Hạn chế tối đa hình ảnh diễn viên sử dụng thuốc lá trong tác phẩm sân khấu, điện ảnh:
Bằng cách nào?
VHO - Thuốc lá, thuốc lào, xì gà, hút tẩu… trên phim ảnh, hay những sản phẩm văn hóa khác đang được “đóng khung” để khắc họa nhân vật theo các khuôn mẫu phổ biến trong xã hội. Điều này không chỉ tạo nên một lối mòn trong diễn xuất mà còn có nguy cơ vi phạm Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và tác hại đối với giới trẻ.
Vụ Pháp chế (Bộ VHTTDL) vừa tổ chức hội nghị xin ý kiến đối với dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 25/2018/ TT- BVHTTDL về hạn chế hình ảnh diễn viên sử dụng thuốc lá trong tác phẩm sân khấu, điện ảnh.
Không có cảnh báo về tác hại của thuốc lá theo Công ước
Bà Hoàng Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số chia sẻ các kết quả đánh giá một số phim ảnh và MV ca nhạc có số lượng truy cập cao và phổ biến trong thanh niên đều có rất nhiều hình ảnh thuốc lá. Trong đó, phim có hình ảnh thuốc lá, hút thuốc không theo quy định của pháp luật vẫn được duyệt chiếu trong các khung giờ vàng có nhiều thành viên gia đình xem bao gồm trẻ em, vị thành niên, thanh niên.
Các phim này không có cảnh báo về tác hại của thuốc lá theo Công ước khung về kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mà Việt Nam là thành viên tham gia. Thuốc lá, hút thuốc (thuốc lá, thuốc lào, xì gà) thường là công cụ để để khắc họa nhân vật theo các khuôn mẫu phổ biến trong xã hội như ông trùm tổ chức tội phạm (hút tẩu), kẻ cầm đầu băng nhóm xã hội đen (xì gà), người nông dân (điếu cày), người thành thị (thuốc lá điếu, thuốc lá cuốn)… Cũng theo bà Hoàng Tú Anh, khi thực hiện khảo sát nghiên cứu, có thể thấy các nhà sản xuất, đạo diễn, nhà viết kịch bản và nhà quay phim dường như ít chú ý và quan tâm tới các quy định về việc cấm sử dung thuốc lá trong các tác phẩm điện ảnh. Một nhà biên kịch phim cho biết: “Mục đích của chúng tôi khi làm phim là hướng tới các giá trị nghệ thuật và thẩm mĩ chứ không hướng tới các giá trị giáo dục. Do vậy, chúng tôi sẽ sử dụng mọi phương pháp để đạt được mục đich đó. Thậm chí có phải buộc diễn viên thực hiện một hành động có hại cho sức khỏe là hút thuốc lá để thể hiện hình ảnh nhân vật theo chuẩn mực của đại chúng, chúng tôi cũng sẽ làm”.
Còn nhà làm phim khác lại lý giải: “Cũng biết thuốc lá là độc hại nhưng không biết làm thế nào để thay thế. Hình ảnh một căn phòng lảng bảng khói, hình ảnh một chàng lãng tử tóc bồng bềnh hút thuốc nó đẹp lắm”. Riêng ca sĩ Tăng Phúc trả lời phỏng vấn báo chí lại nhận định: “Những chi tiết này (hút thuốc - P.V) tôi thấy cũng rất nhỏ. Đây là lần hiếm hoi tôi chọn những chi tiết này vào sản phẩm của mình, vì đơn giản nỗi buồn trong MV là của những người đã trưởng thành. Đó là hiện thực nên hình ảnh tôi nghĩ cũng phải đời một chút. Hy vọng khán giả nhìn nhận sản phẩm này dưới góc độ tích cực”. Một nữ biên kịch phim cho rằng, từ lâu trong điện ảnh và nhiếp ảnh đã có một khuôn mẫu chung, hễ nhân vật là nhạc sĩ theo xu hướng lãng mạn, trí thức, hay người phụ nữ mạnh mẽ độc lập,… thì phải hút thuốc. Đúng là lối mòn. Thực tế, nhiều người phụ nữ mạnh mẽ và độc lập có hút thuốc đâu.
Nhiều nhà sản xuất, đạo diễn, nhà viết kịch bản và nhà quay phim dường như không ý thức về tác hại của khói thuốc lá đối với sức khỏe nên không có biện pháp giảm thiểu tác hại thuốc lá cho diễn viên, thành viên trong đoàn phim. Nhiều nhà sản xuất, đạo diễn thừa nhận, cảnh phim hút thuốc lá, thuốc lào… chỉ xuất hiện vài giây, nhưng khi diễn xuất, diễn viên phải đóng đi đóng lại nhiều lần, thậm chí có diễn viên phải hút từ một đến hai bao thuốc để thể hiện đúng tinh thần của nhân vật, ngồi trầm tư, suy nghĩ bên điếu thuốc sao cho nghệ thuật và thi vị. Nhà sản xuất video clip về giáo dục sức khỏe tên Th. chia sẻ: “Một lần diễn viên nam phải khắc họa đúng chất người nông dân, và anh ấy phải hút thuốc lào. Cảnh này chỉ xuất hiện một lần nhưng diễn viên phải hút tới bảy lần và anh ấy đã bị say thuốc sau khi quay xong”.
Phải hạn chế tối đa hình ảnh diễn viên sử dụng thuốc lá
Trên phim trường hoặc trường quay, việc hút thuốc lá cũng có thể ảnh hưởng đến những đồng nghiệp. Vì vậy, bà Hoàng Tú Anh cho rằng, các quy định về cấm hút thuốc và giảm thiểu tác hại của thuốc lá trong các sản phẩm điện ảnh được đề cập tới trong Thông số 25/2018/TT- BVHTTDL và trong Luật Phòng, Chống tác hại của thuốc lá chưa được thực hiện đầy đủ.
“Cần đưa các sản phẩm MV ca nhạc vào đối tượng điều chỉnh của luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và Thông tư 25/2018/ TT- BVHTTDL. Cần đảm bảo các biện pháp an toàn cho diễn viên và thành viên đoàn làm phim khỏi tác hại thuốc lá. Tăng cường hoạt động truyền thông, giáo dục cho biên kịch, đạo diễn và diễn viên về các quy định của pháp luật về phòng chống tác hại thuốc lá bao gồm thuốc lá điện tử và nâng cao sự sáng tạo về hình ảnh thay thế. Khuyến khích xây dựng hình mẫu nam tính, nữ tính tính cực không hút thuốc để thay đổi các quan niệm”, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số khuyến nghị.
Liên quan đến tác hại của thuốc lá trên các sản phẩm điện ảnh, văn hóa, bà Huỳnh Phương Lan, cố vấn kỹ thuật của tổ chức Vital Strategies cho rằng, quảng cáo, khuyến mại và tài trợ thuốc lá cùng với hình ảnh thuốc lá trên các phim ảnh và các sản phẩm văn hóa khiến 75% các em nhỏ 15 tuổi tiếp xúc với hình ảnh diễn viên chính hút thuốc trên phim có xu hướng muốn thử xem khói thuốc thế nào, và số các em trở thành người hút thuốc nhiều hơn 50% so với những người xem ít phim có khói thuốc hơn. “Báo cáo của Hội Bác sĩ phẫu thuật Mỹ năm 2012 đã khẳng định có mối quan hệ giữa việc trẻ em bắt đầu hút thuốc và phơi nhiễm với hình ảnh thuốc lá trên màn ảnh. Một nghiên cứu của Sargent và cộng sự trong năm 2005 trong thanh thiếu niên từ 10 đến 14 tuổi, những trẻ em trong nhóm 25% tiếp xúc nhiều nhất với hình ảnh thuốc lá trong phim có khả năng bắt đầu hút thuốc cao gấp 2,6 lần so với những em thuộc nhóm 25% tiếp xúc ít nhất”, bà Lan chia sẻ.
Theo bà Phan Thị Hải, Phó Giám đốc Phụ trách Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, việc tiếp tục hoàn thiện các quy định của Thông tư số 25/2018/TT-BVHTTDL về việc hạn chế tối đa hình ảnh diễn viên sử dụng thuốc lá trong tác phẩm sân khấu, điện ảnh là hết sức quan trọng và cần thiết. Hiện nay, việc nhiều diễn viên, ca sĩ sử dụng việc hút thuốc lá như là một cách thể hiện tính cách nhân vật hoặc thể hiện tâm trạng trong quá trình biểu diễn gây ảnh hưởng rất lớn đến hành vi, lối sống của giới trẻ. Bên cạnh đó các công ty thuốc lá có thể thông qua những người nổi tiếng, tác phẩm sân khấu, điện ảnh, các MV ca nhạc để quảng bá cho hành vi hút thuốc. Hiện nay, theo quy định của Luật Quảng cáo đã cấm quảng cáo các sản phẩm thuốc lá dưới mọi hình thức, Luật Thương mại cấm khuyến mại hoặc sử dụng thuốc lá để khuyến mại dưới mọi hình thức.
Tại hội nghị đa số các đại biểu thống nhất sự cần thiết phải hạn chế hình ảnh diễn viên sử dụng thuốc lá trong tác phẩm sân, khấu điện ảnh. Một số ý kiến tại hội nghị khuyến nghị mở rộng phạm vi của Thông tư ra các tất cả các hình thức, trên các nền tảng (sân khấu, màn ảnh rộng, truyền hình và nền tảng internet), phim sản xuất trong nước và nhập khẩu, bổ sung các thông tin quy định cụ thể hơn đối với từng lĩnh vực điện ảnh, sân khấu và đối tượng áp dụng thông tư. Phát biểu kết luận hội nghị, ông Phạm Cao Thái, Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu ý kiến của các cơ quan, tổ chức và cá nhân trên cơ sở đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế và phù hợp với bối cảnh Phòng, chống tác hại của thuốc lá tại Việt Nam hiện nay để tiếp tục chỉnh sửa và hoàn thiện dự thảo Thông tư.
Một số ý kiến tại hội nghị khuyến nghị mở rộng phạm vi của Thông tư ra các tất cả các hình thức, trên các nền tảng (sân khấu, màn ảnh rộng, truyền hình và nền tảng internet), phim sản xuất trong nước và nhập khẩu, bổ sung các thông tin quy định cụ thể hơn đối với từng lĩnh vực điện ảnh, sân khấu và đối tượng áp dụng thông tư.