Luôn nhớ về quê hương...
VHO- Từ khi còn là cậu bé sinh ra nơi miền quê lam lũ cho đến khi trưởng thành, làm nên thương hiệu “Vua Quạt đất Bắc" với nhiều đóng góp tích cực cho ngành sản xuất cơ điện Việt Nam, CEO Trần Văn Lê vẫn nặng lòng, đau đáu với nơi “chôn nhau cắt rốn” bằng nhiều đóng góp thiết thực nhất.
Trần Văn Lê sinh ra và lớn lên trên mảnh đất “tối ăn khoai đi ngủ, sáng ăn củ đi làm” Thanh Chương (Nghệ An). Ông là con thứ tư trong gia đình có năm anh em, bố mẹ đều là nông dân chân chất, quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Nhiều lúc thấy gia đình vất vả quá, Lê cũng muốn bỏ học đi làm, nhưng bố mẹ động viên, chỉ có học mới mong thoát được đói nghèo. “Đất Nghệ nghèo nên người quê tôi thường chịu khó, chịu khổ và luôn nỗ lực để vươn lên. Do hoàn cảnh thiên nhiên khắc nghiệt, đời sống nghèo khổ nên trong cuộc sống luôn thể hiện phẩm chất kiên cường, chấp nhận và khắc phục hoàn cảnh với ý chí và quyết tâm cao, thể hiện một tinh thần vươn lên không biết mệt mỏi. Để thoát cảnh nghèo khổ mà người Nghệ cũng chịu khó học hành, ham học hỏi. Tôi được thừa hưởng những yếu tố của đất và người của quê hương mình”, CEO Trần Văn Lê chia sẻ.
Những ngày dài lăn lộn với cuộc sống mưu sinh, Trần Văn Lê nhận thấy, muốn “giàu bền” thì phải đi vào sản xuất, thế nên ông nung nấu quyết tâm thành lập công ty sản xuất. Tháng 6/2000, Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Phương Linh (sau này đổi tên thành Công ty TNHH Sản xuất Cơ điện và Thương mại Phương Linh) ra đời. Dám nghĩ, dám làm và liều lĩnh, đó là những gì mọi người thường nói về ông. Cái liều thứ nhất mà có lẽ cũng là lớn nhất trong cuộc đời, đó là ông đã “dám” lựa chọn và lao vào con đường sản xuất một sản phẩm công nghiệp, sản phẩm cơ điện (là quạt công nghiệp), một lĩnh vực mà thời đó, “chỉ có Nhà nước mới làm”. Cái liều nữa là, khi nền kinh tế Việt Nam đang rơi vào khủng hoảng, nhiều doanh nghiệp Việt đều bị ảnh hưởng, nhưng lúc đó ông Lê vẫn quyết định dốc gần như toàn lực để mạo hiểm đầu tư hệ thống cắt laser Thụy Sĩ, một trong những công nghệ hiện đại bậc nhất thế giới vào thời điểm đó. “Nếu không liều, chúng tôi không thể có được Phương Linh như ngày hôm nay. Liều ở đây không phải nhắm mắt làm liều, mà là liều có cơ sở, được phân tích và tính toán kỹ lưỡng thông qua kiến thức học vấn và trải nghiệm của nhiều năm lăn lộn ngoài thị trường”, CEO Trần Văn Lê chia sẻ.
Cũng chính nhờ vào “cái liều có cơ sở” ấy mà sau hơn 23 năm lăn lộn trên thương trường, đến nay, người thủ lĩnh ấy đã đưa Phương Linh ngày một phát triển với hàng trăm sản phẩm chất lượng cao. Đến nay, Phương Linh đã được biết đến là một trong những thương hiệu hàng đầu Việt Nam về quạt công nghiệp, hệ thống lọc bụi công nghiệp, được các chủ đầu tư, nhà thầu trong nước và nước ngoài như Hàn Quốc, Nhật Bản, … tại Việt Nam tin dùng và đánh giá cao. Không chỉ có 2 nhà máy hiện đại và lớn nhất Việt Nam ở cả hai miền Bắc - Nam, hiện nay Phương Linh còn sở hữu những phần mềm thông minh đảm bảo tính toán được cả lưu lượng, áp suất, hiệu suất và ứng dụng công nghệ sản xuất 4.0.
Trong những năm khủng hoảng kinh tế do dịch bệnh gần đây, khi các doanh nghiệp khác đứng yên tại chỗ, thị trường đóng băng, Phương Linh vẫn liên tục nhận được các đơn hàng, công xưởng vẫn nhộn nhịp tiếng đe, tiếng búa. Nhờ công tác nghiên cứu thị trường để tái cơ cấu đúng lúc, đúng chỗ, phát triển đa dạng các dòng sản phẩm, mở rộng thị phần, Phương Linh vẫn là một con tàu cứng cáp hiên ngang lao đi giữa cơn bão kinh tế thị trường. Xa quê để lập nghiệp và phát triển, ông Trần Văn Lê luôn tâm niệm, trong thành công của mình luôn có sự động viên, hỗ trợ của gia đình, người thân, đặc biệt là quê hương, nơi ông được sinh ra. Vì vậy, ông luôn hướng về nơi chôn rau cắt rốn với tình cảm sâu nặng nhất. Chính tấm lòng đó đã thôi thúc ông có những hành động cụ thể thiết thực hướng về quê hương.
Chủ tịch Hội đồng hương Nghệ An tại Hà Nội Lê Doãn Hợp tặng hoa cho nhà tài trợ chương trình "Mạnh nguồn Ví, Giặm"
Bên cạnh các hoạt động thiện nguyện hướng về quê hương, các chương trình khuyến học, mới đây CEO Trần Văn Lê và Phương Linh rất hạnh phúc, tự hào khi là nhà tài trợ chính, góp phần tích cực cho chương trình "Mạch nguồn Ví, Giặm" tri ân năm cố nhạc sỹ tài hoa của xứ Nghệ do Hội Đồng hương Nghệ An tại Hà Nội tổ chức vào ngày 14/5 vừa qua tại Cung Văn hóa Lao động hữu nghị Việt - Xô. Đêm nhạc là dịp để công chúng tưởng nhớ, tri ân và khắc họa đậm nét chân dung nghệ thuật của “Ngũ hành vàng xứ Nghệ” gồm nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, Nguyễn Tài Tuệ, Hồng Đăng, Nguyễn Trọng Tạo và An Thuyên. Bên cạnh đó, chương trình còn góp phần tôn vinh Ví, Giặm, khích lệ niềm tự hào, tình yêu quê hương, đất nước của người xứ Nghệ, cổ vũ người xứ Nghệ khát khao cống hiến, vươn lên. Chương trình cũng là lời nhắn gửi ý nghĩa để mỗi người con xứ Nghệ dù sinh sống, lập nghiệp ở bất kỳ đâu, dù trải qua bao gian truân, thử thách, cũng sẽ vươn lên bằng ý chí, nghị lực và bằng sức sống mãnh liệt của con người xứ Nghệ - như chính những tấm gương sáng mãi của 5 cố nhạc sỹ đáng kính.
Được sinh ra, lớn lên trên mảnh đất núi Hồng, sông Lam, mạch nguồn của những câu hò, điệu ví và những làn điệu dân ca say đắm lòng người, CEO Trần Văn Lê có một tình yêu quê hương sâu sắc. Là người con xứ Nghệ, ông cảm thấy tự hào khi được góp phần tiếp nối truyền thống nghệ thuật của quê hương, là dòng chảy văn hóa, là mạch nguồn ví, giặm như tên gọi của chương trình.
N.HIẾU