Chuyện người lính giữ đảo Phan Vinh
VH- Bảy ngày đêm vật lộn với thủy thần giữa đại đương, giữa cái chết và sự sống cận kề, họ vẫn nghĩ về sự trường tồn của đảo. Nếu chết thì chết giữa biển khơi bởi đời trai đã phần nào thỏa chí. Chuyện về người lính Đào Đình Chữ “chết hụt” ngoài biển đảo Phan Vinh 39 năm trước như biểu tượng của ý chí yêu nước và lòng dũng cảm đối với Trường Sa, quần đảo thiêng liêng tuyến đầu Tổ quốc.
Trong đợt làm công tác dân vận tại xã Xuyên Mộc, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tôi tình cờ gặp ông Đào Đình Chữ đến UBND xã để khám bệnh theo tiêu chuẩn gia đình chính sách. Thấy tôi mặc quân phục hải quân, ông Chữ đến hỏi: “Hôm nay có khám bệnh không anh? tôi nguyên là chiến sĩ hải quân Trường Sa đi giữ đảo Phan Vinh năm 1978. Nghe tin có bộ đội về khám bệnh cấp thuốc miễn phí nên tôi đến đây”. Qua câu chuyện biết ông là cựu binh hải quân một thời lăn lộn ngoài biển cả, tôi lấy mảnh giấy ghi lại những lời ông kể với tư cách người đồng đội cùng màu áo, chỉ khác nhau về tuổi đời và tuổi quân nhập ngũ.
Bên hành lang của UBND xã Xuyên Mộc, ông Chữ kể về những ngày tận cùng gian khó cùng đồng đội giữ đảo Phan Vinh. Ông bảo: “Gần 40 năm rời đảo Phan Vinh, nhưng những ngày sống, xây đảo thì không bao giờ quên được. Đó là thời gian đẹp nhất của tôi. Đời quân ngũ được đến Trường Sa, được góp công sức cho Trường Sa là hãnh diện lắm rồi”.
Tháng 4.1978, từ Lữ đoàn 146 Vùng 4 Hải quân, ông Chữ và nhiều đồng đội cùng đơn vị xuống tàu 680 hành quân ra đảo Phan Vinh trấn giữ. Sau ba ngày đêm hải trình trong sóng gió, tàu 680 cập đảo Phan Vinh “đổ quân” đưa ông Chữ và tám chiến sĩ vào đảo. “Lúc đó chừng 3 giờ chiều. Đảo Phan Vinh chỉ là mỏm đá ngầm san hô nổi lên khỏi mặt nước chừng 1 mét. Chúng tôi bắt đầu cuộc sống mới bằng lương khô, ít gạo, thịt hộp và những vật dụng xây đảo. Thời tiết nắng nóng vô cùng”, ông Chữ nhớ lại.
Một buổi sáng giữa tháng 5.1978, trong lúc ông đang nấu ăn cho cả đảo, bỗng nghe tiếng la thất thanh của đồng đội: “Chữ ơi cứu với. Chữ ơi…”. Ông vội chạy ra mép đảo và lao ra cứu đồng đội bị sóng biển cuốn đi. Nhưng ngờ đâu, ông cũng bị cuốn theo. Lúc đó bảy chiến sĩ khác đang xây đảo. Toàn đảo báo động cứu người. Phương án cứu nạn nhanh chóng triển khai ngay sau đó. Chiếc xuồng cao su được cột chặt một đầu bằng sợi dây thừng dài chừng 60 mét vào lô cốt, một đầu cột với xuồng. Bảy chiến sĩ đem theo bai chèo lên xuồng ra cứu đồng đội. Xuồng vừa ra khỏi triền san hô, một con sóng lừng dồn ập vào đảo làm đứt dây thừng, đánh xuồng ra xa. “Lúc đó sóng to gió lớn, tôi cố bơi để cứu đồng đội nhưng càng bơi càng thấy xa đảo. Sau đó tôi bám được vào một thanh gỗ và được xuồng đến cứu. Ở triền đảo, sóng thường xoáy theo vòng, cuộn rồi đưa ra xa chứ nó không cuộn vào bờ. Tôi biết bơi từ nhỏ chứ không...”, ông Chữ hồi tưởng lại.
Ông Đào Đình Chữ (trái) kể chuyện bị sóng biển cuốn trôi
Sau đó, các chiến sĩ trên chiếc xuồng cứu sinh làm bằng cao su bị sóng đánh ra xa. Làm cách nào để chèo lại vào đảo trong khi cơn giông biển sắp ập xuống, sóng mỗi lúc nổi lên một lớn, một đồng đội lại chưa tìm thấy. “Mặc dù đã cố chèo hết sức, nhưng càng chèo càng thấy xa đảo hơn. Cơn mưa biển ập đến như trút nước, trời tối dần, chúng tôi ngồi trên xuồng vừa đói, vừa rét run bần bật nhưng không hết hi vọng”, ông Chữ kể lại.
Sau cơn giông bất ngờ, biển lặng dần, chiếc xuồng cao su tròng trành trên sóng nước. Sau một đêm chống chọi với sóng biển, đói và khát, các chiến sĩ lả dần. Nhưng cái đó cũng chưa khủng khiếp bằng phải chống chọi dưới cái nắng cháy da cháy thịt và nước biển mặn. Những vết rộp bắt đầu nổi lên trên người của các chiến sĩ. Hết ngày thứ nhất, sang ngày thứ hai, bụng đói cồn cào, họng khô khốc khát nước. “Phải sống để xây đảo”, những chiến sĩ nói với nhau như vậy và động viên nhau bình tĩnh giữ vững ý chí chờ tàu đến cứu. Nhưng sống bằng cách nào khi trên xuồng không có đồ ăn, nước uống? “Không còn cách nào khác, chúng tôi đã uống nước ... của nhau. Sang ngày thứ tư thì lả hẳn. Lúc đó nằm thiếp đi chờ tàu đến cứu thôi. Bất ngờ có một con chim hải âu sà xuống đậu cạnh xuồng, tôi vồ lấy, rứt lông xé thịt chia cho mọi người ăn. Tanh cũng ăn, ăn để sống”, ông Chữ hồi tưởng.
Sang ngày thứ năm, lúc hi vọng sống mong manh thì phát hiện có một tàu Trung Quốc gần đó. Ông Chữ và hai chiến sĩ bơi đến gần tàu đưa tay, ra tín hiệu cứu nạn. Bỗng từ trên tàu, ba tên lính chạy đi lấy cây lao phóng xuống: “Đoán là tàu Trung quốc, họ không cứu mình, chúng tôi lặn xuống né tránh mũi lao, rồi bơi lại xuồng". Sang ngày thứ sáu, các chiến sĩ nằm liệt trên xuồng. Tất cả đều rộp da do nắng và biển mặn. Sau đó được tàu của Vùng 4 Hải quân đến cứu đưa vào đất liền. Còn chiến sĩ trượt chân bị sóng cuốn trôi dạt vào một điểm đảo gần đó và được tàu đến cứu vớt ngay ngày đầu tiên.
Sau “sự cố chết hụt” tháng 5.1978 tại đảo Phan Vinh, ông Chữ về đất liền hồi phục sức khỏe rồi tiếp tục ra đảo Trường Sa Lớn và Cô Lin. Đến năm 1991 thì ông được phục viên rồi về Nam Định sinh sống, sau đó vào xã Xuyên Mộc, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lập nghiệp sinh nhai.
Năm nay ông Đào Đình Chữ bước sang tuổi 61, cuộc sống của ông cũng bình lặng như bao người lính hải quân khác trở về từ Trường Sa. Ông luôn đau đáu về những ngày tháng sống ở đảo Phan Vinh. Ông bảo: “Đó là những ngày đẹp nhất. Trong lòng tôi luôn có cảm giác nhớ đảo Phan Vinh, nhớ lắm. Biết khó trở thành hiện thực, nhưng nếu được trở lại Trường Sa, được ra đảo Phan Vinh thì khi nhắm mắt xuôi tay cũng mãn nguyện lắm rồi”.
Trần Mạnh Tuấn