Những người giữ hội Lệ Bà
VH- Mỗi năm, đến ngày 11- 12 tháng 2 Âm lịch, làng Thu Bồn Đông (xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) lại rộn ràng mở hội Lệ Bà (lễ hội Bà Thu Bồn). Và với những ai đã từng đến, gắn bó với hội Lệ Bà đều dành sự kính trọng, quý mến với 2 con người bao năm gắn bó với lễ hội này.
Người làng Thu Bồn Đông vẫn dành cho cụ ông Thái Văn Lịch một sự kính trọng tự đáy lòng. Họ xem cụ là “pho sử sống của làng Thu Bồn”, “người giữ sắc của làng”. Hơn 80 tuổi, mỗi khi nghe ai hỏi về tuổi tác, cụ Lịch lại lấy mốc là hội Lệ Bà để đếm tuổi của mình. Mỗi mùa lễ hội qua, là cụ lại thêm một tuổi, thêm một lần sống cùng lễ hội. Hơn 40 năm qua, cụ Lịch là người duy nhất được dân làng tín nhiệm bầu chọn là chủ bái, phụ trách nghi lễ của lễ tế Bô Bô phu nhân.
Sáng sớm 12.2 Âm lịch, lễ rước nước là nghi thức bắt đầu cho đại lễ tế Bà bắt đầu bằng nghi thức lễ rước nước. Thuyền rước nước đúng 6h30 sáng đi ngược lên thượng nguồn lấy một bình nước trong vắt nơi này để mang về lăng làm lễ tế Bà. Khi thuyền rước nước về đến bến sông, đội hình cờ ngũ hành, lọng, kiệu ngũ hành tiên nương bắt đầu nghi thức tế lễ từ bến sông về đến lăng Bà. Đại lễ xem như kết thúc khi lọng, kiệu, cờ hoa về đến Lăng. Dân làng vào hội đua thuyền truyền thống. Ngoài phần lễ tế chính còn có nhiều hoạt động như hội thi nấu cơm, làm bánh, têm trầu, ẩm thực dân gian, hát bội, biểu diễn nghệ thuật, thả bong bóng, thả chim bồ câu, đua thuyền và các hoạt động thể thao sôi nổi.
Ngày Lệ Bà, cụ Thái Văn Lịch giữ vai trò chủ tế, sẽ khăn áo chỉnh tề, thắp mấy nén nhang nơi thờ Sắc phong Vua triều Nguyễn ban cho Bà Thu Bồn, kính cẩn dâng Sắc đến Lăng Bà, rồi lại đợi đến tàn hội, “rước sắc” về lại nhà mình.
Dân làng Thu Bồn Đông có quy ước, người được giao trọng trách giữ sắc của Bà phải là người có kinh nghiệm, chưa làm điều gì sai trái, con cái ngoan hiền, gia đạo yên ổn. Cụ Lịch cho biết ngày xưa, sắc được đặt ở Lăng Bà. Thời gian chiến tranh loạn lạc, phong tục về ngày Lệ Bà mai một thì ông cùng những người tâm huyết huy động người làng cùng phục dựng lại ngày Lệ Bà cho tươm tất. Rồi về sau khi Lăng Bà được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh, khoảng năm 2005, mọi người trong làng mới cử tôi làm người giữ sắc của Bà. Từ đó, tôi rước sắc Bà về thờ tự, cứ đến ngày Lệ Bà thì dân làng lại rước về lăng”.
Nhắc đến những người giữ hồn vía cho hội Lệ Bà, không thể quên hình ảnh Bo Trầu - người Chăm đến từ Ninh Thuận. Hơn 10 năm chẵn, không lần nào lễ hội Bà Thu Bồn của người Kinh xứ Quảng Nam lại vắng mặt Bo Trầu. Lễ hội nào, ông cũng một mình hành trình gần 700 km để từ vùng đất Ninh Thuận về Duy Xuyên dự hội, dù chỉ đến để sống trong không khí ấy, để được vốc nước sông Thu Bồn trong lễ hội rước nước cùng người dân làng Thu Bồn. Với người đàn ông Chăm này, về dự Lệ Bà cũng như về với một phần gốc gác của mình, về với tục thờ Thánh Mẫu từng tồn tại rất lâu trong tín ngưỡng người Chăm. Theo Bo Trầu thì người Chăm ở Ninh Thuận có lễ Cầu Đảo, hay còn gọi là lễ cầu mưa, cũng suy tôn thần Nước như ở lễ hội Bà Thu Bồn. Tuy là hai lễ hội ở hai vùng khác nhau, nhưng có một sợi dây gắn kết, ấy là cùng suy tôn vị Thần đã ban bình yên và phước lành cho cư dân địa phương. Cũng như cụ Thái Văn Lịch, như Bo Trầu- là những người yêu vô cùng văn hóa của vùng đất nơi họ sinh sống. Họ, chính là những người giữ gìn và góp phần làm đẹp thêm hồn vía của hội Lễ Bà vùng sông nước Thu Bồn.
Thu Hoài