Xung quanh vụ phá rừng phòng hộ đầu nguồn tại Khánh Hòa: Báo cáo ít để “phủi” trách nhiệm?

VH- Liên quan đến vụ phá rừng đầu nguồn nghiêm trọng ở xã Khánh Phú (Khánh Hòa), Báo Văn Hóa đã liên tiếp phản ánh trên số báo 2911, ra ngày 8.3, số 2912 ngày 13.3, thông tin mới nhất chúng tôi có được, đơn vị chủ quản rừng là Công ty TNHH Lâm sản Khánh Hòa (Công ty Lâm sản Khánh Hòa) vừa có báo cáo gửi UBND tỉnh, Sở TN&MT tỉnh Khánh Hòa.

Ông Nguyễn Văn Tân, Giám đốc Công ty Lâm sản Khánh Hòa cho biết, đơn vị này vừa có báo cáo về vụ phá rừng phòng hộ đầu nguồn xã Khánh Phú. “Chúng tôi đã cho lực lượng vào rừng, kiểm đếm, đo đạc toàn bộ số gỗ. Qua kiểm tra, đo đạc bước đầu chúng tôi ghi nhận có 12,9m3 gỗ bị chặt hạ. Hiện số gỗ này đã được vận chuyển ra khỏi rừng về tập kết tại Trạm kiểm soát lâm sản xã Khánh Phú”, ông Tân thông tin.
Khi được hỏi, với số gỗ lớn lên đến hàng chục cây, chưa kể những khúc gỗ tròn được cắt ngắn, gỗ latô xẻ thành quy cách thì khối lượng 12,9m3 có hợp lý. Lúc này ông Tân giải thích rằng đó chỉ mới là bước đầu, còn nhiều nơi chưa thống kê, đo đạc hết được. Hiện lực lượng của công ty vẫn đang tiếp tục rà soát để kiểm đếm thêm. “Không biết khi các anh vào hiện trường số lượng gỗ như thế nào, nhưng khi chúng tôi tiến hành đo đạc thì bước đầu là như vậy. Cái kiểm tra này công khai mà, không gian dối được”, ông Tân nói.

Xung quanh vụ phá rừng phòng hộ đầu nguồn tại Khánh Hòa: Báo cáo ít để “phủi” trách nhiệm? - Anh 1

Rất nhiều điểm gỗ được xẻ hộp ngụy trang trong bụi rậm


Liên quan đến hiện trường gỗ phóng viên tiếp cận, khi xem những hình ảnh và video chúng tôi cung cấp, ông Nguyễn Văn Thanh, Hạt phó Hạt kiểm lâm huyện Khánh Vĩnh thừa nhận rất nhiều cây cổ thụ bị chặt hạ để có số gỗ trên. “Theo hình ảnh thì thật sự là rất lớn. Con số phải lên đến hàng chục cây chứ không nhỏ”, ông Thanh nói. Về số lượng, ông Thanh cho biết cái này phải đo đạc, chứ nhìn qua hình ảnh rất khó đoán. “Có cả những cây gỗ còn nguyên và cả khúc chứng tỏ rất nhiều gỗ. Nhưng nếu muốn biết chính xác phải đo, vì cây dài ngắn rất khó phân định khối lượng”, ông Thanh nói.
Sáng qua 14.3, lãnh đạo cơ quan điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa cho biết, đơn vị này đang phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh, Sở NN&PTNT, Công ty Lâm sản Khánh Hòa điều tra vụ phá rừng nghiêm trọng trên. Trong khi đó, ông Nguyễn Khương, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Khánh Hòa cho biết, đơn vị này đã nhận được báo cáo về vụ việc do Công ty Lâm sản Khánh Hòa gửi. “Chúng tôi đang phối hợp điều tra vụ việc. Sai đâu xử đó, để mất rừng, chủ rừng phải chịu trách nhiệm chính”, ông Khương nói. Về thủ phạm, ông Khương cho rằng, rất khó để điều tra, vì không bắt quả tang được.

Xung quanh vụ phá rừng phòng hộ đầu nguồn tại Khánh Hòa: Báo cáo ít để “phủi” trách nhiệm? - Anh 2

Có đến hơn 10 điểm tập kết gỗ tròn đã được cắt ngắn tại tiểu khu 205, mỗi điểm có hơn 20 khúc gỗ có đường kính 50-100cm

Theo luật sư Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa, Điều 189, Luật Hình sự năm 1999 quy định về tội hủy hoại rừng như sau: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm; Hủy hoại diện tích rừng đặc biệt lớn; Hủy hoại rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
“Theo như đơn vị chủ rừng là Công ty Lâm sản Khánh Hòa, thì rừng bị chặt phá thuộc rừng phòng hộ đầu nguồn, như vậy hành vi chặt phá rừng thuộc tội Hủy hoại rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng và cần phải khởi tố để điều tra. Trong trường hợp, không điều tra ra người chặt phá rừng, thì trong vụ việc trên, trách nhiệm của chủ rừng là lớn nhất và cần cơ quan điều tra vào cuộc làm rõ”, luật sư Hà phân tích.
Dư luận ở tỉnh Khánh Hòa cho rằng, việc chủ rừng báo cáo con số thiệt hại chỉ 12,9m3 gỗ là nhằm “lách” luật, để không bị xử lý hình sự. Nhưng đây là rừng phòng hộ đầu nguồn, nên cần thiết phải có hình thức xử lý mạnh tay để bảo vệ rừng, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, qua đó có hình thức răn đe để không xảy ra tình trạng tương tự. 
UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có chỉ đạo các bên liên quan, đặc biệt là Sở NN&PTNT, Công ty Lâm sản Khánh Hòa nhanh chóng làm rõ sự việc, có báo cáo gửi Chủ tịch tỉnh trước ngày 20.3.


Lê Xuân

Ý kiến bạn đọc