Tàu cá thần rời bến
VH- Tàu cá Thành Công 01 của ngư dân Ngô Thanh Phong vớt được một con cá lạ mà theo tín ngưỡng của làng chài gọi là cá Thần Nam Hải đại tướng quân. Vạn chài Cù Lao Mỹ Tân, Bình Chánh đã làm lễ cúng và chôn cất linh đình. Cả làng vui và cho rằng, suốt năm nay, vạn chài sẽ trúng lớn. Nhưng “vị thần hộ mệnh” cho con tàu này lại chính là Nghị định 67 - tàu vỏ thép, thiết bị điện tử hiện đại và được trang bị giàn lưới rê dài đến 13 km.
Dâng trầu, rót rượu
Hẹn hò mấy lần, ông thuyền trưởng Ngô Thanh Phong ở xã Bình Chánh (huyện Bình Sơn tỉnh Quảng Ngãi) mới chính thức cho tàu mở biển để đi đánh cá. Tôi xin đi cùng để được chứng kiến cuộc mưu sinh của ngư dân trên con tàu vỏ thép hiện đại và thỏa trí tò mò về sự kiện mà ngư dân cho rằng “chuyến này sẽ trúng lớn”. Trong chuyến biển vừa qua, tàu này đã vớt được một con cá lạ có trọng lượng khoảng 500 kg. Theo tín ngưỡng dân gian, đây là loại cá ông bà, có tên chung là Thần Nam Hải đại tướng quân. Cá mang vào đất liền và được cả vạn chài làm lễ cúng tế, chôn cất để tỏ lòng biết ơn cá đã cứu mạng các ngư dân bị nạn trên biển. Sau khi cúng mở cửa mộ 3 ngày, thuyền trưởng Phong mới trở lại con tàu.
Tàu mở biển vào chiều 18.4 và xuất hành từ cửa biển Sa Cần, xã Bình Đông huyện Bình Sơn tỉnh Quảng Ngãi. Vừa bước vào ca bin tàu, tôi giật mình vì trong khoang tàu nghe nồng mùi của con cá thần mà làng chài vừa chôn cất. Đó là mùi rong rêu, mùi mằn mặn của nước biển, mùi tanh nhẹ, mùi hương khói, mùi hơi ngai ngái rất khó tả. Tôi nhủ thầm, mùi này có lẽ chỉ là cảm giác. Vì trước đó, khi vận chuyển con cá lạ từ ngoài khơi vào bờ, do cá quá to không thể bỏ lọt vào hầm, các ngư dân đành để cá nằm trong boong, phủ đá lạnh, đậy tăng bạt.
Đi khắp các miền biển, một đặc điểm chung của hầu hết ngư dân, đó là mọi người thường cho rằng, vận may rủi trên biển đều có bàn tay vô hình của ông bà phó thác. Niềm tin ấy hình thành do mấy chục năm qua, cuộc sống của ngư dân trên biển cả đầy bất trắc, ngư dân ra biển trên con tàu nhỏ và thiết bị định vị vệ tinh, cảnh báo thời tiết còn thiếu thốn. Còn giờ đây, khi bắt đầu bước chân qua tàu vỏ thép hiện đại, trên tàu gắn đầy thiết bị hàng hải là thành tựu đỉnh cao của khoa học, nhưng theo thói quen, niềm tin tâm linh vẫn nguyên vẹn.
Thuyền trưởng Ngô Thanh Phong gửi ước nguyện lúc mở biển
Con tàu thép nổ máy, cả thân tàu rung nhẹ dưới sức quay của cỗ máy Yanmar có công suất 822 mã lực. Trước giờ nhổ neo, thuyền trưởng Phong và các ngư dân tổ chức cúng ngay tại bến. Mũi tàu là bàn thờ tổ tiên để đặt các lễ vật, bao gồm giấy bạc, hoa quả và không thể thiếu đĩa trầu cau, chai rượu để gởi về tổ tiên theo nghi lễ dâng trầu, rót rượu. Xấp giấy bạc được ném xuống biển thì cũng là lúc neo tàu được máy tời rút lên và con tàu chầm chậm xuất bến. Tàu vừa ra tới cửa, thuyền trưởng lại vái ông bà một lần nữa. Thông thường, tại các cửa biển đều đặt miếu thờ thần bà Thiên Y A Na, lăng cá thần Nam Hải Đại tướng quân để ngư dân hướng về vọng bái, cầu xin chuyến biển thuận lợi, đánh bắt thành công.
Những phóng viên lần đầu tiên bước lên tàu, nên hỏi sơ qua về những điều kiêng cữ để ngư dân không cảm thấy buồn lòng. Nhưng có một điều mà làng chài nào cũng cữ, đó là phải tôn trọng mũi tàu. Theo quan niệm, ngay xỏ mũi là nơi các bậc tiên linh về ngự để nghe con cháu thầm nói lời nguyện cầu về vụ mùa đánh bắt. Và đương nhiên, mũi tàu được xem là bàn thờ, nơi đặt những phẩm vật cúng tế. Vì vậy, mọi người không được đi, đứng, hoặc ngồi trên xỏ mũi. Có nhiều làng chài, trước khi ráp xỏ mũi tàu gỗ, chủ tàu lén bỏ vào điểm ráp nối một miếng vàng nhỏ để cầu may cho con tàu trong suốt cuộc đời lênh đênh trên biển cả bao la.
Giàn lưới bạc tỉ
Thuyền trưởng Ngô Thanh Phong, sinh năm 1975 và có thâm niên 15 năm cầm lái tàu. Trong chuyến biển này, anh Phong quyết định cho tàu đến khu vực phía đông nam đảo Lý Sơn rồi ra dần tới quần đảo Hoàng Sa. Bởi vì, tàu đóng theo Nghị định 67 và được trang bị giàn lưới rê là loại hiện đại nhất hiện nay. Lưới có mắt to, khổ 16 cm, tương đương như mắt của chiếc võng. Mặt lưới rê cao 30 mét, chiều dài lên đến gần 13 km, trị giá 1,8 tỷ đồng. Do mắt lưới lớn, vì vậy lưới rê được các ngư dân ví như lưới nhà giàu. Có nghĩa là chỉ đánh bắt cá to, còn cá nhỏ thì đi xuyên qua lỗ lưới. Đây là lưới được dệt theo chuẩn của các nước công nghiệp, góp phần bảo vệ sự phát triển bền vững của nguồn hải sản.
Thuyền trưởng Ngô Thanh Phong ướm thử chú cá thu xước vừa mắc lưới
Đêm yên tĩnh trên biển, nhìn về đường chân trời chỉ lác đác khoảng chục chiếc tàu đang bật đèn pha thu hút cá và trôi chậm chạp. Tàu Thành Công 01 bắt đầu vào phiên lưới khi gió xào xạc thổi từng cơn, khiến mặt biển lô nhô dậy sóng. Cách đánh lưới rê khác biệt với các tàu cá truyền thống, đó là lưới trượt dài theo thân tàu và tự thả ở phía đuôi tàu. Trong ánh đèn đêm, tấm lưới màu xanh trườn lên khỏi hầm và cứ trôi phăng phăng, tạo thành một vệt dài và thẳng tắp trên biển, trên băng màu xanh đó thấp thoáng những lá cờ Tổ quốc.
Do giàn lưới quá dài, vì vậy lưới được thiết kế theo kiểu chìm sâu dưới mặt biển và được neo bằng nhiều chiếc phao vuông để tàu bè tránh lưới. Cách vài chục phao vuông thì lại gắn một lá cờ Tổ quốc. “Nếu vài hôm nữa, tàu ra Hoàng Sa thì vẫn thả cờ Tổ quốc ngay sát nách các đảo Cây, đảo Tây nằm phía đông bắc của đảo Tri Tôn” - thuyền trưởng Phong cho biết thêm.
Phiên lưới xong xuôi, các ngư dân vào ca bin chìm vào giấc ngủ. Những năm trước đây, tàu cá thả trôi thường lo sợ tàu hàng băng ngang đâm chìm. Trong lời nguyện cầu của các ngư dân có nhắc đến điều này. Nhưng tàu 67 hiện đại đã “cắt cử” đến 2 “người lính” đứng gác. Đó là 2 chiếc máy định dạng nhãn hiệu Invo, Furuno liên tục phát đi hô hiệu, số imo quy ước của tàu: “AIS, lưới xù B-37…”. Giữa đêm khuya, ngồi nhìn ra cửa sổ ngắm những chiếc tàu hàng khổng lồ di chuyển rất nhanh trên biển. Nhưng các tàu này luôn giữ khoảng cách an toàn, vì nhận được tín hiệu AIS tàu Thành Công 01 thông báo về góc mũi, tốc độ hành trình và chiều dài của tàu.
Gần 3 giờ sáng, tôi lặng lẽ đi dọc boong tàu và nhìn ngắm lá cờ Tổ quốc đang nhấp nhô trên mặt biển và so sánh âm thanh róc rách thân tàu. Tàu gỗ thường chao lắc mạnh, tiếng sóng đêm khuya xào xạc như hơi thở đều đặn của con tàu. Còn tàu vỏ thép nặng, vững chãi thì đè lên sóng, tiếng xào xạc kia chỉ vang khe khẽ. Một chiếc tàu gỗ lướt qua bên cạnh, con tàu tắt đèn, chỉ chớp nháy một chùm đèn đỏ, tiếng máy xình xịch bị gió bạt đi, khiến chiếc tàu lướt đi nhơ mơ.
Máy Icom cài chế độ báo thức đã dựng các ngư dân bừng tỉnh vào phiên kéo lưới. Ngư dân Nguyễn Văn Thảo cầm cần điều khiển máy tời lưới, mắt không rời dải lưới xanh và chờ điều bất ngờ, đó là những chú cá to, nặng 30-40 kg trồi lên mặt biển, ập xuống boong tàu, quẫy đuôi phát ra âm thanh reo vui từ lúc hừng đông cho đến khi mặt trời đứng bóng.
Lê Văn Chương