Phú Yên: Cần sớm "giải mã" và bảo tồn những ngôi mộ cổ!

VH- Đã từ lâu tại khu vực núi A Man (xã An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) tồn tại 500 ngôi mộ cổ bằng đá với cách mai táng độc đáo và nhiều hình thù, hoa văn lạ, đầy huyền bí nhưng chưa được “giải mã”. Điều đó khiến không ít người đưa ra những lời đồn thổi… Dư luận đang rất mong các nhà khoa học vào cuộc, giải mã sự thật về những ngôi mộ cổ và có kế hoạch tôn tạo, bảo tồn…

Chúng tôi tìm đến núi A Man và thấy rõ phía dưới chân núi A Man có một số mộ cổ bằng đá sẫm màu, những ngôi mộ đã bị rêu bao phủ. Từ chân núi đi lên phía đỉnh núi số mộ cổ xuất hiện càng nhiều, có vị trí dày đặc liền kề nhau xen lẫn với những vườn cây rậm rạp, chằng chịt dây leo.
Để biết về 500 ngôi mộ cổ không bia, không tên, chúng tôi đã tìm hỏi một số người sinh sống ở địa phương. Sư cô Thích Nguyên Hồng đã nhiều năm tu tại chùa Châu Lâm dưới chân núi A Man cho biết: “Cách đây 40 năm, tôi từng đi lấy củi trên ngọn núi A Man, lúc đó đã thấy những ngôi mộ cổ nói trên nhưng không biết chủ nhân của những ngôi mộ trên là ai và cũng chẳng thấy bất cứ người nào đến viếng thăm cả”. Còn ông Nguyễn Văn Hùng (73 tuổi, sinh sống tại xã An Thạch) cho biết: “Từ xa xưa thế hệ ông tôi, cha tôi không thấy ai nhắc đến mối quan hệ với 500 ngôi mộ cổ trên, đó là điều bíẩn mà chưa thể giải mã. Những ngôi mộ trên dường như bị bỏ hoang lạnh lâu đời lắm rồi”.
Ông Hồ Văn Tiến, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Phú Yên cho biết: “Vừa qua, Sở đã nhận được thông tin về hàng loạt ngôi mộ cổ ở núi A Man thuộc thôn Quảng Đức, xã An Thạch, huyện Tuy An, bước đầu Sở VHTTDL đã cử cán bộ xuống địa phương tìm hiểu. Sở giao Ban quản lý di tích tỉnh Phú Yên tiến hành khảo sát báo cáo thực trạng những ngôi mộ cổ nói trên. Trên cơ sở đó Sở sẽ có những kế hoạch phù hợp”.
Ông Nguyễn Duy Hạnh, Phó ban quản lý di tích tỉnh Phú Yên khẳng định: “Qua khảo sát bước đầu có khoảng 500 ngôi mộ cổ với các hình dạng yên ngựa, búp sen, mái nhà và mai rùa. Tất cả các ngôi mộ đều có đầu quay về hướng Tây và Tây Bắc, không có bia, một số mộ có vết tích khắc chữ Hán nhưng đều bị đục, xóa mờ khiến những chữ viết trên mộ không thể đọc được. Khu mộ cổ trên không có người quản lý, lý lịch cũng không ai biết, do đó Ban quản lý di tích tỉnh chưa có cơ sở lập hồ sơ bảo tồn. Việc khai quật tìm ra nguồn gốc lịch sử những ngôi mộ trên là việc làm cần thiết, đòi hỏi phải có quá trình khảo cứu lâu dài”.

Phú Yên: Cần sớm

Việc phát hiện 500 ngôi mộ cổ vô danh tại núi A Man nhưng cơ quan chức năng tại Phú Yên vẫn chưa tiến hành khảo cứu tìm ra nguồn gốc. Không ít người quan tâm đến sự việc nêu trên có những suy đoán khác nhau về nguồn gốc của mộ cổ.
Các vị cao niên tại xã An Thạch (PhúYên) cho rằng: Những khu mộ cổ trên từ trước đến nay không có mối quan hệ gì với những người đang sinh sống tại địa phương, điều đó có thể thấy 500 ngôi mộ cổ không phải là người Việt. Bởi vì trước đây Phú Yên có lưu vực hạ lưu Sông Cái nên việc buôn bán giao thương phát triển, số người Hoa kéo về đây buôn bán đông đúc, hình thành làng Hoa lâu đời. Do đó, những ngôi mộ cổ có thể là của người Hoa. Có người lại căn cứ mộ cổ không có bia để lý giải, do Phú Yên giai đoạn thế kỷ XVII có nhiều biến động vì chiến tranh, những ngôi mộ trên không có bia là vì những lực lượng tham gia chiến trận sợ bị trả thù, quật mộ của những người thân, nên không làm bia, đục bia đi để xóa dấu tích. Những người làm công tác nghiên cứu lịch sử tại Phú Yên lại cho rằng, căn cứ vào cách thức xây mộ, hình dạng yên ngựa và niên đại của hoa văn trên những ngôi mộ thì có thể khẳng định những người nằm dưới mộ cổ là lính của nghĩa quân Tây Sơn…
Từ những suy đoán, nhận định, lý giải về nguồn gốc những mộ cổ còn khác nhau nên rất cần đến các nhà khoa học cũng như cơ quan chức năng tỉnh Phú Yên vào cuộc. Từ đó, cócơ sở tu tạo, gìn giữ và phát huy những giá trị về lịch sửvăn hóa một thời xa xưa, giúp chúng ta hình dung và biết một cách đầy đủ hơn về thời kỳ lịch sử của Phú Yên nói riêng và Việt Nam nói chung.


Xuân Hướng 

Ý kiến bạn đọc