Độc đáo Lễ cúng thần rừng của người Kháng ở Điện Biên
VHO - Lễ Cúng thần rừng (Tam ma ngặt oom tia) của người Kháng tại bản Nậm Mu, xã Rạng Đông, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên là một trong những nghi lễ quan trọng của đồng bào dân tộc Kháng, thể hiện được tính kế thừa, kết nối các giá trị văn hóa mang đậm bản sắc văn hoá truyền thống.
Lễ cúng thần rừng được Bảo tàng tỉnh Điện Biên tổ chức phục dựng, bảo tồn là hoạt động triển khai thực hiện Dự án số 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, nhằm đáp ứng nhu cầu về hưởng thụ văn hóa, khôi phục những lễ hội có nguy cơ mai một, đồng thời đẩy lùi các hủ tục lạc hậu, góp phần làm phong phú thêm lễ hội truyền thống các dân tộc trên địa bàn tỉnh Điện Biên.
Công tác chuẩn bị cho Lễ cúng thần rừng của dân tộc Kháng tại bản Nậm Mu, xã Rạng Đông, huyện Tuần Giáo
Theo truyền thống, Lễ cúng thần rừng (Tam ma ngặt oom tia) được tổ chức vào khoảng tháng 3 đến tháng 4 dương lịch, là thời điểm chuẩn bị gieo trồng mùa vụ mới. Theo quan niệm của đồng bào dân tộc Kháng, thần rừng là người cai quản, bảo vệ con người, cây trồng, vật nuôi trong bản làng. Về ý nghĩa, cúng thần rừng cũng là một nghi thức cầu mưa, mùa khô hạn nhanh qua, mùa mưa nhanh tới để sản xuất nông nghiệp. Đồng thời cầu xin các thế lực siêu nhiên che chở, bảo vệ cộng đồng dân tộc Kháng, không ốm đau, bệnh tật, có sức khỏe tốt, cây trồng, vật nuôi ít bị bệnh, mùa màng bội thu, tươi tốt, người người khỏe mạnh, nhà nhà ấm no.
Lễ cúng thần rừng không chỉ là dịp để tạ ơn thần linh, các thế lực siêu nhiên đã quản hạt, bảo vệ bản làng, phù hộ con người khỏe mạnh, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, tươi tốt mà còn là dịp để các thành viên trong cộng đồng dân tộc Kháng có cơ hội gặp gỡ, giao lưu và học hỏi kinh nghiệm phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy khối đại đoàn kết, giúp đỡ nhau vươn lên lên trong cuộc sống.
Lễ cúng thần rừng là một trong những nghi lễ quan trọng trong đời sống văn hóa của dân tộc Kháng
Nghi lễ đầu tiên là nghi lễ cúng mời ba vị thần “Chom Ượt”, “Bỏ Mú”, “Bỏ Co” về nhận và thụ hưởng đồ lễ. Vào sáng sớm ngày tổ chức lễ, những người đàn ông đại diện cho các gia đình cùng nhau mang nguyên vật liệu, đồ lễ ra địa điểm tổ chức để thực hiện nghi lễ cúng thần rừng.
Việc chuẩn bị và sắp mâm lễ tại gốc cây to đều do nam giới trong bản đảm nhiệm, sau khi mọi việc đã chuẩn bị xong, thầy cúng cùng những người tham gia lễ tiến hành thực hiện các nghi lễ nghi lễ cúng mời ba vị thần “Chom Ượt” (vị thần cai quản vùng đất của bản Nậm Mu); “Bỏ Mú”, “Bỏ Co” (hai vị thần cai quản hai đầu nguồn nước trong bản) về nhận và thụ hưởng đồ lễ, chứng giám lòng thành của dân bản.
Thầy cúng thực hiện nghi lễ khấn mời các vị thần linh về nhận lễ vật do bà con dân bản dâng lên
Tiếp đến là nghi lễ cúng 12 vị thần cai quản vùng đất Nậm Mu để thể hiện lòng thành kính của người Kháng đối với thiên nhiên, với thế giới thần linh để gửi gắm niềm tin, khát vọng cầu mong được sự phù hộ, che chở từ thần linh để có một mùa vụ mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi; bản làng yên vui.
Nghi lễ cúng mời các vị thần linh kết thúc, cũng là lúc thầy cúng cùng những người tham gia lễ hưởng thụ đồ lễ ngay tại khu vực nơi vừa thực hiện các nghi lễ cúng các vị thần, tất cả đều hân hoan trong niềm vui và hy vọng tới những vụ mùa bội thu, cuộc sống no đủ, hạnh phúc, cùng nâng chén rượu chúc mừng cho nhau mạnh khỏe, mọi điều tốt lành. Đồng thời, trong tâm trí mỗi người đều tỏ lòng thành kính, trân trọng và biết ơn các vị thần linh đã phù hộ, che chở cho dân bản.
Lễ cúng thần rừng được diễn ra ở cạnh suối có cây cổ thụ
Trong thời gian tổ chức lễ cúng thần rừng, ngoài các nghi lễ và món ăn truyền thống, đồng bào dân tộc Kháng còn chuẩn bị những bộ trang phục truyền thống mới, đẹp nhất để vui hội, ở sân chơi của bản diễn ra các trò chơi dân gian như đánh cầu lông gà, kéo co, đi cà kheo, tung còn...; các điệu múa truyền thống như tăm đao, xòe vòng và hát dân ca... Khi đêm đã xuống, không khí trong bản vẫn nhộn nhịp, mọi người vui vẻ hân hoan nâng chén rượu và gửi tới nhau những lời chúc tốt đẹp nhất.
Nhiều năm qua, Bảo tàng tỉnh Điện Biên đã sưu tầm, bảo quản, nghiên cứu, trưng bày, giới thiệu di sản văn hóa, bằng chứng vật chất về thiên nhiên, con người và môi trường sống của con người, nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập, tham quan và hưởng thụ văn hóa của công chúng.
Việc tổ chức phục dựng, bảo tồn Lễ cúng thần rừng của người Kháng tại bản Nậm Mu, xã Rạng Đông, huyện Tuần Giáo Đồng nhằm phát huy mạnh mẽ vai trò của chủ thể văn hóa trong việc duy trì lễ hội truyền thống của người Kháng nói riêng, đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh Điện Biên nói chung. Qua đó, tăng cường tinh thần đoàn kết cộng đồng, đề cao vai trò của trưởng bản, người có uy tín, đặc biệt là các nghệ nhân - chủ thể văn hóa là người am hiểu, nắm giữ di sản văn hóa, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân các dân tộc tham gia bảo vệ di sản văn hóa; giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống văn hóa gắn với phát triển du lịch.
Dân tộc Kháng là một trong những dân tộc sinh sống lâu đời tại miền núi Tây Bắc và là một trong 19 dân tộc ở Điện Biên. Người Kháng sinh sống thành từng bản, tập trung ở các huyện Tuần Giáo, Tủa Chùa, Mường Nhé, Nậm Pồ... Với đặc thù địa hình sinh sống, phương thức canh tác, sản xuất nên đồng bào dân tộc Kháng vẫn giữ được nhiều nét văn hóa riêng, từ tiếng nói, trang phục, phong tục tập quán, các nghi lễ đặc sắc và độc đáo gắn với đời sống sản xuất nông nghiệp như: Lễ Cơm mới, Lễ Pang phóng, Lễ cúng thần rừng. Trong đó, Lễ cúng thần rừng (Tam ma ngặt oom tia) là một trong những nghi lễ quan trọng trong đời sống lao động sản xuất của đồng bào dân tộc Kháng, thể hiện được tính kế thừa, kết nối các giá trị văn hóa giữa các thế hệ, chứa đựng nhiều thành tố quan trọng của bản sắc văn hoá dân tộc Kháng. |
NGUYỄN NAM; ảnh: Bảo tàng tỉnh Điện Biên