Khát vọng về một nhà hát nghệ thuật dân tộc
VH- Gần 30 năm lăn lộn nơi xứ người; về nước, trở thành doanh nhân khá thành đạt; nhưng mong muốn, khát vọng cháy bỏng đối với ông đó là xây dựng được một đoàn nghệ thuật để phục vụ du khách, quảng bá văn hóa, nghệ thuật đặc sắc của dân tộc đến bạn bè quốc tế. Và trung tuần tháng 9 tới đây, nhà hát nghệ thuật của riêng ông – Nhà hát Nghệ thuật Dân gian Á Châu sẽ chính thức có buổi biểu diễn đầu tiên. Ước vọng của ông sau bao năm đã thành hiện thực! Ông là Lê Xuân Thơm - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hải Đăng.
Sinh ra và lớn lên tại một miền quê của vùng đất Thanh Hóa. Năm 1988, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, ông đi xuất khẩu lao động tại Liên Xô cũ.
Gần 30 năm lăn lộn nơi xứ người, ông trở về quê hương và chọn vùng đất Nha Trang, Khánh Hòa làm nơi lập nghiệp.Và giờ ông trở thành doanh nhân khá thành đạt với việc sở hữu 4 nhà hàng, khách sạn cao cấp tại phố biển Nha Trang.
Ông chia sẻ, có lần mấy người bạn Nga đưa ông và bạn bè Việt Nam đi xem biểu diễn nghệ thuật dân gian Nga; sau buổi biểu diễn, người bạn Nga hỏi ông: Nói đến Việt Nam là người ta nghĩ ngay đến chiến tranh, không biết ở Việt Nam có nghệ thuật truyền thống gì không? Lúc ấy, ông nghĩ ngay đến những nghệ thuật độc đáo của Việt Nam như đàn bầu, sáo, các điệu múa của đồng bào vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Chămpa, những tà áo dài và những điệu múa cung đình Huế… Nhưng quả thật, không biết nói thế nào cho bạn hiểu, bởi ngôn ngữ không thể diễn tả hết được nếu bạn không một lần được tận mắt chứng kiến, được thưởng thức loại hình nghệ thuật độc đáo đó…
Các diễn viên đang tích cực tập luyện
Sau này về Việt Nam làm du lịch, đi nhiều nơi, nhiều nước trên thế giới, ông thường được đưa đi xem biểu diễn nghệ thuật truyền thống của nước bạn. Ông thật sự ngạc nhiên khi không ít các đoàn nghệ thuật ở một số quốc gia khác như Thái Lan, Campuchia, Singapore… thường biểu diễn một vài điệu múa phục vụ khách Việt Nam như múa nón, hoa sen, biểu diễn áo dài… lúc ấy, trong ông dâng lên niềm tự hào, tự tôn dân tộc. Và, ông nảy ra ý tưởng xây dựng đoàn nghệ thuật để phục vụ du khách và góp phần giới thiệu, quảng bá những nét văn hóa truyền thống, độc đáo của dân tộc đến bạn bè thế giới; qua đó, đào tạo, truyền nghề cho thế hệ trẻ, góp phần giữ gìn những nét văn hóa truyền thống, độc đáo của dân tộc.
Đầu năm 2016, ông bắt tay vào thực hiện.
Được sự đồng ý, hỗ trợ của UBND tỉnh Khánh Hòa, TP Nha Trang, Sở VHTTDL cũng như các ban ngành chức năng, ông bắt tay sửa chữa, nâng cấp hội trường Nhà Văn hóa Thiếu nhi (62 Thái Nguyên, TP Nha Trang) thành Nhà hát với sức chứa 500 chỗ ngồi. Đầu tư hệ thống trang thiết bị, âm thanh, ánh sáng hiện đại, hệ thống máy lạnh, đảm bảo an toàn về phòng chống cháy nổ, chống sét… với kinh phí gần 40 tỉ đồng. Hiện đơn vị thi công đang khẩn trương thực hiện để hoàn thành Nhà hát vào đầu tháng 9 tới.
Song song đó, ông mời TS.NSƯT Hoàng Minh Tâm - nguyên Hiệu trưởng Trường cao đẳng Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch Nha Trang về làm Giám đốc Nhà hát. Và từ đầu năm 2016, ông Tâm đã lặn lội về các địa phương, các trường, đoàn nghệ thuật trong cả nước như tuyển chọn nghệ sĩ, diễn viên… Sau thời gian tuyển chọn, tập luyện và chọn lọc, hiện Nhà hát đã tuyển được 34 diễn viên múa, 12 diễn viên, người mẫu và hàng chục nhạc công đảm bảo cho Nhà hát bước đầu có thể đi vào hoạt động.
Và để có được những tiết mục đặc sắc nhất, Nhà hát đã mời các nghệ sĩ, biên đạo múa nổi tiếng trong nước và quốc tế, các nghệ sĩ, đạo diễn hiện đang công tác tại các đoàn nghệ thuật, trường múa Quốc gia, Hà Nội, Huế và TP. Hồ Chí Minh về dàn dựng, biên đạo múa, tập luyện cho các diễn viên cũng như trực tiếp biểu diễn và truyền nghề cho các nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát.
Các diễn viên đang tích cực tập luyện
Ông Lê Xuân Thơm chia sẻ, dân tộc, đất nước mình có một nền văn hóa, nghệ thuật hết sức độc đáo. Tuy nhiên, lâu nay chúng ta mới xem đây là một nét văn hóa - nghệ thuật đơn thuần, mà chưa chú trọng, xem đây là một tiềm năng, thế mạnh, một nguồn lực để thu hút du khách, phát triển du lịch… Hiện nay du khách trên khắp thế giới đang chọn Việt Nam là điểm đến yêu thích, đặc biệt là du khách tới từ các quốc gia châu Âu, Nga, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… Vì vậy, việc đưa nghệ thuật dân tộc trở thành một tiềm năng, nguồn lực để phát triển du lịch là việc làm tất yếu. Điều này không chỉ thu hút du khách mà còn góp phần quảng bá văn hóa, nghệ thuật độc đáo về đất nước, con người Việt Nam. Khẳng định chủ quyền của dân tộc thông qua văn hóa. “Văn hóa là con đường ngắn nhất để giao lưu, quảng bá, hòa hợp và khẳng định chủ quyền dân tộc. Văn hóa của một dân tộc không thể lẫn lộn vào đâu được. Vì vậy, về lâu dài, Nhà hát sẽ chú trọng xây dựng những tiết mục mang đậm nét văn hóa của đồng bào nơi đại ngàn Trường Sơn, Tây Nguyên, của người dân vùng biển đảo, để quảng bá và khẳng định chủ quyền của dân tộc…”, ông Thơm nói.
Và để chuẩn bị cho sự ra đời, hoạt động ổn định, lâu dài của Nhà hát, ông Lê Xuân Thơm phải đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều đối tác để ký kết, thống nhất việc đưa Nhà hát vào một trong những điểm dừng chân trong tour du lịch, khám phá vùng đất Nha Trang, Khánh Hòa. Và khi Nhà hát chính thức đi vào hoạt động, Công ty sẽ tiếp tục tìm các đối tác, các đơn vị lữ hành trên địa bàn Nha Trang cũng như trong cả nước để đảm bảo cho Nhà hát hoạt động ổn định.
Nam Phong