Giải pháp phát triển văn hoá đọc trong cộng đồng để cải thiện tri thức: Cần đồng bộ nhiều giải pháp

VHO - Đọc sách là cách giúp con người thư giãn nhưng vẫn tích luỹ được kiến thức, tăng khả năng tư duy. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, quyết sách lớn nhằm thúc đẩy văn hoá đọc trong cộng đồng, cải thiện tri thức. Tuy nhiên để những chủ trương, quyết sách đó đi sâu vào đời sống, các Bộ, ngành, địa phương… cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để khơi dậy tinh thần ham đọc sách, coi trọng tri thức, sách vở; phục vụ trực tiếp cho phát triển con người Việt Nam toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.

Còn đó những trăn trở

Theo số liệu từ Bộ TT&TT, Việt Nam chỉ có 30% số người đọc sách thường xuyên, 26% không đọc sách và 44% thỉnh thoảng mới đọc sách. Thế nhưng, chúng ta lại có đến 70% người dân sử dụng Internet, nằm trong nhóm đầu thế giới.

Giải pháp phát triển văn hoá đọc trong cộng đồng để cải thiện tri thức: Cần đồng bộ nhiều giải pháp - Anh 1

Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, cải thiện tri thức đang được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm 

Đồng thời, thời gian dành cho đọc sách của người Việt Nam khoảng một giờ, thuộc nhóm thấp nhất trên thế giới. Mặc dù Việt Nam vẫn thường xuyên phát động phong trào đọc sách thông qua nhiều hoạt động thiết thực như ngày hội đọc sách, triển lãm sách…. nhưng theo thống kê, trung bình một người Việt Nam chỉ đọc 4 cuốn sách/năm. Trong số đó có đến 2,8 cuốn là sách giáo khoa; 1,2 cuốn còn lại là thể loại sách khác. So sánh với Singapore, trung bình người dân nước này đọc 14 cuốn sách mỗi năm, người Nhật là 20 cuốn. Qua đó, có thể thấy việc đọc sách của người Việt Nam thấp hơn rất nhiều.

Còn theo số liệu khảo sát của Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường về việc sử dụng thời gian rảnh để làm việc gì là chủ yếu, có đến 41,7% số bạn trẻ trả lời là lên mạng, 20% xem phim, 16,7% nghe nhạc và chỉ có 15% trả lời là đọc sách.

Có nhiều nguyên nhân khiến bạn đọc, đặc biệt là giới trẻ ở Việt Nam không thật sự mặn mà với chuyện đọc sách. Chương trình học trong nhà trường còn nặng, chiếm nhiều thời gian hay guồng quay của công việc hằng ngày… là những nguyên nhân hay được đề cập nhất. Nhưng thực tế nhiều người chưa hiểu rằng, đọc sách cũng chính là một trong những hình thức giúp giải trí sau những giờ học tập, làm việc căng thẳng. Đặc biệt, đọc sách chính là để cải thiện tri thức, phục vụ trực tiếp cho việc học tập, làm việc của mọi đối tượng.

Theo nhiều chuyên gia, đây là thực trạng đáng báo động. Hơn nữa trong thời đại văn hoá nghe, nhìn đang lấn át văn hoá đọc trong cộng đồng, phát triển văn hoá đọc cũng gặp không ít khó khăn. Không thể phủ nhận, việc tìm hiểu thông tin thông qua các thiết bị di động mang lại nhiều tiện ích nhưng nếu không biết chọn lọc thông tin để tiếp thu, văn hoá đọc thậm chí còn bị những thông tin “rác” làm chậm đà phát triển. Tâm lý “ăn xổi ở thì”, “đọc đâu cũng là đọc” hay thậm chí là đọc những loại sách “đen” sẽ gây ra những lệch lạc về thị hiếu, thẩm mỹ. Kiến thức, nhận thức về các vấn đề của xã hội cũng bị hạn chế đi rất nhiều.

Để văn hoá đọc trở thành đam mê

Nhằm nhân lên tình yêu với văn hoá đọc, cải thiện tri thức trong cộng đồng, những năm qua, các dự án, chương trình, các cuộc vận động của nhiều tổ chức đã diễn ra dưới nhiều hình thức như Sách hóa nông thôn, Sách cho em, Trạm đọc, We love reading…  

Đặc biệt nhất trong năm 2019, Quốc hội khoá 14 đã thông qua Luật Thư viện, quy định rõ ngày 21.4 hằng năm là “Ngày Sách và Văn hoá đọc Việt Nam”. TS. Vũ Dương Thuý Ngà, nguyên Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL) nhấn mạnh, việc Luật Thư viện được triển khai, đi vào đời sống đã thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với công tác thư viện. Luật đã có những quy định cụ thể về chính sách của Nhà nước về phát triển sự nghiệp thư viện, bao gồm chính sách đầu tư, hỗ trợ và đẩy mạnh xã hội hóa. Đồng thời, Luật đã có những quy định cụ thể về thành lập và hoạt động thư viện. Nhờ có những quy định này, các thư viện sẽ buộc phải nâng cao năng lực để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình; tích cực góp phần phát triển văn hóa đọc và tạo môi trường học tập suốt đời cho nhân dân, xây dựng xã hội học tập, nâng cao dân trí, xây dựng con người Việt Nam toàn diện. Tuy nhiên thẳng thắn nhìn nhận, vẫn có thực trạng nơi tổ chức các hoạt động khuyến đọc rầm rộ, nơi thì lặng im như tờ.

Giải pháp phát triển văn hoá đọc trong cộng đồng để cải thiện tri thức: Cần đồng bộ nhiều giải pháp - Anh 2

Cần triển khai nhiều giải pháp nhằm nhân lên tình yêu với văn hóa đọc

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Thư viện, trong thời gian tới, cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nhằm thay đổi, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, gia đình, nhà trường, cộng đồng và toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của văn hóa đọc, cải thiện tri thức trong quá trình xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Các hình thức thông tin, truyền thông cần không ngừng đổi mới, sáng tạo, áp dụng các phương thức mới, hiện đại nhằm nâng cao khả năng tiếp cận, tính hấp dẫn, thu hút đối với người dân. Đặc biệt, huy động sự tham gia phối hợp có hiệu quả của các phương tiện thông tin, truyền thông trong cả nước.

“Cùng với đó, chúng ta phải đẩy mạnh các hoạt động nhằm xây dựng thói quen, trang bị kỹ năng và phương pháp đọc trong thư viện, nhà trường, cơ quan, tổ chức. Các thư viện chú trọng hướng dẫn kỹ năng và phương pháp, phát triển năng lực thông tin đọc phù hợp với từng nhóm đối tượng, chú trọng đối tượng học sinh, sinh viên; có định hướng và thúc đẩy xu hướng, thị hiếu đọc lành mạnh trong xã hội. Huy động sự tham gia, phối hợp triển khai có hiệu quả của các cơ quan, tổ chức liên quan trong việc xây dựng, duy trì thói quen đọc và tăng cường vai trò của gia đình trong phát triển văn hóa đọc”, bà Nguyễn Thị Thu Hiền nêu rõ.

Các chuyên gia cũng nhận định, việc ứng xử với sách, tri thức của mỗi cá nhân được hình thành rất rõ trong môi trường sống của chính cá nhân, ở đây là gia đình. Việc bố mẹ thường xuyên đọc sách sẽ là tấm gương để con cái noi theo. Bản thân người lớn phải thay đổi trước nhất. Thay vì cuối ngày bố mẹ ngồi xem ti vi, điện thoại hay đọc sách, bố mẹ hãy mua những cuốn sách, để ở chỗ dễ thấy nhất và cùng con đọc, trao đổi về những nội dung trong cuốn sách đó. Khi đó, niềm đam mê với sách sẽ được khơi dậy trong các thành viên trong gia đình.

Với anh anh Đỗ Tiến Thành, người được mệnh danh là “cửu vạn sách”, anh cho biết một trong những mô hình cần được nhân rộng là lập tủ sách ngay trong chính gia đình mình. “Tôi đã chứng kiến nhiều gia đình hiện nay có tủ rượu lớn nhưng tủ sách thì không. Một sự thật đáng buồn là nhiều phụ huynh, nhất là các ông bố lại tập trung cho những thú vui như uống rượu mà không hề đầu tư cho phát triển văn hóa đọc trong căn nhà của mình. Bên cạnh đó, việc lập tủ sách trong gia đình phải làm thực chất, không thể chạy theo chủ nghĩa hình thức hay để khoe mẽ. Lập tủ sách là tạo không gian giúp con trẻ được sống trong môi trường giàu tri thức từ nhỏ. Hơn hết, đọc sách là phương pháp tự học rất quan trọng, giúp trẻ xây dựng nền tảng phát triển tốt về nhân cách, ngôn ngữ và trí tuệ sau này”.

ĐÌNH TOÁN

Ý kiến bạn đọc