Lai Xá kể chuyện làm Bảo tàng thôn

VH- Hôm nay 15.5, Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá, Bảo tàng thôn đầu tiên trên cả nước được khai trương tại thôn Lai Xá (Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội). Kể câu chuyện về nghề nhiếp ảnh ở Lai Xá, giúp người tham quan có thể trả lời nhiều câu hỏi thú vị xung quanh sự hình thành và phát triển của một làng nghề... sẽ là sức hút độc đáo ở bảo tàng do cộng đồng một thôn đầu tư và tổ chức. Câu chuyện “bếp núc” của nghề nhiếp ảnh

Bảo tàng là một tòa nhà ngự ở giữa làng, với tổng diện tích gần 300m2, trưng bày nhiều nội dung hấp dẫn như: tái tạo kiểu sắp đặt biểu tượng một phòng chụp ảnh xưa; Ông tổ nghề ảnh của làng; Các hiệu ảnh xưa, Bếp núc của nghề nhiếp ảnh; Chân dung các nghệ sĩ; Câu lạc bộ nhiếp ảnh Khánh Ký và các hiệu ảnh ngày nay...
Nhiều câu chuyện gắn với lịch sử ngôi làng đã được kể lại khá cuốn hút. Không gian Tổ nghề nhiếp ảnh Lai Xá giới thiệu về cuộc đời cụ Nguyễn Đình Khánh với dấu mốc đặc biệt mở hiệu ảnh có tên Khánh Ký đầu tiên vào năm 1892 ở phố Hàng Da, Hà Nội. Cùng với một số ảnh, hiện vật, một pano lớn bằng sơ đồ đã kể về việc ông tổ nghề cùng các học trò gây dựng nên một mạng lưới những người Lai Xá làm nghề ảnh.
Ở không gian chủ đề về các hiệu ảnh xưa, khách có cơ hội được tiếp cận với một số hiệu ảnh nổi tiếng của người Lai Xá suốt 5 thập niên của thế kỷ XX cho đến 1975. Hiệu ảnh xưa nhất được giới thiệu là Phúc Lai ảnh viện, được cụ Nguyễn Văn Đính mở từ 1924-1925 ở Hải Phòng. Cũng trong không gian này du khách có thể tìm hiểu về nhiếp ảnh của người Lai Xá ở miền Bắc trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đó là những hợp tác xã nhiếp ảnh, nơi những người chủ và người thợ ảnh ở các cửa hiệu được tập hợp lại để làm ăn tập thể.

Lai Xá kể chuyện làm Bảo tàng thôn - Anh 1

Hiệu ảnh Thăng Long, Hà Nội, năm 1951


Thú vị không kém là không gian dành cho du khách khám phá “bếp núc” của nghề ảnh, đặc biệt nghề ảnh thời chiến tranh. Theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy, người đã cùng với nhân dân Lai Xá gây dựng Bảo tàng, không gian này được tạo dựng chật hẹp, với vẻ tù túng như trong căn buồng tối in phóng ảnh xưa. Khách thăm sẽ bất ngờ khi bước vào căn phòng hẹp dùng ánh sáng đỏ, như mầu đèn đỏ trong buồng tối tráng phim, rửa ảnh. Ở đây còn trưng bày một số máy ảnh, thuốc ảnh, máy phóng ảnh và kỹ thuật chấm sửa ảnh bằng tay. Du khách được trải nghiệm để hiểu người Lai Xá đã vượt qua những khó khăn khan hiếm thuốc ảnh, giấy ảnh thời chiến như thế nào để vẫn có thể phục vụ nhu cầu của nhân dân và đất nước, vẫn tạo ra được những bức ảnh vô cùng xúc động.
Dân thôn làm Bảo tàng
PGS.TS Nguyễn Văn Huy cho biết, khoảng năm 2012- 2013, khi Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên đang xây dựng, có người dân thôn Lai Xá là ông Đặng Tích, 85 tuổi, thường đến gặp ông để chia sẻ những thông tin về lịch sử, văn hoá của làng. Ông Đặng Tích chính là một pho sử sống về làng Lai Xá. Ông cũng là người đầu tiên trong làng nhận ra câu chuyện về sự cần thiết phải làm một bảo tàng về nghề ảnh. Lãnh đạo thôn cũng nhận thấy ý tưởng làm Bảo tàng, hướng đến phát triển du lịch là hoàn toàn phù hợp.
Năm 2015, nhân ngày giỗ cụ Khánh Ký, thôn đã tổ chức một hội thảo khơi gợi vấn đề về Bảo tàng nhiếp ảnh Lai Xá, được đông đảo các cơ quan, đoàn thể, khách tham dự ủng hộ. Chỉ 2 tháng sau hội thảo, lễ khởi công xây dựng bảo tàng đã được thực hiện.
Nan giải nhất là câu hỏi: Đất ở đâu để làm Bảo tàng? Nhiều phương án được đưa ra, cuối cùng dân làng quyết định lấy khu đất nhà Hậu ở gần đình Đụn làm nơi xây dựng. Nhà Hậu là nơi thờ các cụ hậu, tức những người trong làng không có người thừa tự thờ cúng sau khi chết, họ đã đóng góp ruộng, tiền mua đất, xây nhà, tiền để dân làng thờ phụng. Nhà Hậu là căn nhà gỗ, 3 gian, mái ngói, xung quanh có vườn nhỏ, đã bị bỏ hoang hóa lâu nay. Thiết kế nội thất trưng bày Bảo tàng do một nhóm chuyên gia Pháp chủ trì.

 

Lai Xá kể chuyện làm Bảo tàng thôn - Anh 2
 


Hiệu ảnh Aubella photo Hà Nội năm 1951


Câu chuyện sưu tầm tư liệu, hiện vật trong quá trình làm Bảo tàng cũng khá gian nan. Vì thế, cùng với quyết định xây dựng toà nhà bảo tàng, một cuộc vận động cộng đồng nhiếp ảnh Lai Xá hiến tặng hiện vật, tư liệu về nghề ảnh hoặc có liên quan đã được tổ chức. Nhiều người trong làng như ông Nguyễn Văn Thắng đến từng nhà vận động; ông Nguyễn Văn Nhật vào cả TP Hồ Chí Minh tìm gặp các chủ hiệu ảnh người Lai Xá. Cuộc vận động được ủng hộ nhiệt tình từ những thợ ảnh, nhà nhiếp ảnh, các chủ hiệu ảnh xưa và nay. Đặc biệt, các thợ ảnh, nhà nhiếp ảnh lão thành rất nhiệt tình sưu tầm, tặng cho bảo tàng nhiều máy ảnh, cùng các thiết bị khác của nghề ảnh. Hai anh em ông Phạm Văn Nên, Phạm Thành góp nhặt và sửa chữa các máy ảnh cổ, máy ảnh hộp gỗ chụp phim kính. Ông Phạm Văn Hưng, người có bàn tay vàng chấm sửa ảnh, đã tặng cho bảo tàng bộ chấm sửa ảnh của mình. Ông Phạm Thành, vua buồng tối, cũng tặng cho bảo tàng chiếc bàn chấm sửa ảnh được dùng trong nhiều năm...
Như nhiều làng quê khác, Lai Xá đang trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ. Người Lai Xá nay không còn ruộng là nguồn sống chính nữa. Dân làng Lai Xá mong muốn Bảo tàng của mình cùng với Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên, Gallery ảnh Nguyễn Anh Tuấn và những thế mạnh về di sản văn hoá truyền thống, về sức sống của một làng quê đang chuyển đổi từ sinh kế nông nghiệp sang các hoạt động dịch vụ mới sẽ góp phần hình thành một điểm du lịch mới, hấp dẫn của thành phố. Đó cũng là một mô hình tương lai đầy lý tưởng mà nhân dân thôn Lai Xá hướng đến. 


Hoàng Vy

Ý kiến bạn đọc