Nỗi lo đò ngang mùa nước lũ

VH- Huyện Thường Tín, Hà Nội là địa phương có nhiều bến đò ngang, phục vụ hàng trăm lượt hành khách qua sông mỗi ngày.

Thế nhưng, tại những bến đò này, việc chấp hành quy định về trang bị phao cứu sinh, áo phao cho khách qua phà của các chủ phương tiện lại không được thực hiện một cách nghiêm túc. Thực trạng trên đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn đường thủy, khi mà mực nước sông Hồng vẫn dâng cao do đợt mưa lũ vừa qua...
Theo ghi nhận của chúng tôi, tại các bến đò ngang thuộc khu vực huyện Thường Tín như bến An Cảnh, Thống Nhất, Chương Dương,... các chủ đò, phà đều không trang bị đầy đủ áo phao cho hành khách. Số lượng áo phao trên phà rất ít như để trang trí “cho có” và đối phó khi có lực lượng chức năng kiểm tra.
Nhằm mục sở thị về thực trạng này, chúng tôi đã lên một chuyến phà di chuyển từ bến Dấp, xã Thống Nhất đến xã Tân Châu, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Theo quan sát, lúc này trên phà có 15 hành khách cùng vài ô tô chở hàng và một lượng xe máy, xe đạp, thế nhưng cũng chỉ có khoảng bốn chiếc áo phao cũ kỹ được chằng buộc bằng dây thừng khá chắc chắn bên cạnh mạn phà. Và tuyệt nhiên, cả chủ phà và hành khách chẳng ai thèm quan tâm đến những dụng cụ đảm bảo an toàn tính mạng khi qua sông này. “Từ bến này sang bến kia cách nhau chỉ một con sông nhỏ, mất vài phút đồng hồ thì mặc áo phao làm gì. Với lại, tôi đi đò bao năm nay rồi chưa thấy đò gặp sự cố bao giờ”, anh Trần Văn Quỳnh, một hành khách đi đò chia sẻ.

Nỗi lo đò ngang mùa nước lũ - Anh 1

Nỗi lo đò ngang mùa nước lũ - Anh 2


Những chuyến đò ngang mất ATGT đường thủy tại huyện Thường Tín


Hàng loạt những vụ tai nạn giao thông đường thủy vẫn thường xuyên xảy ra mà nguyên nhân chủ yếu theo các cơ quan chức năng là do ý thức chấp hành các quy định về an toàn khi đi đò, phà như việc trang bị và mặc áo phao của cả chủ phương tiện và hành khách đều chưa tốt. Chuyến phà cập bến sau hơn 10 phút. Và lại có những hành khách với xe máy, ô tô lũ lượt lên phà. Cuộc hành trình lại tiếp tục và những chiếc áo phao buộc bên cạnh mạn thuyền thì vẫn bị “bỏ quên” như những chuyến khởi hành trước đó.
Được biết, kể từ ngày 1.7.2016, Điều 27, Nghị định 132 của Chính phủ quy định phạt tiền từ 100 nghìn – 200 nghìn đồng đối với hành khách đi trên phương tiện chở khách ngang sông (đò, phà) không mặc áo phao cứu sinh, hoặc không mang dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân. Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định xử phạt trường hợp chủ đò từ 200 nghìn đồng đến bốn triệu đồng (tùy theo loại phương tiện chở khách) nếu chuyên chở hành khách, khi những người này không mặc áo phao. Trường hợp lực lượng chức năng phát hiện chủ phà, đò không trang bị hoặc trang bị không đủ áo phao, dụng cụ cứu sinh cũng sẽ bị phạt từ 200 nghìn đồng đến ba triệu đồng.
Mặc dù các quy định này đã chính thức có hiệu lực nhưng qua ghi nhận thực tế, nhiều bến đò, bến phà chở khách trên địa bàn huyện Thường Tín, Hà Nội vẫn phớt lờ không thực hiện. Thậm chí nhiều hành khách khi được hỏi về việc có nắm được các quy định của pháp luật về xử phạt khi đi đò, phà mà không mặc áo phao, hầu hết đều tỏ ra mơ hồ và không nắm được.
Trao đổi với chúng tôi, ông Kiều Xuân Huy, Chủ tịch UBND huyện Thường Tín cho biết: UBND huyện thường xuyên có những văn bản chỉ đạo nhắc nhở đến các bến đò về việc đảm bảo an toàn cho hành khách khi di chuyển và cũng phối hợp với thanh tra giao thông thường xuyên tuần tra, kiểm tra hoạt động của các đò. “Thời gian tới chúng tôi sẽ đôn đốc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhắc nhở chủ bến đò, phà cần nghiêm chỉnh tuân thủ và chấp hành luật an toàn giao thông đường thủy hơn nữa”, ông Huy nhấn mạnh.


Quang Long

Ý kiến bạn đọc