“Cõng” phim về với bản, làng
VHO- Băng rừng, vượt núi, trèo đèo, lội suối... là những khó khăn, vất vả mà các cán bộ, nhân viên Trung tâm phát hành phim và chiếu bóng Thanh Hóa thường xuyên trải qua trong các chuyến công tác về vùng sâu, vùng xa để đưa những thước phim đến với bà con dân bản.
Những buổi chiếu phim lưu động vẫn là món ăn tinh thần, luôn thu hút đông đảo người xem tại các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa
Dù công nghệ ngày càng phát triển, song những người công tác trong ngành chiếu phim lưu động của Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Thanh Hóa vẫn miệt mài, lặng lẽ đưa những thước phim hay đến các bản làng heo hút, vùng dân tộc thiểu số… để phục vụ bà con. Việc tiếp cận các nguồn thông tin giải trí của người dân vùng sâu vùng xa còn hạn chế nên hoạt động chiếu phim lưu động vẫn còn cần thiết trong đời sống xã hội. Không chỉ mang niềm vui, tiếng cười đến cho người dân, các đội chiếu phim lưu động còn tuyên truyền hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; hướng dẫn bà con kiến thức về xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, phát triển kinh tế hộ gia đình, phòng chống bạo lực gia đình...
Trong suốt mấy chục năm qua, hành trình đưa rạp chiếu phim lên núi của anh Trịnh Ngọc Đỉnh, Đội trưởng đội chiếu phim số một thuộc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh Thanh Hóa và những anh em trong đội chiếu phim trải qua không ít gian nan. Anh Đỉnh bộc bạch: “Đội chiếu phim số một của Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh được giao nhiệm vụ đưa phim về các huyện miền núi Quan Hóa, Quan Sơn, Mường Lát. Không phải vùng xa xôi hẻo lánh nào ô tô cũng vào được đến nơi nên trong suốt mấy chục năm qua, anh em trong đoàn chỉ có thể vượt những cung đường từ TP Thanh Hóa đến các thôn, bản bằng chiếc xe máy cà tàng, quãng đường đi của những người trong đội chiếu phim gặp rất nhiều khó khăn, vất vả. Đường về các thôn, bản nếu không phải trèo đèo, lội suối thì cũng cách trở sông sâu”.
A Đỉnh còn cho biết, “nắng như đổ lửa thì còn có thể đổi bằng mồ hôi, nhưng nếu gặp phải mưa thì cực kỳ vất vả, bởi lúc đó phải che chắn cẩn thận để loa, đài, âm thanh và một số phụ kiện khác không bị ướt để đưa phim về bản... Cũng bởi vì xa nên mỗi chuyến đi chiếu phim lưu động thường kéo dài từ 10 - 15 ngày. Hành trang cho mỗi chuyến đi bao gồm chăn màn, áo quần, đồ dùng cá nhân, mỳ tôm, thuốc sốt rét... Dù vất vả, khó khăn, song mỗi khi những thước phim hay, những sự kiện chính trị trọng đại của tỉnh và cả nước được đưa đến một cách nhanh chóng, kip thời, bà con đều vui vẻ đón nhận, đó chính là nguồn động viên tinh thần quý giá để anh em trong đội gắn bó hơn với công việc và thêm yêu nghề”. Với tình yêu nghề và khát vọng đưa những thước phim hay đến với bà con bản, làng của các huyện Thường Xuân, Như Thanh, Như Xuân, Ngọc Lặc... anh Vũ Đình Bộ, Đội trưởng đội chiếu phim số hai, người đã nhiều năm gắn bó với việc “cõng phim”, tâm sự: “Những năm gần đây, sự bùng nổ của công nghệ thông tin, nhu cầu thưởng thức phim ảnh của người dân cũng ngày một cao và đa dạng hơn. Bởi vậy, các anh em trong đội chiếu phim cũng như bước vào một mặt trận mới, mặt trận chiếu phim lưu động trong thời đại 4.0. Hằng ngày, chúng tôi đều phải tích cực tìm giải pháp làm sao để nâng chất lượng phim, cải thiện hình thức hoạt động. Ngoài những bộ phim về lịch sử cách mạng, về Bác Hồ thì những bộ phim tuyên truyền về nhiều chủ đề khác nhau như bảo vệ rừng, xây dựng nông thôn mới, phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống... luôn là chủ đề không thể thiếu trong mỗi buổi chiếu của các đội phim ở vùng sâu, vùng xa. Ngoài ra, chúng tôi còn kết hợp giao lưu văn nghệ, tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước... đến với bà con. Cùng với đó, là quan tâm đầu tư mua sắm thêm trang thiết bị để đáp ứng kịp thời nhu cầu văn hóa, tinh thần của người dân”.
Ông Dương Ngọc Lâm, Trưởng phòng Nghiệp vụ điện ảnh, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Thanh Hóa cho biết: Hiện tại, đơn vị có bốn đội chiếu phim lưu động tại hầu hết các địa phương trong tỉnh, mỗi tháng các đội sẽ thực hiện gần 30 buổi chiếu phim cho hàng chục nghìn lượt người xem. Để duy trì được các đội chiếu phim lưu động và mang lại hiệu quả hoạt động thực sự, Trung tâm đã có nhiều sáng tạo và cách làm mới trong thực hiện nhiệm vụ, tích cực đầu tư máy chiếu phim kỹ thuật số hiện đại, đồng bộ, đồng thời mua sắm thêm máy phát điện... Cùng với đó, trung tâm cũng tích cực phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tuyên truyền, như: Phòng văn hóa và thông tin, trung tâm văn hóa, thông tin, thể thao và du lịch của các huyện, các xã nơi tổ chức chiếu phim... để bố trí địa điểm, các bộ phim phù hợp với địa phương phục vụ bà con. Đồng thời, cùng với việc liên tục cập nhật những bộ phim mới, có ý nghĩa xã hội và mang nội dung giáo dục cao, trung tâm còn kết hợp lồng thêm tiếng dân tộc như Thái, Mường, Mông, Dao... vào trong phim để phục vụ bà con dân tộc thiểu số.
Có thể nói, thành viên các đội chiếu phim lưu động trong tỉnh Thanh Hóa luôn là những chiến sĩ “cõng” ánh sáng văn hóa, giải trí đến các bản, làng. Những buổi chiếu phim ở khu vực miền núi thực sự là những ngày hội, thu hút rất đông người dân đến xem. Với việc không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả các buổi chiếu phim lưu động phục vụ nhân dân, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Thanh Hóa đã từng bước đưa hoạt động điện ảnh ngày càng đi vào chiều sâu. Đồng thời khẳng định việc chiếu phim lưu động vẫn là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng của nhân dân, tạo được “chỗ đứng” trong lòng khán giả.
NGUYỄN LINH