Để thế giới biết điện ảnh Việt, cần những tác phẩm lớn

VHO- Một nền điện ảnh lớn cần phải có tác phẩm lớn, có giá trị nhân văn, nghệ thuật, tư tưởng. Làm phim có tính giải trí, thu hút khán giả, doanh thu cao là rất khó nhưng cần thiết để tái đầu tư, nuôi đội ngũ. Nhưng giấc mơ của các nhà làm phim, của nền công nghiệp điện ảnh không dừng ở đó, họ muốn không chỉ có “sản phẩm điện ảnh” ăn khách mà còn có “tác phẩm điện ảnh”. Chỉ khi đó thế giới mới biết điện ảnh Việt Nam…

Để thế giới biết điện ảnh Việt, cần những tác phẩm lớn - Anh 1

 Hội thảo về Công nghiệp Điện ảnh trong khuôn khổ LHP Việt Nam lần thứ XXIII Ảnh: TRẦN HUẤN

 Giới chuyên môn cũng cho rằng, muốn phát triển công nghiệp điện ảnh thì trước hết, đội ngũ sáng tạo, các nhà làm phim cần phải được bảo vệ.

Nếu người làm phim cứ rụt rè…

Đạo diễn phim Đào, Phở và Piano (Bông sen Bạc tại LHP Việt Nam lần thứ XXIII) Phi Tiến Sơn bộc bạch: “Bảo vệ người làm phim chính là bảo vệ khán giả. Bởi nếu người làm phim cứ rụt rè, sợ hãi thì sẽ không thể có phim tử tế, khán giả sẽ thiệt thòi và chúng ta cũng sẽ không có được nền điện ảnh thực sự”.

Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam Đỗ Lệnh Hùng Tú trăn trở, có những biểu hiện tiêu cực gần đây khiến “người trong cuộc” thấm thía nỗi đau. Điện ảnh Việt Nam không chỉ cần theo đuổi những bộ phim “đắt khách” mà còn rất cần vai trò của lý luận phê bình nhằm định hướng dư luận xã hội theo hướng tích cực, từ đó bảo vệ các nhà làm phim vững tin, sáng tạo và cống hiến. “Một tác phẩm điện ảnh được đầu tư kỹ càng, công phu kinh phí không hề nhỏ, thế nhưng khi vừa ra rạp đã bị “ném đá” tơi bời, điều đó sẽ mang đến những hệ lụy khôn lường cho nghệ sĩ và nhà sản xuất. Sự thóa mạ cá nhân nghệ sĩ chắc chắn đã mang đến không ít tổn thương và cả sự chùn bước. Như vậy, xây dựng công nghiệp điện ảnh sẽ vẫn còn có rất nhiều cái khó…”, ông Đỗ Lệnh Hùng Tú nói.

Từ kinh nghiệm thực tế, nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc chia sẻ, làm phim đòi hỏi nguồn lực tài chính lớn. Điện ảnh Hàn Quốc đang sản xuất với ngân sách trung bình khoảng 8 triệu USD/phim, trong khi đó ở Việt Nam chỉ vào khoảng 10-14 tỉ VNĐ/phim nghệ thuật và từ 25-60 tỉ VND/phim thương mại (1-2,5 triệu USD). Nguồn vốn làm phim Việt hiện đang đến từ nhà nước, tư nhân và các quỹ hỗ trợ điện ảnh quốc tế. Ba nguồn này thường riêng rẽ, ít có sự hợp vốn trong cùng một dự án.

“Trong 38 phim phát hành tại rạp năm 2022 thì 86% phim có nguồn vốn tư nhân, 3% phim ngân sách nhà nước và 11% đến từ các quỹ hỗ trợ điện ảnh quốc tế. Nếu tính trung bình ngân sách sản xuất cho một phim là 20 tỉ, thì số vốn đầu tư tư nhân cho sản xuất phim sẽ rơi vào khoảng 654 tỉ. Bên cạnh đó, Việt Nam hiện không có các quỹ đầu tư mạo hiểm dành cho điện ảnh. Các tổ chức tài chính truyền thống không có cơ chế cho hãng phim vay để sản xuất phim vì tính chất rủi ro cao”, theo nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc. Trong khi đó, nhìn sang Hàn Quốc, từ năm 1998-2005, xứ sở Kim chi đã có 48 quỹ đầu tư trị giá 535 triệu USD, cam kết đầu tư phim với chu kỳ 5-6 năm. Các tổ chức tài chính truyền thống cũng tham gia đầu tư và cho hãng phim vay vốn, nhiều bộ phim Hàn thành công từ nguồn tài chính này như Chuyến tàu tới Busan, sê-ri phim truyền hình Hạ cánh nơi anh. Ở Việt Nam, con số 654 tỉ nói trên chủ yếu đến từ các nhà đầu tư cá nhân, doanh nghiệp, bạn bè, gia đình, người quen…

Bà Trần Thị Bích Ngọc cho rằng, với tiềm năng của thị trường còn nhiều dư địa để phát triển, một số nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến thị trường phim Việt. Tuy nhiên, để biến tiềm năng này thành tài sản thì còn nhiều gian nan. Chỉ đơn cử về việc hoàn vốn cho nhà đầu tư nước ngoài, thủ tục này cần hãng phim nội địa phải đóng tài khoản đầu tư và hoàn thành các nghĩa vụ thuế với nhà nước Việt Nam. Việc thực hiện các nghĩa vụ thuế là hoàn toàn đúng đắn, nhưng quy trình này lại kéo dài… từ 6 tháng đến nhiều năm. Trên thực tế, có bộ phim điện ảnh nhận vốn nước ngoài, phát hành chiếu rạp năm 2019, đến nay đã 5 năm vẫn chưa thể hoàn tất thủ tục để hoàn vốn cho nhà đầu tư. “Với đặc thù sản xuất phim, mang tính chuyên biệt cao, vòng đời dự án chỉ từ 12 - 14 tháng thì thời gian kéo dài nhiều năm với những thủ tục không rõ ràng đã khiến hãng phim và nhà đầu tư gặp khó khăn. Điều này tạo nên rủi ro lớn, khiến phía nước ngoài dè dặt khi tham gia vào thị trường sản xuất phim Việt…”, nhà sản xuất Tro tàn rực rỡ nêu.

Để thế giới biết điện ảnh Việt, cần những tác phẩm lớn - Anh 2

 "Em và Trịnh” với nhiều cảnh quay lãng mạn thực hiện tại phim trường Đà Lạt

 

Tăng cường sự hiện diện của điện ảnh Việt trên thế giới

Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Lâm Đồng Trần Thanh Hoài chia sẻ, hằng năm, Sở đã tiếp nhận và tạo điều kiện cho hàng trăm đoàn phim chọn bối cảnh Lâm Đồng để thực hiện các tác phẩm điện ảnh, truyền hình, quảng cáo, ca nhạc… Người Đà Lạt vốn yêu điện ảnh, đặc biệt là những bộ phim có bối cảnh quay tại xứ sở mà họ đang sống. “Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng luôn xác định Đà Lạt là một phim trường tự nhiên lớn và chúng tôi cũng luôn mong muốn sẽ tiếp tục được đón các đoàn phim, các nhà sáng tạo, đầu tư đến với Đà Lạt, Lâm Đồng. Mong rằng nơi đây sẽ tiếp tục là điểm hẹn, cầu nối với các tác phẩm điện ảnh giàu tính sáng tạo…”, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Lâm Đồng bộc bạch.

Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế Trần Hải Vân cho biết, hằng năm, Nhà nước đều dành kinh phí để điện ảnh Việt Nam tham dự các LHP quốc tế có uy tín như Oscar, Cannes, Berlin, Thượng Hải, LHP Tokyo, Busan, Chợ phim Hongkong… Từ năm 2010 đến nay, điện ảnh Việt Nam đã tham gia 148 LHP quốc tế với 330 lượt đầu phim. Có nhiều dấu ấn của điện ảnh Việt Nam trong thời gian qua tại các LHP quốc tế: Những đứa trẻ trong sương của đạo diễn Hà Lệ Diễm được trao giải Đạo diễn xuất sắc nhất và giải Đặc biệt của BGK cho phim đầu tay tại LHP tài liệu quốc tế Amsterdam; Tro tàn rực rỡ của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên nhận giải thưởng lớn nhất tại LHP 3 châu lục (Pháp); Bên trong vỏ kén vàng của Phạm Thiên Ân được trao giải Camera Vàng tại LHP Cannes 2023 và đạo diễn gốc Việt Trần Anh Hùng đạt giải Đạo diễn xuất sắc nhất cùng bộ phim The Pot-Au-Feu…

Để thế giới biết điện ảnh Việt, cần những tác phẩm lớn - Anh 3

Phim “Đào, Phở và Piano”, Bông sen Bạc LHP Việt Nam lần thứ XXIII

Về các hoạt động hợp tác làm phim, cung cấp dịch vụ sản xuất phim, Phó Cục trưởng Trần Hải Vân nhấn mạnh: “Thời gian gần đây, một số phim của điện ảnh Việt Nam không chỉ gây ấn tượng ở phòng vé trong nước mà còn tạo kỳ tích vượt qua những tiêu chí khắt khe của thị trường nước ngoài để có mặt tại các rạp chiếu ở nhiều quốc gia”. Đề xuất giải pháp tăng cường sự hiện diện của điện ảnh Việt trên thế giới, theo bà Trần Hải Vân, cần có những nghiên cứu, đề xuất cụ thể liên quan đến các ưu đãi về thuế nói riêng và các ưu đãi khác như xuất nhập cảnh, tinh gọn thủ tục hành chính…; khuyến khích các địa phương xây dựng chương trình quảng bá thế mạnh cùng ưu đãi hỗ trợ để mời chào các đoàn làm phim nước ngoài… Đồng thời, có các biện pháp tạo điều kiện, khuyến khích, hỗ trợ nhà làm phim Việt Nam tham dự các LHP quốc tế.

TS Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam nhìn nhận, Luật Điện ảnh 2022 nhấn mạnh nội dung xây dựng, phát triển điện ảnh là ngành công nghiệp, gắn với thị trường và hoạt động sản xuất. Đi vào từng mắt xích trong hành lang pháp lý này, chúng ta thấy luật tương đối hoàn thiện, nhưng khi đi vào thực tế thì còn rất khó khăn. “Phim sử dụng ngân sách Nhà nước ngoài mục tiêu làm nhiệm vụ chính trị thì cũng phải đạt mục tiêu đến được với công chúng, tuy nhiên cho đến nay mới chỉ có Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh đạt được mục tiêu này. Chúng ta còn gặp nhiều bất cập trong kinh phí quảng bá những bộ phim Nhà nước như nhiều quốc gia trên thế giới hay các hãng phim tư nhân. Bên cạnh những đó, vấn đề chính cần chú trọng là chất lượng, phim phải đáp ứng nhu cầu, thị hiếu người xem…”, TS Ngô Phương Lan lưu ý.

Đạo diễn Phi Tiến Sơn nhấn mạnh, nền công nghiệp điện ảnh cần những con người công nghiệp: “Máy móc, phương tiện hiện đại có thể mua được; nhà xưởng, đất đai, trường quay hoành tráng có thể đầu tư được, thế nhưng, không có con người công nghiệp thì cũng chẳng làm gì được…”. 

PHƯƠNG ANH

Ý kiến bạn đọc