Người má Long An bám đất giữ vườn để nuôi giấu cán bộ

VH- Những ngày cuối tháng 7, chúng tôi về ấp An Thạnh, xã An Ninh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An tìm gặp má Tư (tên thật là Nguyễn Thị Sa), người phụ nữ kiên cường đã bám trụ, anh dũng không sợ hiểm nguy để nuôi giấu nhiều cán bộ, trong đó có các cán bộ thuộc Ban Binh vận Sài Gòn - Gia Định lúc bấy giờ như chị Đặng Thị Ngọc Thịnh, nay là Phó Chủ tịch nước, chị Thân Thị Thư, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM.

Năm nay má Tư đã 85 tuổi nhưng vẫn nhanh nhẹn và minh mẫn. Má Tư cho biết, những năm 1967-1968, xã An Ninh Tây là “vùng trắng”, bị Mỹ rải bom san bằng, nhiều người đã tản cư đi hết, ở ấp chỉ còn có vài gia đình. Má có mười người con, lớn lên lần lượt tham gia cách mạng. Năm 1969, chồng má hy sinh trong lúc đang chiến đấu… Gia đình có truyền thống cách mạng từ xưa nên được tin tưởng, Ban Binh vận Sài Gòn - Gia Định đưa một số học sinh, sinh viên đến đây hoạt động bí mật, trong đó có chị Đặng Thị Ngọc Thịnh và chị Thân Thị Thư.
Theo lời của anh Phạm Văn Hòa, người con trai thứ bảy của má Tư, đang công tác trong ngành Công an huyện Đức Hòa, khoảng năm 1973, được sự phân công đưa các chị Thịnh, chị Thư cùng những anh chị khác về đây, ngoài ra còn có một số người với sự tuyên truyền, vận động của cách mạng đã bỏ chế độ cũ đứng vào hàng ngũ ta. Mấy anh chị từ Sài Gòn về mang tài liệu mật, thư từ quan trọng để chuyển cho cách mạng, đồng thời, nhận tài liệu quan trọng từ vùng căn cứ mang trở lại Sài Gòn. Trong những lần thực hiện nhiệm vụ, các chị đều ghé nhà má để lưu trú, chờ lúc thích hợp trở lên Sài Gòn. Trong nhà má Tư có đào một hầm bí mật, phòng trường hợp khẩn cấp thì cán bộ trốn vào được an toàn. Anh Hòa cho biết lúc đó anh khoảng 12-13 tuổi, còn các chị Thịnh, chị Thư vào khoảng 15-16 tuổi. Anh Hòa đã nhiều lần đưa các anh chị băng qua đường đồng, đường rừng để tránh bom đạn, sự tra xét và theo dõi của địch. Thời gian đó, bọn lính thường xuyên ra vào nhà má để dò xét, theo dõi động tĩnh cách mạng, nhưng với sự mưu trí, gan dạ, má Tư và gia đình luôn tìm cách ứng phó nên nhiều lần tránh được “tai mắt” của giặc. Ông Nguyễn Văn Lèo, một người dân ngụ cùng ấp với má Tư, là một trong vài gia đình không đi tản cư mà bám đất ở lại, cho biết: “Người dân ở đây ai cũng có lòng yêu nước, yêu cách mạng, nhưng đối với cô Tư thì lòng yêu nước rất cao. Trong giai đoạn chiến tranh ác liệt đó, dân đi tản cư gần hết, cô Tư ở đây suốt từ khi có chiến tranh đến giải phóng”.
Theo ông Trịnh Văn Phối, Bí thư xã An Ninh Tây, trong các giai đoạn 1960-1962 và từ 1972 đến khi giải phóng 1975, gia đình má Tư là nơi hoạt động của nhiều cán bộ, trong đó nhiều nhất là các anh chị trong Ban Binh vận Sài Gòn - Gia Định. Không chỉ vậy, má Tư còn vận động các con cháu, người thân của mình, cho đi kháng chiến. Sau giải phóng gia đình má Tư là gia đình gương mẫu, luôn chấp hành chính sách, chủ trương của Nhà nước. Sự anh dũng, kiên cường của má Tư và gia đình là niềm tự hào và tấm gương cho người dân địa phương.
Ngày 24.7 vừa qua, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã đến trao nhà tình nghĩa cho má Tư (năm 1999, má Tư đã được trao nhà tình nghĩa nhưng sau thời gian xuống cấp nặng). Cùng dự có Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Long An Phạm Văn Rạnh; Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Thân Thị Thư. Căn nhà tình nghĩa có diện tích hơn 80m2 với kinh phí xây dựng hơn 450 triệu đồng, do Văn phòng Chủ tịch nước, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM và các đơn vị, cá nhân từng được gia đình má Nguyễn Thị Sa che chở, nuôi giấu trong kháng chiến, vận động hỗ trợ xây dựng. Ngoài ra còn có các phần quà tặng khác như tủ thờ, tivi, tủ lạnh, quạt máy…
Chia sẻ tại lễ trao nhà tình nghĩa, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh bày tỏ niềm vui và xúc động khi trở về mảnh đất Đức Hòa, Long An, địa phương đi đầu trong các cuộc kháng chiến. “Cá nhân tôi cũng như chị Thân Thị Thư là những người con TP.HCM tham gia hoạt động cách mạng trên địa bàn Đức Hòa – Long An, vùng chiến tranh ác liệt, đã được gia đình má Tư che chở, bao bọc trong những năm tháng đấu tranh. Nếu không có sự che chở của nhân dân huyện Đức Hòa, xã An Ninh Tây và gia đình má Tư thì chúng tôi đã không hoàn thành được nhiệm vụ, thậm chí có thể hy sinh. Vì vậy, chúng tôi luôn nhớ ơn má Tư, nhớ ơn nhân dân Đức Hòa và nguyện hứa luôn cố gắng để công tác tốt”, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh xúc động bày tỏ.


Thùy Trang

Ý kiến bạn đọc