một cán bộ cho biết.
Du khách dâng cúng đồ vàng mã tại một di tích
Kiên trì sẽ mang lại hiệu quả
Thực hiện chủ trương của Huyện ủy Côn Đảo, từ tháng 6.2023, các ngành chức năng, nhất là Trung tâm Bảo tồn Di tích quốc gia Côn Đảo đã tích cực tuyên truyền đến người dân và du khách về việc hạn chế và tiến tới dừng hẳn đốt đồ mã tại các di tích trên địa bàn.
Một cán bộ của Trung tâm Bảo tồn Di tích quốc gia Côn Đảo cho biết, đơn vị đã in tờ rơi để phát gửi đến người dân, du khách. Trên tờ rơi đã trích dẫn đầy đủ những quy định hạn chế đốt đồ vàng mã cũng như những khuyến cáo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Ngoài ra, tại những điểm di tích, khu di tích lớn, đơn vị làm bảng thông báo đến du khách nghiêm túc thực hiện việc hạn chế đến mức thấp nhất đốt đồ vàng mã. Không chỉ vậy, đơn vị còn tuyên truyền với nhiều hình thức như loa phát thanh, vận động người dân qua từng tổ, khu phố.
Từ đầu tháng 6 đến nay rất nhiều người dân và du khách bày tỏ ủng hộ chủ trương này của huyện với một tinh thần tự nguyện theo hướng góp phần giữ gìn môi trường biển đảo xanh, sạch, đồng thời đến với di tích, khu di tích là thành tâm, thành kính ngưỡng mộ các anh linh anh hùng liệt sĩ, thay vì phải mâm lễ đồ vàng mã chất đầy. Rất nhiều du khách dâng lễ đã chỉ chọn hoa, quả. Được biết, nếu như trước đây chưa thực hiện kế hoạch tuyên truyền thực hiện chủ trương hạn chế, tiến tới dừng đốt đồ vàng mã tại các di tích trên đảo thì 100% mâm lễ đều có đồ vàng mã. Còn nay, theo thống kê của Trung tâm Bảo tồn Di tích quốc gia Côn Đảo, từ ngày 1-8.10 có 9.491 lượt khách viếng thăm Nghĩa trang Hàng Dương, trong đó tổng số mâm lễ là 4.536, mâm lễ có vàng mã là 2.579 mâm, chiếm 56,86%. So với thời điểm trước tháng 6 đã giảm được 43,14%.
Tờ rơi tuyên truyền hạn chế, tiến tới dừng đốt vàng mã tại các di tích
Trao đổi với chúng tôi, bà Phạm Thị Tám, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích quốc gia Côn Đảo cho biết, thực hiện chủ trương của huyện, đơn vị cùng với cán bộ, nhân viên đã, đang tích cực tuyên truyền đến người dân, nhất là du khách đến với đảo. “Vẫn biết tục đốt đồ vàng mã đã có từ lâu đời, và muốn hạn chế tiến tới dừng đốt là điều không dễ dàng. Nhưng vì môi trường xanh, sạch đẹp của biển đảo, tránh lãng phí nguồn lực của xã hội chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền theo “mưa dầm thấm lâu”; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của chủ cơ sở kinh doanh đồ lễ để đề nghị lên cấp trên có hướng giải quyết. Tinh thần là đồng thuận để đi đến dừng đốt đồ mã”, bà Tám cho hay.
Về chủ trương này, ông Lê Văn Phong, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo cho biết, việc hạn chế, tiến tới dừng đốt vàng mã tại các di tích đã được thống nhất cao. Huyện đã tuyên truyền và sẽ tiếp tục tuyên truyền để người dân, du khách, người buôn bán vàng mã hiểu, đồng thuận với chủ trương. Đây là việc làm thiết thực nhằm hạn chế rác thải, chất thải ra môi trường, góp phần giữ cho Côn Đảo thêm xanh, sạch, hiện thực hóa định hướng phát triển kinh tế tuần hoàn cho Côn Đảo. Ông Lê Văn Phong cũng khẳng định, trên quan điểm vừa làm vừa lắng nghe dư luận, huyện cũng chỉ đạo các ban, ngành, khu dân cư phối hợp nắm tình hình lượng hàng mã còn tồn đọng, đồng thời vận động tiểu thương không nhập thêm hàng, chuyển hướng kinh doanh những mặt hàng phù hợp theo chủ trương tưởng nhớ văn minh, xây dựng huyện đảo xanh, sạch, đẹp…
Có thể nói, nhận thức của người dân đang dần thay đổi tích cực trong việc giảm thiểu đốt đồ vàng mã tại tư gia cũng như ở nhiều di tích. Vì thế, nếu chính quyền kiên quyết với phương châm “không có việc gì khó”, kiên trì, tích cực tuyên truyền, nhắc nhở, hướng dẫn người dân và du khách thực hiện với trách nhiệm bảo vệ môi trường, chống lãng phí nguồn lực xã hội, thì việc khó này sẽ làm được, hướng tới là một mô hình điểm.
Trên quan điểm vừa làm vừa lắng nghe dư luận, huyện cũng chỉ đạo các ban, ngành, khu dân cư phối hợp nắm tình hình lượng hàng mã còn tồn đọng, đồng thời vận động tiểu thương không nhập thêm hàng, chuyển hướng kinh doanh những mặt hàng phù hợp theo chủ trương tưởng nhớ văn minh, xây dựng huyện đảo xanh, sạch, đẹp… (Ông LÊ VĂN PHONG, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo) |
LÂM SƠN; ảnh: VĂN QUANG