Môi trường doanh nghiệp cần tạo được cảm hứng để thu hút nhân tài
VHO- Tại phiên thảo luận “Thu hút tài năng để tăng trưởng bền vững” trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh doanh 2019 “Tiến vào kỷ nguyên số” do Forbes Vietnam (ấn phẩm của Báo Văn Hóa) vừa tổ chức, câu chuyện về làm thế nào để thu hút và giữ chân người giỏi nhận được sự quan tâm của hầu hết các doanh nghiệp tham dự diễn đàn.
Các diễn giả chia sẻ tại diễn đàn
Theo lãnh đạo các doanh nghiệp, ở bất kỳ giai đoạn nào, yếu tố con người luôn quyết định mọi sự thành bại của một doanh nghiệp.
Nhân tài là cơ hội và là thách thức lớn của doanh nghiệp
Trong giai đoạn tiến vào kỷ nguyên số như hiện nay, bên cạnh yếu tố công nghệ thì nguồn nhân lực vẫn là yếu tố được đặt lên vị trí hàng đầu, là bài toán khó nhất mà các doanh nghiệp phải giải đáp được, để có thể phát triển bền vững thì cần phải có chiến lược thu hút tài năng.
Là công ty thương mại điện tử có tốc độ tăng trưởng ấn tượng, ông Trần Ngọc Thái Sơn, CEO Tiki cho hay, hiện tại nhân tài của Tiki đến từ 8 quốc gia trên thế giới, kể cả Việt Nam. Họ là những người khơi mào sáng tạo, kéo cả đội ngũ công ty phát triển nhanh hơn. “Chúng tôi luôn tìm cách phát triển nhân tài, đặc biệt là đội ngũ kỹ sư. Ở Tiki, yếu tố con người chính là cơ hội cũng như thách thức lớn nhất”, ông Sơn chia sẻ. Là CEO trẻ của một startup mới tại Việt Nam và có nhiều sức hút với nhân tài công nghệ, bà Lê Diệp Kiều Trang, CEO Go-Viet khẳng định, sức hấp dẫn của một công ty không chỉ đến từ thương hiệu cá nhân của những nhà lãnh đạo mà thực sự đến từ môi trường làm việc tích cực. Theo đó, các lãnh đạo doanh nghiệp có khả năng tạo nguồn cảm hứng ban đầu để thu hút ứng viên nhưng họ phải tạo ra một môi trường doanh nghiệp mà ở đó mọi người có thể tập trung vào công việc và tin tưởng nhau để cùng phát triển, cùng học hỏi, chia sẻ những giá trị cốt lõi.
Đồng tình với quan điểm này, CEO Vietnam Airlines Dương Trí Thành cho rằng doanh nghiệp ông luôn muốn tạo cho nhân viên một môi trường làm việc vui vẻ, hạnh phúc. “Vì với đặc thù chú trọng dịch vụ của ngành hàng không, khi nhân viên vui vẻ và hạnh phúc thì mới gắn bó và giúp khách hàng được vui vẻ, hạnh phúc”, ông Thành nói.
Các doanh nghiệp cho rằng việc thu hút nhân tài đã khó, việc giữ chân họ còn khó hơn. Tuy nhiên ông Trần Ngọc Thái Sơn cũng chia sẻ rằng, không nhất thiết phải “cố sống cố chết” để giữ chân những người không có cùng giá trị cốt lõi hoặc không còn cùng chí hướng. “Nhân tài đi khắp nơi, như nước chảy chỗ trũng. Nhiều người có thể quyết định ra đi để đóng góp tốt hơn cho xã hội, như ra riêng làm startup chẳng hạn. Tôi rất ủng hộ họ”, ông Sơn cho hay. Ông Dương Trí Thành cũng chia sẻ rằng, cần tạo ra một văn hóa mới để mọi người cùng đồng lòng, doanh nghiệp không thể chuyển động được nếu mỗi người làm một kiểu. Để thu hút tài năng, doanh nghiệp cần sử dụng thông điệp văn hóa trong trọng dụng và thu hút nhân tài.
Giữa kinh nghiệm và khả năng thích nghi, điều gì quan trọng hơn?
Đây là câu hỏi được khá nhiều doanh nghiệp đặt ra tại phiên thảo luận của diễn đàn. Theo đó, những yếu tố quan trọng nhất mà nhân lực trong thời đại số phải đáp ứng, theo các diễn giả là tinh thần ham học hỏi, khả năng thích nghi và yêu thích sự đổi mới – sáng tạo. Dẫn chứng cách khai thác tiềm năng nhân tài của Vietnam Airlines, ông Dương Trí Thành cho biết: “Khi Vietnam Airlines thành lập bộ phận chuyển đổi số, đầu tiên chúng tôi quyết định tuyển người mới hết, bởi dùng người cũ để họ đổi mới sẽ rất khó. Do đó khả năng sáng tạo và thích nghi - tôi cho là quan trọng hơn kinh nghiệm, chúng ta đang nói về sự đột phá, thì cần thoát ra khỏi những cái gò bó bấy lâu nay”. CEO Vietnam Airlines nói thêm rằng, “Chúng ta đã có nhiều người dày kinh nghiệm, nhưng rất khó để thay đổi thói quen của họ. Chúng tôi phải liên tục tìm người mới hoặc luân chuyển các vị trí nhân sự, là cách để tìm ra các tài năng ẩn đâu đó mà không cần phải đi đâu xa”.
Quan điểm của CEO Tiki Trần Ngọc Thái Sơn cũng cho rằng, nếu phải chọn hai yếu tố đó, thì khả năng học hỏi, thích nghi luôn là ưu tiên. Tuy nhiên ông Sơn nói thêm rằng kinh nghiệm cũng cần có, nhất là các vị trí lãnh đạo, điều đó giúp cho việc đưa ra những quyết định đúng hơn, nhưng người lãnh đạo cũng luôn phải có tư duy học hỏi.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, khi hiểu biết nhiều nghĩa là chúng ta có thể có những kinh nghiệm quan trọng, nhưng cái khó là có thể cản trở việc thích nghi, vì thế cần phải hài hòa được nhóm nhân sự mới và nhóm có kinh nghiệm. Lê Diệp Kiều Trang, CEO Go-Viet đồng tình quan điểm này. Bà Trang chia sẻ: “Tôi cho rằng nếu mình có kinh nghiệm thì khả năng thích nghi cao hơn. Quan trọng là kinh nghiệm đó đến với mình như thế nào. Ví dụ, một người có thể đi làm 10 năm nhưng họ cứ đều đều như vậy, không có trải nghiệm gì, thì thật ra là họ có kinh nghiệm 1 năm, nhưng diễn ra 10 lần, còn nếu như họ đi làm mỗi năm mỗi khác, thì kinh nghiệm đó giúp cho họ thích nghi rất nhiều. Do đó phải thường xuyên đẩy đội ngũ mình đứng trước những thử thách, và coi đó là một phần của sự rèn luyện thì mới tích lũy được những kinh nghiệm có ý nghĩa”.
ANH HUY