Độc đáo Lễ hội Kỳ yên đình Bình Thủy, Cần Thơ

VHO - Lễ hội Kỳ yên thượng điền đình Bình Thủy, TP Cần Thơ năm 2023 vừa diễn ra từ 30.5-2.6 (nhằm ngày 12-15.4 âm lịch). Lễ hội được tổ chức phần lễ trang nghiêm theo thông lệ truyền thống, phần hội mang không khí vui tươi, rộn ràng. Đây là lễ hội lớn nhất năm của TP Cần Thơ nên rất được người dân địa phương lẫn du khách khắp nơi tham gia.

Độc đáo Lễ hội Kỳ yên đình Bình Thủy, Cần Thơ - Anh 1

Thực hiện nghi thức xây chầu đại bội

Lễ hội Kỳ yên thượng điền đình Bình Thủy là lễ hội được duy trì thường niên vào dịp rằm tháng 4 âm lịch hằng năm, nhằm chiêm bái các bậc tiền hiền, hậu hiền, các vị anh hùng dân tộc có công khai hoang, mở đất, xây dựng và giữ gìn quê hương, nguyện cầu mưa thuận, gió hòa, quốc thái, dân an, mùa màng tươi tốt, đồng thời là dịp để gắn kết cộng đồng với nhau.

Lễ Kỳ yên thượng điền bắt đầu bằng nghi thức đưa Sắc thần du ngoạn qua địa bàn các phường của quận Bình Thủy, sau đó là các lễ tế Thần Nông, thay khăn Sắc Thần, xây chầu đại bội, tế bàn soạn, túc yết, chánh tế, tôn vương, tế sơn quân và cuối cùng là tống khách... Về phần hội, UBND quận Bình Thủy phối hợp Sở VHTTDL TP Cần Thơ tổ chức các hoạt động rất phong phú, sôi nổi như hát tuồng cổ, trình diễn thư pháp, vẽ tranh ký họa, triển lãm sách, các gian hàng giới thiệu, quảng bá du lịch thành phố và 9 quận huyện, hội thi mâm xôi ngọt, các hoạt động thể thao như đua xe đạp, cờ tướng... 

Độc đáo Lễ hội Kỳ yên đình Bình Thủy, Cần Thơ - Anh 2

Lễ hội Kỳ yên được tổ chức tại đình Bình Thủy, di tích kiến trúc nghệ thuật độc đáo

Về tên gọi đình Bình Thủy, theo các tài liệu ghi chép, vào năm Giáp Thìn (1844), bão lụt hoành hành dữ dội ở làng Long Tuyền, làm cho nhà cửa, ruộng vườn tan tác, nhân dân đói rách lầm than. Sau trận thiên tai, dân chúng dần dần trở về làm ăn ngày càng sung túc. Trong làng lập một ngôi đình bằng gỗ, lợp lá tại vàm rạch Bình Thủy, nguyện linh thần làm ăn yên ổn.

Tương truyền, năm 1852 dưới triều vua Tự Đức năm thứ năm, quan Khâm sai Đại thần Huỳnh Mẫn Đạt đang trên đường tuần du qua sông Hậu, bất ngờ gặp trận cuồng phong, ông cho thuyền nấp vào cù lao, ngã ba của một dòng kinh đổ ra sông Hậu (nay là cồn Linh tại vàm rạch Bình Thủy). Nơi đây sóng yên gió lặng, nhờ đó thuyền được bình an.

Độc đáo Lễ hội Kỳ yên đình Bình Thủy, Cần Thơ - Anh 3

Nghi thức thay khăn Sắc Thần, đây cũng là dịp người dân có thể chiêm ngưỡng Sắc Thần

Nhân tiện quan Khâm sai Đại thần lên bờ tham quan cảnh vật, tìm hiểu dân tình. Thấy ở đây có dòng sông nước chảy êm đềm, cảnh vật tươi đẹp, hoa màu xanh tốt, dân chúng an cư lạc nghiệp, ông liền đặt tên cho nơi này là làng Bình Thủy. Khi trở về, ông dâng sở lên vua trình qua sự việc. Vua Tự Đức thuận tình phê sắc phong “Bổn Cảnh Thành Hoàng” cho làng Bình Thủy vào ngày 29.11 năm Nhâm Tý (1852).

Sau nhiều lần tu bổ, đầu thế kỷ XX, nhân dân cất lại Đình như hiện nay ngay tại vàm Bình Thủy bằng gạch ngói và hoàn thành năm 1910. Đến năm 1989, Đình được Bộ VHTTDL đưa vào danh mục di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Sau hơn 200 năm xây dựng, đình Bình Thủy vẫn giữ nguyên được bản sắc văn hóa, tín ngưỡng vốn có từ lâu đời.

Độc đáo Lễ hội Kỳ yên đình Bình Thủy, Cần Thơ - Anh 4

Nghi thức đưa Sắc Thần du ngoạn qua địa bàn các phường của quận Bình Thủy

Hằng năm, tại đình Bình Thủy, ngoài các lễ cúng tế vào ngày rằm mỗi tháng và Tết Nguyên đán, Đình còn có 2 kỳ lễ hội lớn được tổ chức long trọng là Lễ Kỳ yên thượng điền và Lễ Kỳ yên hạ điền. Vào các ngày này, dân làng mở lễ hội đình để tưởng niệm công tích của các vị thần, các bậc tiền nhân mở đất, các anh hùng dân tộc. Lễ hội này là nét văn hóa đặc trưng của các bậc tiền nhân để lại khi xây dựng xóm làng, lập ấp tại vùng đất Bình Thủy, được truyền từ nhiều thế hệ đến ngày nay và đã được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

THÙY TRANG

Ý kiến bạn đọc