Chuyện về ngôi nhà của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở làng An Xá

VH- Kỷ niệm 73 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, chúng tôi về Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở làng An Xá, xã Lộc Thủy (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) để thắp nén hương thơm tưởng nhớ về người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Quảng Bình.

Và càng đặc biệt hơn khi biết tin Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa quyết định xếp hạng Nhà lưu niệm Đại tướng là Di tích cấp quốc gia.

 Ngôi nhà lưu giữ tuổi thơ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp bình dị nằm bên bờ Kiến Giang ở làng An Xá. Trải qua bao thăng trầm, ngôi nhà gỗ 3 gian 2 chái, lợp mái ngói theo kiểu truyền thống ở vùng quê Lệ Thủy vẫn giữ nguyên nét thanh bình, tĩnh lặng nằm nép mình dưới những tán cây xanh. Nơi đây, hàng chục năm qua, có rất nhiều du khách trong và ngoài nước đã đến thăm và tìm hiểu về nơi sinh ra vị tướng tài của dân tộc.

Ông Võ Đại Hàm (người gọi Đại tướng bằng ông thúc bá), người ngày ngày chăm sóc, trông coi ngôi nhà cho biết: Ngôi nhà hiện nay được xây dựng lại từ năm 1977, ngay trên nền ngôi nhà cũ từ những năm đầu thế kỷ XX, đúng như nguyên mẫu ban đầu của những ngôi nhà ở làng quê Lệ Thủy từ xa xưa.

Ngược dòng thời gian, chúng tôi tìm gặp những người năm xưa đã kỳ công phục dựng lại ngôi nhà tuổi thơ của Đại tướng trên nền đất cũ với tất cả tấm lòng tri ân. Tìm đến nhà bác Đỗ Trung Tuân ở tổ dân phố 1, thị trấn Kiến Giang, người có vốn kiến thức văn hóa sâu, từng làm Trưởng ban chỉ đạo tu sửa, trùng tu Nhà lưu niệm Đại tướng, ông cho biết: Tháng 3 năm 1947, giặc Pháp tiến công và chiếm đóng Lệ Thủy. Ngay từ những ngày đầu, bọn giặc đã về làng An Xá bắt cụ Võ Quang Nghiêm (thân phụ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp) và cho lính thiêu rụi ngôi nhà. Đất nước thống nhất, năm 1977, nhận thấy sự quan trọng về việc phục dựng lại ngôi nhà, lãnh đạo huyện Lệ Thủy sau nhiều lần xin ý kiến thì được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đồng ý.

Chuyện về ngôi nhà của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở làng An Xá - Anh 1

Thắp nén hương lên ban thờ của Đại tướng, ông Tuân không kìm được cảm xúc, ông nói: Là người lính từng tham gia chiến đấu tại chiến trường Đông Nam Bộ, ước mơ được gặp Đại tướng là niềm vinh dự đối với những người lính chúng tôi. Đất nước thống nhất, tôi trở về quê hương và tham gia trong ngành giáo dục, sau đó mới chuyển sang làm cán bộ huyện. Và ước mơ được gặp Đại tướng trở thành sự thật khi tôi được chọn làm Trưởng ban chỉ đạo tu sửa, trùng tu Nhà Đại tướng.

Bác Tuân kể lại: Theo mô tả của bác Võ Thuần Nho (em ruột của Đại tướng) thì ngôi nhà của thân phụ thân mẫu ngày xưa được làm theo kiểu nhà ba gian hai chái theo kiểu “thượng chua hạ gõ”. Tổ thợ mộc người làng Quảng Cư (một làng mộc nổi tiếng của tỉnh Quảng Bình) do ông Đặng Đại Múng, một nghệ nhân bậc thầy của làng được huyện tin tưởng giao phục dựng lại ngôi nhà.

Chuyện về ngôi nhà của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở làng An Xá - Anh 2

 Ngôi nhà của Đại tướng Võ Nguyên Giáp bên dòng Kiến Giang ở làng An Xá

Chúng tôi tìm đến nhà ông Võ Giáo Sư, người được huyện giao nhiệm vụ thiết kế lại nhà Đại tướng, ông Sư kể lại: Năm 1977, ba gian nhà của Đại tướng được phục dựng theo kiểu thượng chua hạ gõ nhưng tường xây, nền lát gạch… không đúng với nhà truyền thống ở Lệ Thủy. Do đó, được phân công trách nhiệm phục dựng lại ngôi nhà, tôi đã căn cứ vào sơ đồ để lại của Đại tướng và cụ Võ Thuần Nho để lại nghiên cứu, thiết kế ngôi nhà theo kiểu ba gian hai chái và xung quanh làm bằng nghẹc, đố bản, vách ngăn… theo nguyên bản ngày xưa. Khi triển khai phục dựng ngôi nhà, công ty xây dựng do ông Đặng Đại Trung là cháu cụ Đặng Đại Múng được lựa chọn đảm nhận. “Suốt cả cuộc đời làm thợ, đây là niềm vinh dự lớn nhất khi được làm nhà cho Đại tướng. Anh em trong tổ thợ đã làm việc không kể ngày đêm, hoàn thành công trình đúng thời gian và phải đảm bảo đúng như nguyên bản ngày xưa”, ông Trung chia sẻ.

Năm 1983, Đại tướng về thăm quê. Sau khi đứng nhìn ngôi nhà và đi thăm quanh vườn, gặp lại lãnh đạo huyện, Đại tướng nói: Cảm ơn lãnh đạo huyện đã quan tâm làm nhà cho tôi. Nhưng nhà tôi xưa không to và tốt bằng ngôi nhà này. Nó nhỏ và thấp hơn một chút, gỗ cũng không được tốt như hiện nay vì ngày xưa nhà mình cũng không phải giàu có gì lắm. Cựa ngọ (cổng vào) cũng không đúng như ngày xưa. Những năm sau đó, trong một dịp ra Hà Nội để xin ý kiến Đại tướng cho huyện sửa lại ngôi nhà, Đại tướng suy nghĩ một hồi rồi nhẹ nhàng nói: Phục dựng lại ngôi nhà là tấm lòng của nhân dân huyện Lệ Thủy nên dù không giống nhà cũ lắm nhưng trong ý thức của bà con và du khách đã xem là nhà của Đại tướng. Hơn nữa, huyện cũng đang nghèo, nhiều nhà dân còn tạm bợ. Vì vậy, không nhất thiết phải tháo ra để thay nhà khác cho giống nhà cũ.

Mãi đến tháng 8 năm 1999, nhân dịp Đại tướng về thăm quê Lệ Thủy và trong quá trình làm việc, lãnh đạo huyện Lệ Thủy đặt vấn đề với Đại tướng về việc tôn tạo, trùng tu lại ngôi nhà. Được triển khai từ những ngày cuối năm 1999 đến đầu năm 2001, ngôi nhà ba gian hai chái lợp ngói cùng nhà ngang lợp tranh được dựng lên trên nền đất cũ cùng với những vật dụng gia đình như tủ sách, tấm phản, bộ tràng kỷ, rương chí góc (sập gụ), tủ thờ… đã được phục dựng lại như xưa.

Tháng 4 năm 2002, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng gia đình về thăm quê. Đại tướng đứng nhìn ngôi nhà thật lâu như những ký ức ngày xưa về gia đình, tuổi thơ vọng về, rồi đi xem từng hiện vật trong nhà, vòng quanh thăm khu vườn. Đại tướng rất xúc động khi ngôi nhà của cha mẹ đã được phục dựng lại và cảm ơn chính quyền, nhân dân huyện Lệ Thủy đã dành những tình cảm chân thành cho gia đình ông.

Giờ đây đứng giữa ngôi nhà của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở làng An Xá, những người thợ mộc năm xưa đang thành kính thắp một nén hương tưởng nhớ người con ưu tú của quê hương. “Chúng tôi xem nhà của Đại tướng như nhà của cha mẹ chúng tôi. Mỗi lần về ngôi nhà của Đại tướng, ai nấy trong chúng tôi đều xúc động với những cảm giác khó tả, vừa gần gũi, vừa kính trọng, vừa thương nhớ”, ông Đỗ Trung Tuân chia sẻ.

Phú Thép- Xuân Thi

 

Ý kiến bạn đọc