Hà Tĩnh: Được lưu danh nhưng không được thừa nhận là liệt sĩ

VH- Từng có bằng Tổ quốc ghi công, có danh sách trong bảng vàng tưởng niệm đài Nghĩa trang liệt sĩ và cũng được ghi danh trong sách Lịch sử Đảng bộ xã là Liệt sĩ chống Pháp.

Thế nhưng hơn 65 năm qua ông Nguyễn Tâm (quê xã Sơn Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh), hy sinh ngày 26.11.1952 vẫn chưa được công nhận là liệt sỹ. Đã nhiều lần người thân trong gia đình tìm đến các cơ quan chức năng tìm hỏi làm chế độ liệt sĩ cho ông Tâm nhưng đều nhận được cái lắc đầu…
Theo đơn của ông Nguyễn Đình Chính (79 tuổi), quê xã Sơn Lộc, huyện Can Lộc, ông Nguyễn Tâm là chú của ông (em ruột của bố ông Chính) đi bộ đội và hy sinh tại mặt trận Tây Bắc năm 1952. Đến ngày 27.2.1953, gia đình nhận được Giấy báo tử do Trung đoàn 44, Bộ tự lệnh Quân khu 4 gửi về (hiện còn giấy báo tử). Trong giấy Báo tử ghi: “Nguyễn Tâm đã tử trận hồi 4 giờ ngày 26.11.1952 trong trường hợp công tác phục vụ mặt trận Tây Bắc, an táng tại địa phận Đèo Cỏn, tỉnh Phú Thọ, giáp tỉnh Sơn La - Việt Bắc”.
Ông Chính trình bày, khi ông Nguyễn Tâm đi bộ đội, hai xã Sơn Lộc và Mỹ Lộc là một xã Mỹ Lộc nên trong giấy báo tử gửi về quê ghi quê quán là xã Mỹ Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Trước đây ông Nguyễn Tâm đã được cấp bằng Tổ quốc ghi công, nhưng những năm đánh Mỹ những giấy tờ này bị thất lạc, riêng giấy báo tử vẫn còn giữ nguyên đến nay. Ông Nguyễn Tâm cũng đã được khắc tên vào bia đá ở Nghĩa trang Liệt sĩ xã Sơn Lộc (trong bảng vàng Tổ quốc ghi công) và cũng được lưu danh là liệt sĩ chống Pháp trong cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Sơn Lộc qua các thời kỳ. Tuy nhiên đến nay ông Nguyễn Tâm vẫn chưa được công nhận là liệt sĩ. Ở Phòng Lao động, Thương binh & xã hội huyện Can Lộc, ông Nguyễn Tâm chỉ được ghi danh sách là tử sĩ. Đã nhiều lần và qua nhiều thế hệ cán bộ Phòng công tác Thương binh xã hội đều trả lời với gia đình là không đủ thẩm quyền giải quyết, sẽ đề nghị lên các cấp trên trả lời, nhưng tất cả các lần làm đơn đến nay đều bặt vô âm tín…

Hà Tĩnh: Được lưu danh nhưng không được thừa nhận là liệt sĩ - Anh 1

Ông Nguyễn Tâm đã được ghi trong bia tưởng niệm liệt sĩ, sách Đảng bộ xã Sơn Lộc


Theo điều 3, chương II, thông tư liên tịch Bộ LĐ,TB&XH và Bộ Quốc phòng ngày 22.10.2013 căn cứ xác nhận liệt sĩ ghi rõ: Danh sách liệt sĩ lưu tại cơ quan, đơn vị có ghi tên người hy sinh hoặc giấy tờ, tài liệu có giá trị pháp lý lập từ ngày 31.12.1994 trở về trước có ghi nhận là liệt sĩ hoặc hy sinh trong chiến đấu, trực tiếp phục vụ chiến đấu.
Như vậy, xét về căn cứ để công nhận liệt sĩ cho ông Nguyễn Tâm là hoàn toàn có cơ sở và xác thực bởi tại tại giấy báo tử do Trung đoàn 44, Bộ Tư lệnh liên khu 4 báo tử ông Nguyễn Tâm đã tử trận trong trường hợp công tác phục vụ mặt trận Tây Bắc. Gia đình còn có giấy báo tử gốc và đã nhiều lần làm đơn cũng như đến các cơ quan chức năng, phòng ban để tìm hỏi xác nhận làm chế độ liệt sĩ cho ông Nguyễn Tâm nhưng đều được các cơ quan ban ngành trả lời là không đủ thẩm quyền giải quyết.
“Chú tôi hy sinh trong khi làm nhiệm vụ, phục vụ chiến đấu chống giặc ngoại xâm thì phải được công nhận liệt sĩ là lẽ đương nhiên và chính đáng. Nhà nước công nhận là liệt sĩ mới đúng với chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước. Đã hơn 65 năm từ khi chú tôi hy sinh, tôi đã gõ cửa không ít cơ quan chức năng những vẫn chưa được xem xét, giải quyết”, ông Chính nói.
Cũng là một người đau đáu bao nhiêu năm nay đi tìm phần mộ của ông ngoại mình cũng như đến các cơ quan ban ngành tìm hồ sơ để làm chế độ liệt sĩ cho ông ngoại nhưng đến nay vẫn chưa có tin tức gì, một người cháu của ông Tâm chia sẻ: “Ông tôi hy sinh đã hơn nửa thế kỷ rồi nay vẫn chưa tìm được phần mộ. Để đi tìm chế độ liệt sĩ cho ông ngoại, tôi đã nhiều lần đến các cơ quan từ Phòng, Sở LĐ,TB&XH tỉnh thì đều trả lời đơn vị không đủ thẩm quyền giải quyết và hướng dẫn đến Huyện đội, Tỉnh đội để xác minh hồ sơ. Khi sang Huyện, Tỉnh đội lại được hướng dẫn ra Ban chỉ huy Quân sự Quân khu 4 để tìm hồ sơ xác minh… Tôi đã đi hết nhưng nay vẫn chưa tìm được thông tin nào về hồ sơ lưu trữ của ông tôi…”.


Thân Ba

Ý kiến bạn đọc