An Giang bảo tồn tiếng nói và chữ viết Chăm
VHO - An Giang là tỉnh có đông đồng bào dân tộc Chăm sinh sống, những năm qua, việc dạy và học chữ, tiếng Chăm được các tổ chức, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm. Nhằm bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết của đồng bào Chăm, ngoài chương trình giáo dục phổ thông chung, các thánh đường trên địa bàn tỉnh đều mở lớp dạy cho học sinh người Chăm.
Lớp học tiếng Chăm tại thánh đường MovsJid Nia’mah (ấp Phũm Soài)
Ông Haji Sahot Hamid, Phó Giáo cả thánh đường MovsJid Nia’mah, ấp Phũm Soài, xã Châu Phong, thị xã Tân Châu thông tin: “Từ 6 - 15 tuổi, trẻ em dân tộc Chăm ở ấp Phũm Soài được học tiếng Chăm, song song với chương trình giáo dục phổ thông chung. Tại thánh đường, các em tiếp cận với kinh Qur’an. Riêng tiếng dân tộc Chăm được phân thành 4 cấp bậc: Qidam (ráp từ chữ cái), Alphatyhah (học các bài lễ trong ngày), A’quran và Tajawid (học ngữ pháp), A’quran và Kytab (học tôn giáo). Các em học nhiều ngày trong tuần, chỉ nghỉ thứ 6 và Tháng Ramadan. Trước mắt là giúp các em học được kinh Koran, biết hành lễ, sâu xa hơn là giữ được bản sắc văn hóa dân tộc người Chăm, là người Chăm phải biết chữ, biết nói tiếng dân tộc Chăm”.
Không kể nắng mưa, cứ 18 giờ hằng ngày tại thánh đường MovsJid Nia’mah (ấp Phũm Soài) lại sáng đèn đón bước chân lũ trẻ. Đây là lớp học tiếng nói và chữ viết đồng bào dân tộc Chăm miễn phí, do ông Sô Rô Lés đứng lớp. Sau thời gian học tu nghiệp và tiếp nhận kiến thức chuyên sâu tại Malaysia, năm 2013, ông Sô Rô Lés bắt đầu đảm nhiệm truyền dạy cho con em ở làng Chăm Phũm Soài.
Ông Sô Rô Lés nói: “Việc dạy và học tiếng Chăm đã nhận được sự đồng thuận rất cao từ các vị chức sắc trong làng cũng như phụ huynh học sinh và nhận thấy các em đều rất thích học. Ngoài ý nghĩa bảo tồn tiếng nói và chữ viết Chăm, việc dạy tiếng Chăm bổ trợ rất nhiều cho việc dạy tiếng Việt. Ở Châu Phong những người hiểu về văn hoá và chữ Chăm không nhiều, tài liệu giảng dạy chưa đầy đủ, chưa thống nhất trong các cộng đồng dân tộc Chăm An Giang; cơ sở vật chất lớp học còn thiếu phần nào ảnh hưởng đến chất lượng lớp. Mong muốn lớn nhất là làm sao phải đào tạo được đội ngũ giáo viên dạy tiếng Chăm bài bản và có bộ giáo trình tiếng Chăm hoàn chỉnh”.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Châu Phong, bà Võ Thụy Ý Như, cho biết: “Nhiều năm qua, nhằm bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết dân tộc Chăm, các thánh đường đều có mở lớp dạy cho từ 250 - 280 học sinh người Chăm. Việc duy trì những lớp dạy chữ Chăm là nỗ lực của cả cộng đồng, từ thầy cô đứng lớp cho đến các bạn trẻ. Mỗi ngày đến lớp là mỗi ngày họ gắn bó với cộng đồng trong bộ trang phục đặc trưng, trong tiếng nói và chữ viết riêng có của mình”.
Bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết các dân tộc thiểu số là một trong những chủ trương lớn của Ðảng và Nhà nước nhằm thực hiện quyền bình đẳng giữa các dân tộc, giúp các dân tộc có điều kiện phát triển và tiến bộ nhanh về kinh tế, văn hóa, xã hội.
PHƯƠNG NGHI