Người lính tàu không số và khát vọng làm giàu
VH- Chúng tôi gặp ông trên cánh đồng nuôi tôm tại thôn Đông Nam (xã Đại Lãnh, Vạn Ninh, Khánh Hòa). Trong bộ quân phục cũ đẫm mồ hôi, ông miệt mài lao động, chăm sóc cho đìa tôm của mình.
Ông Ngô Minh Thơ bên góc làm việc đầy những huân, huy chương
Trên 3 héc-ta tôm chân trắng, hằng năm ông thu về trên 2 tỉ đồng. Không những thế các đìa tôm của ông còn giải quyết công ăn việc làm ổn định cho 15 lao động tại địa phương. Ông là Ngô Minh Thơ, người lính của đơn vị tàu không số năm xưa.
Chiều xuống dần, những cơn gió nhẹ từ ngoài khơi thổi vào vùng biển Đầm Môn mát lạnh. Guồng cánh quạt tạo ô xi trên mặt nước đìa tôm quay đều, bọt nước tung trắng xóa. Ông Ngô Minh Thơ miệt mài cầm vợt vớt bọt và rác trên hồ nuôi tôm, mồ hôi ướt đầm lưng áo và lăn trên gò má.
Đã hơn 70 tuổi nhưng giọng nói của ông vẫn sang sảng át cả tiếng gió biển: “Đấy là công việc hằng ngày của chú đấy, nhờ lao động chú mới khỏe như ngày hôm nay, “Lao động là vinh quang” Bác dạy như thế mà!”. Trong lao động sôi nổi và hăng là thế, nhưng khi nói về bản thân và gia đình ông rất kiệm lời. Chỉ khi hỏi về truyền thống làm cách mạng của gia đình, như chạm vào ký ức của ông thì ông mới kể: “Tôi sinh năm 1948 trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Bố tôi là ông Ngô Đào, là liệt sĩ hi sinh trên mặt trận chống pháp tại Khánh Hòa, mẹ tôi là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Lồng. Cha mẹ tôi sinh được 4 anh em đều nhập ngũ theo cách mạng, trong đó 2 người anh tôi là liệt sĩ”.
“Ngày đó, nghe tin bố tôi hy sinh, nỗi đau buốt nhói con tim, mẹ tôi ngất lịm bên thềm nhà. Kìm nén mọi đau thương, 4 anh em chúng tôi nguyện nối bước cha nhập ngũ, cầm súng chiến đấu. Cuộc chiến khốc liệt và đầy cam go, 2 anh trai tôi đã mãi mãi nằm lại chiến trường”, ông Thơ rơm rớm nước mắt.
Những đìa tôm đang chờ mùa thu hoạch
Năm 1964, “chiến tranh đặc biệt” lan rộng tại Việt Nam, đế quốc Mỹ càng trở nên tàn bạo, chúng điên cuồng trút “mưa bom lửa đạn” xuống miền Nam Việt Nam. Lúc bấy giờ, nhiệm vụ chi viện cho miền Nam là cấp thiết hơn bao giờ hết. Theo tiếng gọi của Tổ quốc, ngày 1.1.1964 ông Ngô Minh Thơ quyết định nhập ngũ vào Đơn vị K60, Đoàn tàu không số hoạt động tại biển Vũng Rô, Khánh Hòa.
“Hơn 16 năm hoạt động cách mạng, tại đơn vị Đoàn tàu không số, biết bao nhiêu trận đánh, bao nhiêu đồng đội đã ngã xuống vì hòa bình. Trong một trận chiến năm 1972 tại Vũng Rô, mục đích bảo vệ vũ khí tiếp viện cho chiến trường miền Nam, tôi đã bị thương nặng, nhưng may mắn “mảnh đạn tử thần” đã không thể lấy đi sinh mạng của tôi”, ông Thơ nói trong xúc động.
Năm 1975 đất nước hoàn toàn thống nhất, đại úy, thương binh Ngô Minh Thơ, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 8, Đoàn 860 Tàu không số (Quân khu 5) xuất ngũ. Hơn 16 năm trong quân ngũ, ông đã lập được nhiều chiến công góp phần vào công cuộc đấu tranh giải phóng đất nước. Ông Ngô Minh Thơ được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương cao quý. Ngày trở về quê hương, người thương binh của đơn vị Tàu không số năm nào gặp muôn vạn khó khăn, thách thức. Ông chạnh lòng khi thấy cảnh xóm làng, gia đình nghèo đói, quyết không cam chịu người lính Cụ Hồ bắt tay vào lao động quần quật để thay đổi cuộc sống.
Nhận thấy Đầm Môn là vùng đất giáp biển rất thuận lợi cho việc nuôi tôm, hai vợ chồng ông Thơ đã ra sức đắp bờ, đào ao nuôi tôm. “Nghề nuôi tôm cho thu nhập cao, nhưng phải đầu tư lớn, rủi ro cao, thành công và thất bại chỉ trong gang tấc, bao công sức đổ ra, chỉ cần một trận thiên tai là trắng tay”, ông Thơ cho biết. Dám nghĩ, dám làm. Không có vốn ông Thơ thế chấp nhà cửa vay ngân hàng, mua tôm giống tốt nhất về nuôi. Công sức của ông cũng được đền đáp, vụ tôm đầu tiên trúng vụ “được giá, được mùa”, có tiền ông tiếp tục đầu tư mở rộng nuôi tôm, đào thêm đìa, đầu tư thêm giống tôm mới và mua thiết bị công nghệ mới nuôi tôm.
“Nuôi tôm không đơn giản chút nào, có lúc vụ tôm sắp thu hoạch nhưng do dịch bệnh đến bất ngờ, cả đìa tôm chết hết, thất thu tiền tỉ. Những lúc như vậy nỗi thất vọng tràn trề, chỉ muốn bỏ nghề, bỏ xứ tìm nơi khác mưu sinh. Nhưng nghĩ lại tương lai những đứa con thế nào nếu chịu thua như vậy? Hai vợ chồng tôi lại tiếp tục bắt tay vào làm”, ông Thơ tâm sự. Với quyết tâm làm giàu, gần 20 năm gắn bó với nghề nuôi tôm, có lúc thành công, có khi thất bại, nhưng với quyết tâm lớn, nghị lực hiếm có, ông Thơ đã làm giàu từ nghề nuôi tôm. Hiện nay, hơn 3 héc–ta nuôi tôm chân trắng tại Đầm Môn mỗi năm ông Thơ thu về trên 3 tỉ đồng đã trừ đi chi phí. Không chỉ vậy, nghề nuôi tôm đã giải quyết việc làm cho 15 lao động có thu nhập từ 5-7 triệu đồng /tháng, có tiền nuôi con ăn học nên người, hiện tại 3 người con của ông đều đi du học và làm việc tại Đức, Thụy Sỹ và Singapore.
Thanh Hoa