Hành trình của chị Yến “khùng”
VH- Có một người phụ nữ bé nhỏ với chiếc xe đạp cà tàng rong ruổi khắp các nghĩa trang liệt sĩ trên mảnh đất Quảng Nam và Đà Nẵng với đau đáu tìm mộ của cha mình và những ngôi mộ chưa rõ thân nhân.
Chị là Trần Thị Yến (53 tuổi, thôn Cẩm Toại Tây, xã Hòa Phong, H. Hòa Vang - TP Đà Nẵng), nhưng làng xóm thường gọi chị với cái tên “Yến khùng”, “Yến lang thang”. Chị kể rằng hành trình 20 năm không mỏi mệt của mình bắt nguồn từ mong ước đi tìm mộ cha đã hy sinh khi chị mới tròn 2 tháng tuổi.
Trời không phụ người
Qua ký ức không lành lặn của mẹ về người cha và những đồng đội, chị Yến chỉ biết rằng cha chị - liệt sĩ Trần Thái đã hy sinh trong trận đánh vào sân bay An Định (thuộc huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam). Lúc đó đại đội của chiến sĩ Trần Thái bị địch phục kích. Bản thân ông khi đó đã bị thương ở chân nên không thể di chuyển, trong vòng nguy hiểm ông đã quyết định rút những người còn sống về nơi an toàn để bảo toàn lực lượng còn ông ở lại cản đường quân địch và bị sát hại sau đó. Giấy báo tử gửi về cho gia đình hiện không còn do bị cháy khi quân địch lùng sục, đốt nhà trong trận càn năm 1969.
Sau ngày giải phóng, thấy những đồng đội của cha mình đều được công nhận liệt sĩ còn riêng Trần Thái không được công nhận do thiếu giấy bảo tử. Có những tin đồn ác ý rằng ông theo địch chứ không phải hy sinh vì đất nước. Quá bức xúc và thương người cha đã khuất, chị Yến nộp đơn lên UBND TP để xin được hỗ trợ tìm mộ cũng như để chứng minh cha mình đã hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ. Đến lần thứ 5 nộp đơn chị Yến mới gặp được Chủ tịch UBND TP lúc bấy giờ là ông Nguyễn Bá Thanh. “Lắng nghe câu chuyện dài của tôi, Chủ tịch viết cho tôi một lá thư tay rồi nói: cầm thư này trở về những nơi mà cha từng chiến đấu, công tác rồi nhờ họ lần ra manh mối giúp”, chị Yến bồi hồi nhớ lại.
Cầm thư tay của Chủ tịch TP, chị Yến bắt đầu hành trình tìm kiếm từ Quảng Nam đến Đà Nẵng, có lúc sang tận đất Lào. Nghe người ta bày tới đâu, chị đi liền tới đó, chị nói: “Tìm lại những nơi cha tôi đã dừng chân đâu có dễ, các địa danh, vùng đất đã thay đổi rất nhiều. Hỏi rất nhiều người, đi rất nhiều nơi, nhưng trong ba năm lang thang tìm mộ cha, trong tôi lúc nào cũng tràn đầy tin tưởng sẽ có một kết quả tốt đẹp”. Chính trong hành trình tìm mộ cha, chị Trần Thị Yến đã ghi chép, cất giữ được hàng trăm cái tên, quê quán của những liệt sĩ chưa rõ nhân thân.
Trời không phụ lòng người, khi đến Đồn Biên phòng A Dizh (Tây Giang, tỉnh Quảng Nam), chị Yến được biết tập hồ sơ của cha mình còn được lưu ở đồn biên phòng thuộc nước bạn Lào. Lặn lội sang Lào, chị biết thêm rằng cha chị trước khi hy sinh thuộc đơn vị 130 Mặt trận 4, Quân khu 5. Nhờ sự giúp đỡ của mọi người, chị tìm được ông Y Kông, bạn chiến đấu của chiến sĩ Trần Thái. Ông Y Kông từng là Huyện đội phó Huyện đội Nam Giang, nhờ ông chị đã tìm được nơi chôn cất cha cùng với tất cả giấy tờ nguyên vẹn, nằm trong ống thuốc bỏ trong túi áo. Đến năm 2000, cha chị Yến được công nhận liệt sĩ.
300 bức thư tay đã được chị Yến gửi đi với niềm hi vọng mộ liệt sĩ xa xứ sẽ tìm được thân nhân
“Cầu mong gia đình nhận được thư này”
Tâm nguyện tìm mộ cha đã hoàn thành, tưởng từ đây sẽ được thanh thản, nhưng mỗi khi nghĩ đến những ngôi mộ liệt sĩ vẫn còn nằm xa gia đình, quê hương thì chị lại ăn không ngon ngủ không yên. Chị hiểu nỗi day dứt khôn nguôi của những gia đình chưa tìm được mộ người thân. Mỗi mùa, xong việc đồng áng, bất kể nắng mưa, chị Yến lại đạp xe từ nghĩa trang này tới nghĩa trang khác, sang tận đất bạn Lào mà hành trang trong túi là cuốn sổ và cây bút. Hễ thấy dòng chữ “xa xứ” trên mộ liệt sĩ nào, chị lại cẩn thận ghi chép vào cuốn sổ, sau đó về nhà cặm cụi viết thư rồi gửi theo địa chỉ ghi trên tấm bia.
Cứ như thế, cuốn sổ của chị đã có hơn 300 cái tên liệt sĩ đã được chị lưu giữ và gửi thông tin về cho gia đình họ. Trong năm 2000, chị đã tìm ra và giúp 4 thân nhân khác ở H. Nam Giang và Tây Giang (Quảng Nam) hoàn tất hồ sơ liệt sĩ cho người thân. Những ngôi mộ không đầy đủ thông tin, nhưng chị Yến cũng chẳng đành lòng “bỏ qua”, được thông tin nào, chị cung cấp cho báo chí chừng đó, trong lòng vẫn nhen nhóm hy vọng sẽ có người tới nhận. Có những lá thư vài năm mới tới tay người nhận, như trường hợp gia đình liệt sĩ Nguyễn Văn Báu, hy sinh ở Đại Lộc (Quảng Nam), quê quán ở Hưng Yên nhưng gia đình lúc bấy giờ ngụ tại Bình Tân, TP.HCM. Trường hợp gia đình ông Hoàng Văn Sính (Hà Nội), sau bao năm đi tìm mộ người anh trai hy sinh trong chiến tranh, mọi người tưởng đã hết hy vọng thì bỗng nhận được lá thư tay của chị Trần Thị Yến, ngoài cung cấp những thông tin cần thiết, lá thư tha thiết “cầu mong gia đình nhận được thư này, hãy liên lạc để đưa bác về với xứ sở, quê hương”. Ngay lập tức, gia đình ông Sính đã vào Đà Nẵng gặp chị Yến, nhờ chị đưa đến tận nơi. Đứng trước ngôi mộ người thân, nước mắt và những cái ôm xiết đã thay lời cần nói. “Không nhớ đã bao lần như vậy, cũng không nhớ biết bao nhiêu lần đoàn người tìm mộ chúng tôi òa khóc ngay tại nghĩa trang, trước ngôi mộ mình đang tìm kiếm”, chị Yến bồi hồi chia sẻ.
Ông Tán Kim, cán bộ văn hóa xã Hòa Phong nói: “Trong thôn ai cũng khâm phục bản lĩnh của cô Yến trong hành trình đi tìm mộ và hoàn tất hồ sơ liệt sĩ cho cha mình, không những thế cô còn giúp cho nhiều gia đình khác tìm được được mộ người thân. Cô Yến đã cho chúng tôi thấy sức mạnh và quyết tâm của một người phụ nữ thật đáng nể.”
Ngọc Hà