Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế sớm hết cảnh “ở ké”
VHO- Dự án di dời và nâng cấp Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế đã được phê duyệt chủ trương từ tháng 10.2018 sau hàng chục năm “ở ké” tại di tích Quốc Tử Giám triều Nguyễn (Kinh thành Huế). Vào cuối tháng 4 vừa qua, UBND tỉnh đã nhận bàn giao khu đất 268 Điện Biên Phủ (TP Huế) để chuẩn bị cho việc di dời những hiện vật hạng nặng của bảo tàng đến địa điểm mới, còn dự án nâng cấp bảo tàng thì vẫn... chờ!
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế kiểm tra tại Bảo tàng Lịch sử và chỉ đạo di dời hiện vật hạng nặng ngoài trời trước 19.5
Theo ông Nguyễn Đức Lộc, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế, đơn vị đang lên phương án để di dời 18 hiện vật hạng nặng đến rất nặng đến địa điểm mới theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Đây là những hiện vật được trưng bày ngoài trời, nằm trong khuôn viên sân của di tích Quốc Tử Giám triều Nguyễn từ mấy chục năm nay. Những hiện vật này gồm xe tăng, máy bay, pháo... Việc di dời sẽ được thực hiện trước ngày 19.5, nhằm trả lại không gian cho di tích Quốc Tử Giám để tôn tạo cảnh quan phù hợp với tổng thể của hệ thống di tích Kinh thành Huế.
Lãnh đạo Bảo tàng Lịch sử tỉnh cũng cho biết, các hiện vật nặng nói trên sẽ được di dời đến 268 Điện Biên Phủ (phường Trường An, TP Huế). Địa điểm này vốn là khu nhà đất của Tiểu đoàn huấn luyện cơ động, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tỉnh. Thực tế, UBND tỉnh đã quy hoạch địa điểm cho Bảo tàng Lịch sử tỉnh từ năm 1998, nhưng do gặp nhiều vướng mắc cho đến năm 2016, UBND tỉnh này mới có văn bản gửi Bộ Quốc phòng đề nghị bàn giao một phần khu đất của Tiểu đoàn huấn luyện cơ động để xây dựng Bảo tàng Lịch sử tỉnh. Đến tháng 3.2017, Thủ tướng Chính phủ có văn bản gửi Bộ Quốc phòng và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đồng ý điều chuyển tài sản khu nhà đất tại 268 Điện Biên Phủ cho tỉnh này quản lý và sử dụng.
Trên cơ sở đó, ngày 17.10.2018 UBND tỉnh cũng phê duyệt chủ trương đầu tư dự án di dời và nâng cấp Bảo tàng Lịch sử với mức kinh phí hơn 14,2 tỉ đồng. Việc di dời bảo tàng về khu đất 268 Điện Biên Phủ nhằm hình thành thiết chế văn hóa phù hợp, kết nối với các địa điểm lịch sử, di tích lân cận như đàn Nam Giao, nghĩa trang Phan Bội Châu, khu tượng đài Quang Trung ở núi Bân..., góp phần phát huy giá trị của các bảo vật, hiện vật đang lưu trữ tại Bảo tàng Lịch sử tỉnh, tạo thuận lợi cho nhu cầu tìm hiểu về di tích, di sản văn hóa của người dân và du khách...
Các hiện vật hạng nặng trưng bày ngoài trời của Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế bị hư hại
Mới đây, cuối tháng 4.2020, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tiếp nhận khu đất 268 Điện Biên Phủ do Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tỉnh bàn giao với diện tích hơn 7.000m2, trong đó diện tích sàn xây dựng gần 2.300m2. Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã có buổi khảo sát, kiểm tra tại Bảo tàng Lịch sử tỉnh và chỉ đạo ngành văn hóa nhanh chóng có phương án và thực hiện di dời các hiện vật hạng nặng ngoài trời trước ngày 19.5; chuẩn bị cho việc đầu tư, nâng cấp Bảo tàng Lịch sử tại nơi mới với mục tiêu hình thành thiết chế văn hóa phù hợp, thuận lợi cho nhu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật của người dân, tạo thêm sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu của du khách.
Theo ông Lộc, hiện nay Bảo tàng Lịch sử tỉnh còn lưu giữ và bảo quản gần 22.000 hiện vật và tư liệu. Trước mắt chỉ thực hiện di dời 18 hiện vật nặng ngoài trời để chống gỉ rét, hư hại và trả lại không gian chung cho hệ thống Quần thể di tích Cố đô Huế. Những hiện vật còn lại đang được trưng bày trong nhà và bảo quản ở kho lưu giữ. Tuy nhiên, nhiều năm qua hệ thống cơ sở vật chất của bảo tàng đã xuống cấp, nên khó có khả năng bảo quản lâu dài cũng như phát huy giá trị của hiện vật. Hầu hết hệ thống cơ sở vật chất, kho bảo quản của bảo tàng có diện tích nhỏ hẹp, trong khi đó khối lượng hiện vật quá lớn và tận dụng những thiết chế cũ nên không an toàn, xảy ra tình trạng ẩm thấp, không đáp ứng các yêu cầu về bảo quản tư liệu, hiện vật theo quy định chung.
Mặt khác, Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế từ khi hình thành đến nay đang phải tận dụng không gian di tích Quốc Tử Giám nên việc thực hiện chuyên môn của đơn vị chưa đạt hiệu quả tốt. Nhiều năm qua, những người làm công tác bảo tàng rất mong muốn Bảo tàng Lịch sử được nâng cấp xây dựng ở một địa điểm mới, góp phần phát huy chuyên môn, phát huy giá trị hiện vật lịch sử.
SƠN THÙY