Già làng gìn giữ, lan tỏa văn hóa đồng bào Pa Cô

VHO- Hàng chục năm qua, già làng Hồ Văn Hạnh không biết mệt mỏi truyền dạy và lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Pa Cô đến với cộng đồng. Ông cũng là một trong những người đưa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với đồng bào, góp phần thực hiện các phong trào và phát triển kinh tế xã hội địa phương.

Già làng gìn giữ, lan tỏa văn hóa đồng bào Pa Cô - Anh 1

 Già làng Hồ Văn Hạnh truyền dạy đánh cồng chiêng

Đến đầu thôn A Niêng Lê Triêng 1, xã Trung Sơn, huyện miền núi A Lưới (Thừa Thiên Huế), chúng tôi chỉ mới nhắc tên già làng Hồ Văn Hạnh năm nay đã 77 tuổi là đã có bà con “xung phong” dẫn đến tận nhà của ông.

“Truyền lửa” văn hóa đồng bào Pa Cô

Dù đã ở vào cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng sức dẻo dai, nhanh nhẹn của ông Hồ Văn Hạnh không kém gì những người trung niên. Đôi chân của ông thoăn thoắt, giọng nói trầm ấm và say sưa. Đến A Lưới để tìm hiểu văn hóa của đồng bào Pa Cô thì không thể quên già làng Hồ Văn Hạnh. Suốt hàng chục năm qua, ông đã không mệt mỏi trao truyền những giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào mình đến các thế hệ trẻ trong thôn bản, trong xã và những địa phương dọc dãy Trường Sơn. Từ những cách thức tổ chức lễ hội truyền thống đến những điệu múa, bài hát, cho đến âm hưởng của các loại nhạc cụ của người Pa Cô, ông đều rất thành thục…

Chia sẻ với chúng tôi, già làng Hồ Văn Hạnh kể rằng từ khi còn đang làm cán bộ, ông đã miệt mài sưu tầm, nghiên cứu những giá trị văn hóa của đồng bào mình thông qua việc thường xuyên gặp gỡ, tìm hiểu ở những già làng của các thôn, bản. Đó là kho tư liệu quý, cùng với việc say mê các làn điệu, nhạc cụ của người Pa Cô nên ông càng điêu luyện hơn khi biểu diễn. Ông biểu diễn được cồng chiêng, khèn bè, đàn nhị, thổi tù và, đánh trống… Nhiều năm qua, chính ông là người đã xây dựng các đội văn nghệ ở các thôn trên địa bàn xã, rồi truyền dạy những kiến thức của mình cho cộng đồng để giữ gìn và lan tỏa sâu rộng hơn. Những làn điệu cha chấp, ba bói, ca lơi… đặc trưng của đồng bào Pa Cô được già Hạnh truyền dạy đến từng người, đặc biệt là những bạn trẻ.

Già làng gìn giữ, lan tỏa văn hóa đồng bào Pa Cô - Anh 2

Mới đây, trong những ngày đầu tháng 8.2023, già làng Hồ Văn Hạnh đã chủ trì kết nối các cộng đồng thôn làng trên địa bàn để tổ chức lễ hội A-riêu-ping truyền thống. Lễ hội đã thu hút rất đông các dòng họ trong thôn, xã và nhiều khách mời từ các nơi khác như huyện miền núi Nam Đông, các địa phương ở tỉnh Quảng Trị, Quảng Nam… “Thông qua lễ hội này, góp phần lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc Pa Cô, đồng thời tạo được sự gắn kết giữa các địa phương, đoàn kết trong cộng đồng dân cư. Nhiều nghi thức lạc hậu, không còn phù hợp đã được chúng tôi lược đi, chỉ giữ lại những “tinh hoa” văn hóa của dân tộc, phát huy những giá trị văn hóa phù hợp với cuộc sống hiện nay”, già làng Hồ Văn Hạnh cho biết. Bà Lê Thị Thêm, Trưởng phòng VHTT huyện A Lưới cho biết, già làng Hồ Văn Hạnh rất am hiểu về văn hóa của đồng bào dân tộc Pa Cô, ông đã được công nhận là Nghệ nhân Ưu tú. Trong thời gian qua, quá trình triển khai thực hiện đề án Bảo tồn văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện A Lưới, rất nhiều nghệ nhân ở các lĩnh vực khác nhau, trong đó có 5 người được công nhận Nghệ nhân Nhân dân và Nghệ nhân Ưu tú đã đóng góp không nhỏ công sức, tâm huyết, thời gian để trao truyền các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu… Và già làng Hồ Văn Hạnh là một trong những nghệ nhân “truyền lửa” văn hóa dân tộc Pa Cô đến các bạn trẻ và cộng đồng.

“Trong các dịp Ngày hội VHTTDL trên địa bàn huyện, tỉnh, các đợt sinh hoạt văn hóa tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam ở Đồng Mô (Sơn Tây, Hà Nội)…, già làng Hồ Văn Hạnh thường tham gia và trực tiếp trình diễn, giới thiệu đến cộng đồng những bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào mình. Quá trình chúng tôi nghiên cứu, sưu tầm về các lễ hội tiêu biểu của đồng bào Pa Cô, Tà Ôi, già làng Hồ Văn Hạnh cũng đã trực tiếp cung cấp các thông tin, tư liệu quý cho ngành văn hóa”, bà Thêm nói. Trong 2 năm (2017, 2018), già làng Hồ Văn Hạnh được UBND huyện A Lưới giao nhiệm vụ đến Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam để tổ chức các hoạt động sinh hoạt văn hóa, tái hiện các lễ hội truyền thống, giao lưu và giới thiệu đến du khách trong nước và quốc tế. Cuối năm 2018, già làng Hồ Văn Hạnh cũng vinh dự là một trong những đại biểu tham dự cuộc gặp mặt của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các già làng, trưởng bản, người có uy tín tiêu biểu.

Già làng gìn giữ, lan tỏa văn hóa đồng bào Pa Cô - Anh 3

 Già làng Hồ Văn Hạnh giới thiệu về các loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào Pa Cô mà ông đang lưu giữ

Đưa chủ trương, chính sách đến gần với bà con

Già làng Hồ Văn Hạnh kể rằng, nhờ thường xuyên tuyên truyền nên nhiều hủ tục lạc hậu ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội đã được cộng đồng dân tộc Pa Cô xóa bỏ. Như bỏ tục bắt vợ, lược đi các lễ cúng bái quá nhiều trong tín ngưỡng, bỏ mê tín dị đoan, xóa bỏ đâm trâu tại các lễ hội…

Ông Lê Văn Nghiếu, Chủ tịch UBND xã Trung Sơn khẳng định: Vai trò của người có uy tín trên địa bàn xã rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng, đoàn kết cộng đồng cũng như giữ gìn và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống… Quyết định 12/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số là chủ trương, chính sách đúng đắn. Có các già làng, người có uy tín đã góp phần củng cố, kiện toàn thêm sức mạnh cho cả hệ thống chính trị ở địa phương. “Trong 5 thôn của xã Trung Sơn, có các già làng uy tín đã có “tiếng nói”, góp phần đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến tận các dòng họ, hộ gia đình. Và phải kể đến là công sức của già làng Hồ Văn Hạnh. Ông không chỉ trao truyền giá trị văn hóa của đồng bào Pa Cô mà nêu gương và tuyên truyền đến các dòng họ, bà con thôn bản những chương trình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; đặc biệt là các chương trình thực hiện mục tiêu quốc gia trên địa bàn thời gian qua”, ông Nghiếu cho biết.

Già làng gìn giữ, lan tỏa văn hóa đồng bào Pa Cô - Anh 4

Già làng Hồ Văn Hạnh chia sẻ, tháng 10.2022, “khi Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế phát động phong trào “Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo”, tôi thấy rất phù hợp. Thời gian qua, tôi đã đến từng nhà, gặp từng người trong thôn để tuyên truyền đến bà con để cùng nhau thực hiện. Để thực hiện tốt, bản thân mình cũng phải làm gương đi đầu, rồi vận động bà con triển khai các mô hình kinh tế gia đình như trồng rừng, trồng chuối, chăn nuôi… Trước đây, bà con hay suy nghĩ không muốn thoát nghèo, đó là suy nghĩ xấu hổ, không còn phù hợp. Sau khi trao đổi, tuyên truyền cho bà con hiểu thì đã có 135 hộ ở thôn A Niêng Lê Triêng 1 đăng ký thoát nghèo, giảm nghèo bền vững. Để các dòng họ, dân làng tin tưởng, các phong trào đi vào thực chất, bản thân tôi luôn nêu gương, vận động con cháu trong gia đình, dòng họ của mình học tập tốt, có lối sống tích cực, có trách nhiệm với Nhà nước, với cộng đồng, thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, nắm vững an ninh biên giới…”.

Theo lãnh đạo UBND xã Trung Sơn, khi triển khai Nghị quyết 834/NQ-UBTVQH14 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế, trong đó xã Hồng Trung và Bắc Sơn (huyện A Lưới) sáp nhập lại, chính quyền cũng gặp khó khăn vì bà con trên địa bàn còn chưa hiểu rõ, sợ mất các chính sách, các anh em cán bộ không chuyên trách sợ mất công việc… Nhưng các già làng uy tín, trong đó có bác Hồ Văn Hạnh đã góp phần tuyên truyền cho bà con hiểu rõ chủ trương, chính sách và thực hiện. 

SƠN THÙY

Ý kiến bạn đọc