Bảo tồn và phát huy nghề chế tác khèn Mông

VHO- Bảo tàng tỉnh Điện Biên vừa tổ chức lớp truyền dạy nghề chế tác khèn của dân tộc Mông với sự tham gia của các nghệ nhân và học viên dân tộc Mông tại thôn Háng Đề Dê, xã Sính Phình, huyện Tủa Chùa nhằm góp phần để nghệ thuật chế tác khèn luôn được lưu truyền và lan tỏa, trở thành sản phẩm thu hút du khách trong và ngoài nước, thúc đẩy phát triển du lịch tại địa phương .

Bảo tồn và phát huy nghề chế tác khèn Mông - Anh 1

Các nghệ nhân và học viên dân tộc Mông thôn Háng Đề Dê, xã Sính Phình, huyện Tủa Chùa tham gia lớp truyền dạy

Tại Tủa Chùa đời sống văn hóa tinh thần của người Mông rất phong phú và độc đáo, mang đậm bản sắc tộc người và dường như ít bị pha tạp, ảnh hưởng bởi các nền văn hóa khác. Từ các loại hình dân ca, dân vũ, lễ hội, trò chơi dân gian đến âm nhạc và nhạc cụ của người Mông đều thể hiện những nét đặc trưng riêng biệt. Khèn Mông chính là loại nhạc cụ ẩn chứa dấu tích lịch sử của cả tộc người, vì lẽ đó, dù trải qua những tháng năm lịch sử, người Mông ở Tủa Chùa không chỉ lưu truyền những làn điệu khèn mà họ vẫn luôn có những nghệ nhân tâm huyết còn lưu giữ nghệ thuật chế tác khèn khéo léo.

Theo Ban tổ chức, lớp truyền dạy tập trung hướng dẫn các học viên nắm bắt và thực hành quy trình tạo ra những chiếc khèn hoàn chỉnh, qua đó tạo cơ hội và môi trường thuận lợi cho nghệ thuật chế tác khèn của dân tộc Mông nói chung và dân tộc Mông tại xã Háng Đề Dê, huyện Tủa Chùa nói riêng có được sức cuốn hút và sự lan toả mạnh mẽ trong cộng đồng. Thông qua lớp truyền dạy nhằm phát huy vai trò của các nghệ nhân chế tác khèn, nâng cao nhận thức cho cộng đồng, trực tiếp là các học viên trong việc bảo tồn những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào, gìn giữ, phát huy được nghệ thuật trình diễn dân gian, các tập quán xã hội và tín ngưỡng gắn với cây khèn của dân tộc Mông.

Trong thời gian tham gia lớp truyền dạy, các học viên tham gia sẽ được các nghệ nhân truyền dạy những bí quyết chọn nguyên liệu, cách chế tác các bộ phận cấu thành như thân, ống, đai và cách đúc đồng, làm lưỡi gà... để tạo ra một chiếc khèn hoàn chỉnh nhằm tiếp tục thực hành, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc Mông.

Người Mông có nhiều loại nhạc cụ truyền thống như khèn, nhị, sáo, đàn môi, khèn lá, trống và mỗi loại nhạc cụ lại biểu thị một dạng âm thanh rất đặc trưng, trong đó nổi trội, độc đáo, cũng như thể hiện rõ bản sắc tộc người hơn cả, đó chính là khèn. Khèn Mông chính là loại nhạc cụ ẩn chứa dấu tích lịch sử của cả tộc người, vì lẽ đó, dù trải qua những tháng năm lịch sử, người Mông không chỉ lưu truyền những làn điệu khèn mà họ vẫn luôn có những nghệ nhân chế tác khéo léo.

Bảo tồn và phát huy nghề chế tác khèn Mông - Anh 2

 Ngày 12.1.2022, nghệ thuật chế tác và múa khèn của người Mông tỉnh Điện Biên được Bộ VHTTDL công nhận đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Khèn của người Mông gồm 6 ống khí bằng trúc, trong ống khí có lưỡi gà bằng đồng, gắn với bầu khèn bằng gỗ pơ mu. Không chỉ là nhạc khí, khèn Mông còn là đạo cụ múa, nên người chế tác cũng phải uốn trúc, tạo dáng khèn phù hợp với dáng khum người múa khi quay, nhảy, xoay hay lộn để thể hiện tính độc đáo ở khèn. Tiếng khèn cùng lúc có thể phát ra nhiều tầng âm, nhiều bè vang xa, trầm hùng như tiếng gió đại ngàn, suối reo, để làm được một cây khèn như vậy đòi hỏi người chế tác khèn phải hội tụ rất nhiều yêu cầu khắt khe, từ việc thu thập các nguyên liệu như vỏ cây đào rừng để làm dây cuốn, chọn bầu gỗ pơ mu, đến tìm từng ống trúc.

Cùng với đó, các công đoạn làm khèn đều thủ công nên đòi hỏi người chế tác phải có sự tỉ mỉ, cẩn thận và nhất là phải thực sự có tình yêu đối với cây khèn. Không chỉ vậy, theo kinh nghiệm làm khèn Mông thì để có được chiếc khèn tạo ra thứ âm thanh đặc trưng, truyền thống đòi hỏi người nghệ nhân phải có nhiều năm kinh nghiệm trong từng công đoạn để tạo ra một chiếc khèn hoàn chỉnh.

Nhiều năm qua, việc gìn giữ, phát triển cây khèn của đồng bào Mông ở huyện Tủa Chùa đã được quan tâm bảo tồn, giữ gìn và phát huy bằng nhiều hình thức như tổ hợp tác sản xuất khèn Mông, mở lớp truyền dạy chế tác khèn... góp phần để nghệ thuật chế tác khèn luôn được lưu truyền không chỉ phục vụ đời sống tinh thần của người Mông mà còn lan tỏa, trở thành các sản phẩm thu hút du khách trong và ngoài nước, thúc đẩy phát triển du lịch tại địa phương. 

 

“Lớp truyền dạy nhằm phát huy vai trò của các nghệ nhân chế tác khèn, nâng cao nhận thức cho cộng đồng, trực tiếp là các học viên trong việc bảo tồn những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào, gìn giữ, phát huy được nghệ thuật trình diễn dân gian, các tập quán xã hội và tín ngưỡng gắn với cây khèn của dân tộc Mông”.

 

NGUYN NAM

Ý kiến bạn đọc