Bảo tồn chợ phiên truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số
VHO – Bộ VHTTDL đã ban hành Quyết định về việc tổ chức lớp tập huấn bảo tồn, phát huy đặc trưng văn hóa truyền thống trong chợ phiên của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Chợ phiên Chiềng Đi, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La bày bán trang phục của đồng bào dân tộc Mông. Ảnh: CTTSL
Lớp tập huấn do Bộ VHTTDL tổ chức, dự kiến diễn ra trong hai ngày quý IV/2023 tại huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La. Tham dự lớp tập huấn gốm 76 học viên là cán bộ cấp xã, nghệ nhân, trưởng thôn, bản, người có uy tín, đại diện hộ sản xuất kinh doanh là người dân tộc thiểu số thuộc huyện Vân Hồ.
Tại lớp tập huấn, các học viên sẽ được các báo cáo viên là các nhà quản lý văn hóa, các chuyên gia trình bày bốn chuyên đề: Thực trạng, kết quả và hiệu quả chợ phiên vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chợ phiên đặc trưng văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số trước thách thức của kinh tế thị trường; Tổ chức không gian chợ phiên phù hợp phong tục, tập quán vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Tái hiện mô hình chợ phiên của đồng bào các dân tộc vùng cao.
Lớp tập huấn nhằm thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số, thông qua chợ phiên đặc trưng truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số nhằm đưa ra phương pháp bảo tồn có hiệu quả dưới tác động của nền kinh tế thị trường. Đồng thời, tăng cường, quảng bá, phát huy truyền thống nét đẹp văn hóa độc đáo mang đặc trưng của đồng bào các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, động viên, khích lệ các nghệ nhân sáng tạo những sản phẩm thủ công phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, nhằm phát triển kinh tế, xã hội.
Chợ phiên là nét sinh hoạt văn hóa không thể thiếu của đồng bào dân tộc thiểu số tại các địa phương, có rất nhiều chợ phiên nổi tiếng, để lại dấu ấn sâu sắc với du khách gần xa. Chợ phiên không chỉ là nơi giao lưu, trao đổi hàng hóa, mà còn là nơi hội tụ, nơi gặp gỡ và giao lưu văn hóa giữa các dân tộc, nơi hội tụ giá trị tinh thần, là một nét đẹp văn hoá độc đáo mang đặc trưng của các vùng miền. Đến chợ phiên, người dân và du khách có thể đắm chìm trong sắc màu thổ cẩm với những nụ cười hiền hậu, không khí ấm cúng thân thiện như tính cách con người vùng cao. Bà con các dân tộc thiểu số đến với phiên chợ không chỉ mang theo hàng hóa để bán mà còn mang nét đẹp, đặc sắc riêng của dân tộc mình. Đó là những chiếc áo, chiếc váy được thêu tay tinh xảo và những cuộn chỉ nhiều màu săc được chọn lựa tỉ mỉ, ở đó còn có những sản vật địa phương chỉ vùng cao mới có, những nét văn hóa ẩm thực đặc sắc...
Để giữ được những nét văn hóa truyền thống của các phiên chợ vùng cao trong dòng chảy của cuộc sống hiện đại đang là vấn đề cần được sự quan tâm của các cấp, ngành và địa phương tham gia phục dựng, bảo tồn một cách khoa học đáp ứng được nhu cầu phục vụ đời sống, nhưng vẫn giữ được các giá trị văn hóa đặc sắc, tạo thành những mô hình phát triển du lịch hiệu quả thu hút du khách nhằm phát triển kinh tế-xã hội tại các địa phương.
TÙNG QUANG