Cần phát huy giá trị di sản nghệ thuật Ca Huế trong giai đoạn mới
VHO- Sau 5 năm triển khai đề án Bảo vệ và phát huy giá trị di sản nghệ thuật Ca Huế, loại hình nghệ thuật này đã được giữ gìn và lan tỏa sâu rộng. Tuy nhiên, cần sớm đầu tư, tổ chức những không gian biểu diễn xứng tầm và nâng cao chất lượng để phát triển Ca Huế thành sản phẩm văn hóa du lịch đặc sắc của Thừa Thiên Huế.
Sáng ngày 24.3, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức tổng kết đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản nghệ thuật Ca Huế” giai đoạn 2017- 2022. Đây là đề án dài hơi được triển khai trên diện rộng ngay sau khi Ca Huế được Bộ VHTTDL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2015.
Trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho 10 tập thể có thành tích xuất sắc trong bảo vệ và phát huy giá trị Ca Huế
Lan tỏa Ca Huế trong học đường
Theo ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế, thời gian qua Sở đã phối hợp với Học viện Âm nhạc Huế (thuộc Bộ VHTTDL) tiến hành nghiên cứu, sưu tầm, khôi phục các bài bản Ca Huế cổ có nguy cơ mai một, thất truyền, theo hướng phục hồi nguyên bản, đảm bảo chất lượng để khẳng định giá trị độc đáo, tính đặc trưng, bản sắc của Ca Huế. Ngoài ra, Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế cũng đã tập trung sưu tầm các bài bản ca Huế; hệ thống hóa các làn điệu thu âm, ghi hình, ký âm lập tổng phổ nhạc các làn điệu; và đưa vào lưu trữ 10 làn điều Ca Huế, tiêu biểu như: Nam ai, Nam bình, Tứ đại cảnh, Phú lục, Cổ bản, Nam xuân, Phẩm tiết, Cổ bản dựng…
Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 12 doanh nghiệp đang hoạt động tổ chức biểu diễn Ca Huế, với gần 520 nhạc công và diễn viên (trong đó có 287 diễn viên và 232 nhạc công). Hàng năm, Sở VHTT thường tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo lại, bồi dưỡng kỹ năng biểu diễn cho các diễn viên và nhạc công của các doanh nghiệp; trong đó, ngoài nâng cao chất lượng nghệ thuật còn bồi dưỡng kiến thức về văn hóa, lịch sử, nâng cao trình độ điều hành chương trình và kỹ năng ứng xử, giao tiếp khi tham gia các chương trình biểu diễn Ca Huế phục vụ du khách.
Học sinh biểu diễn Ca Huế trong chương trình tập huấn, đưa di sản Ca Huế vào trường học.
Một trong những nội dung trọng tâm của đề án chính là chương trình đưa di sản nghệ thuật Ca Huế vào trường học. Từ năm 2019 đến năm 2022, Sở VHTT đã phối hợp với ngành giáo dục tổ chức nhiều lớp tập huấn hát Ca Huế cho 113 giáo viên bộ môn Âm nhạc của 100 trường học THCS trên địa bàn. Các giáo viên này sẽ là người truyền dạy lại các bài bản Ca Huế cho học sinh qua các chương trình của môn Âm nhạc. Hiện nay, một số trường học trên địa bàn đã thành lập CLB Ca Huế và thu hút nhiều học sinh tham gia sinh hoạt, biểu diễn như tại Trường THCS Nguyễn Tri Phương, Trường THCS Trần Cao Vân, Trường THCS Thống Nhất… Nhiều trường học khác cũng đã hình thành các CLB âm nhạc, trong đó lồng ghép các buổi sinh hoạt và biểu diễn Ca Huế.
Theo bà Cao Đăng Ngọc Phượng, Trưởng Phòng Giáo dục thường xuyên- Chuyên nghiệp và Chính trị, tư tưởng- Công tác học sinh, Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế, tùy theo từng cấp học, các trường đã tổ chức các tiết học âm nhạc về Ca Huế hoặc các buổi sinh hoạt ngoại khóa Ca Huế nhằm lan tỏa di sản nghệ thuật này đến với các thế hệ trẻ. Tuy nhiên, hiện nay tại một số trường còn thiếu phương tiện, nhạc cụ để truyền dạy về dân ca Huế nói chung và Ca Huế nói riêng; còn thiếu những chương trình giao lưu giữa học sinh với các nghệ sĩ, nghệ nhân Ca Huế… Thời gian tới, kiến nghị chính quyền địa phương và các ngành liên quan cần quan tâm để tiếp tục đẩy mạnh, lan tỏa chương trình.
Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện đề án "Bảo vệ và phát huy giá trị di sản nghệ thuật Ca Huế"
Cần thêm chính sách cho người truyền dạy Ca Huế
Thời gian qua, tour Ca Huế trên sông Hương được xem là một trong những sản phẩm văn hóa “chủ lực” của hoạt động du lịch đêm tại Thừa Thiên Huế. Để đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu phục vụ du khách trong và ngoài nước, UBND tỉnh đã có nhiều chỉ đạo, Sở VHTT và UBND TP.Huế cùng các đơn vị liên quan đã tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động biểu diễn Ca Huế trên sông Hương.
Trong năm 2022, tổ liên ngành đã có 6 đợt kiểm tra theo kế hoạch và kiểm tra đột xuất đối với 350 suất diễn và thuyền tham gia hoạt đông Ca Huế trên sông Hương. Qua đó, đã phát hiện nhiều trường hợp vi phạm và tham mưu cơ quan có thẩm quyền ban hành 7 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các cá nhân vi phạm. Ngoài ra, Sở VHTT cũng đã triển khai xây dựng App Ca Huế nhằm mục đích tăng cường các biện pháp quản lý và quảng bá, giới thiệu về nghệ thuật Ca Huế. Tập trung công tác quản lý, nâng cao chất lượng đội ngũ diễn viên, nhạc công Ca Huế phục vụ khách du lịch.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị Sở VHTT tiếp tục xây dựng chính sách cho các nghệ sĩ, nghệ nhân truyền dạy Ca Huế
Ca Huế không chỉ biểu diễn trên sông Hương, trên địa bàn tỉnh còn có nhiều đơn vị, các CLB cũng tổ chức các chương trình Ca Huế thính phòng với chất lượng được đánh giá cao. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có không gian để tổ chức các hoạt động biểu diễn Ca Huế thính phòng, phát huy giá trị Ca Huế và đưa nghệ thuật này trở thành sản phẩm văn hóa đặc trưng của địa phương. Đây cũng là trăn trở của ngành văn hóa và nhiều nghệ sĩ, nghệ nhân Ca Huế. Điển hình như CLB Ca Huế thính phòng do nhà thơ Võ Quê sáng lập và chủ nhiệm với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ, nghệ nhân “gạo cội” nhưng gần 10 năm qua vẫn đang nhờ không gian của Trung tâm Văn hóa thông tin và thể thao TP.Huế (trước đó là Bảo tàng Văn hóa Huế) để tổ chức sinh hoạt và biểu diễn. Hiện nay, Sở VHTT đang tiếp tục báo cáo đề xuất UBND tỉnh Thừa Thiên Huế hình thành không gian Ca Huế thính phòng tại di tích Ưng Bình (Châu Hương Viên) sau khi trùng tu xong và cơ sở 148 Bùi Thị Xuân, TP.Huế.
Trao tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho 15 cá nhân
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đánh giá cao sự chủ động của các cấp, ngành và những tâm huyết của các nghệ sĩ, nghệ nhân Ca Huế đã góp phần bảo vệ và phát huy giá trị di sản nghệ thuật Ca Huế thời gian qua. Đồng thời, cũng thừa nhận rằng nguồn lực, cơ sở vật chất, thiết chế dành cho Ca Huế thời gian qua còn nhiều hạn chế.
Để tiếp tục triển khai đề án trong giai đoạn mới, lãnh đạo tỉnh yêu cầu ngành văn hóa và các cơ quan liên quan cần có những chủ trương, kế hoạch, giải pháp cụ thể và khoa học. Trong đó, phải chủ động xây dựng chính sách, chê độ đối với các nghệ sĩ, nghệ nhân đang truyền dạy Ca Huế, đây cũng là vấn đề mà Bộ VHTTDL rất quan tâm; chính sách đối để thu hút học sinh, sinh viên thi tuyển và theo học Ca Huế tại các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp…Đặc biệt, phối hợp với các đơn vị để phát triển các không gian biểu diễn Ca Huế thính phòng chất lượng tại các điểm du lịch để đáp ứng nhu cầu của du khách.
Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã tặng Bằng khen cho 10 tập thể và 15 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản nghệ thuật Ca Huế giai đoạn 2017- 2022.
Bài, ảnh: SƠN THÙY