Tạo thương hiệu điểm đến "Yên Bái - Nơi hội tụ sắc màu Tây Bắc” (Bài 3): “Khơi” động lực để bứt phá
VHO - Xây dựng các sản phẩm, dịch vụ về du lịch chuyên nghiệp, chất lượng, hiện đại, tạo nên hình ảnh và điểm đến đặc thù "Yên Bái - Nơi hội tụ sắc màu Tây Bắc" với thương hiệu là "điểm đến an toàn, thân thiện, bản sắc, hấp dẫn, ấn tượng”, Yên Bái đã xác định phải “khơi” được động lực để bứt phá.
Yên Bái tự hào với Nghệ thuật Xòe Thái được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại
Số lượng du khách tăng ấn tượng, các hoạt động kích cầu, thu hút đầu tư, xây dựng sản phẩm, xúc tiến quảng bá du lịch, hợp tác liên kết phát triển sản phẩm du lịch được triển khai khá đồng bộ trong những tháng đầu năm 2023 cho thấy quyết tâm cao, khát vọng lớn của ngành du lịch Yên Bái. Tuy nhiên, so với yêu cầu, mục tiêu đặt ra và so với sự phát triển của các tỉnh có điều kiện tương đồng trong khu vực thì bức tranh du lịch Yên Bái chưa nổi bật, thiếu sức hút, hiệu quả kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng. Để biến tiềm năng du lịch to lớn thành kết quả cụ thể, đưa Yên Bái trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của vùng Tây Bắc vào năm 2025 với hình ảnh và điểm đến đặc thù "Yên Bái - Nơi hội tụ sắc màu Tây Bắc” thì vẫn còn rất nhiều việc phải làm.
Thay đổi cách làm truyền thống
Du lịch Yên Bái đã có nhiều sản phẩm tốt nhưng chưa được quảng bá sâu rộng nên chưa có nhiều du khách biết đến. Trong khi đó, nhiều sản phẩm du lịch (SPDL) đã rất nổi tiếng thì sau quá trình phát triển mạnh nhưng không tự làm mới mình dẫn đến sự đơn điệu và nhàm chán đối với du khách. Do đó, để thương hiệu du lịch Yên Bái được biết đến nhiều hơn, hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch trong giai đoạn mới với sự tiếp sức của chính sách hỗ trợ đang được các cơ quan liên quan triển khai với quan điểm cần thay đổi cách làm truyền thống, ứng dụng hiệu quả các hình thức truyền thông trực tuyến, chuyển đổi số nhằm tạo điểm nhấn ấn tượng và có sức lan tỏa sâu rộng, đưa hình ảnh du lịch Yên Bái đến gần hơn với du khách.
Du lịch tâm linh sẽ là du lịch chủ đạo, đặc trưng của huyện Văn Yên để thu hút du khách đến với địa phương
Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch, Bộ VHTTDL cho rằng: “Du lịch Yên Bái phát triển khá tốt trong thời gian qua, hình ảnh về du lịch Yên Bái đã bắt đầu được biết tới trên thị trường trong nước. Tuy nhiên, du lịch Yên Bái vẫn chưa tạo được một sản phẩm du lịch mang tầm vóc thương hiệu của tỉnh và của vùng…”.
Điều cơ bản mà du lịch của Yên Bái đang thiếu là tính chuyên nghiệp, trong đó có sự phối hợp thiếu hiệu quả của các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch và liên quan đến du lịch, từ các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, nhà hàng, phương tiện vận chuyển đến cửa hàng lưu niệm và các điểm du lịch... Do đó, để tăng giá trị từ du lịch. “Yên Bái cần phát triển hệ thống sản phẩm đa dạng, độc đáo, hấp dẫn, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm du lịch với "Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch đẹp - Ðiểm đến an toàn, văn minh, thân thiện". Đặc biệt, tỉnh cần tăng cường công tác chuyển đổi số, liên kết phát triển sản phẩm, truyền thông về du lịch, quản lý điểm đến du lịch, lấy trải nghiệm của khách du lịch làm trung tâm”, ông Nguyễn Trùng Khánh nói.
Với nỗ lực xây dựng SPDL đặc thù, Yên Bái sẽ đạt mục tiêu đón trên 1.500.000 lượt khách vào năm 2025
Mang nét đặc sắc của tỉnh Yên Bái quảng bá trong Ngày hội Du lịch TP.HCM 2023 và Tuần Du lịch Văn hóa Tây Bắc năm 2023 tại thành phố Cần Thơ, nhiều du khách phương Nam vô cùng ấn tượng và bày tỏ sự thích thú khi được cảm nhận và trải nghiệm sản phẩm du lịch Yên Bái với hình ảnh, âm thanh sống động qua "Công nghệ ảnh 360” - ứng dụng tham quan các điểm du lịch của tỉnh Yên Bái trong thế giới ảo không gian ba chiều. Đây là cách giới thiệu, quảng bá ấn tượng với du khách mọi nơi về hình ảnh, văn hóa, con người và thu hút du khách đến với Yên Bái. Mới đây, Cổng thông tin du lịch và ứng dụng du lịch thông minh tỉnh đã phát triển các ứng dụng trên thiết bị di động thông minh để cung cấp cho du khách các thông tin về điểm đến, sản phẩm du lịch, dịch vụ, thuyết minh du lịch tự động về các địa bàn du lịch trọng điểm, tạo điều kiện thuận lợi để sản phẩm du lịch đến gần hơn với du khách.
Du khách thích thú với cảnh đẹp ở Mù Cang Chải
Trước xu thế kết nối mạnh mẽ, tỉnh đã chung tay hợp tác làm mới các sản phẩm đã có, tạo thêm các SPSL mới, hấp dẫn phù hợp với nhu cầu của thị trường, nhằm liên kết, kết nối hoạt động du lịch giữa Yên Bái với các tỉnh, thành phố trong cả nước, đặc biệt là các tỉnh ven biển và các đô thị động lực. Đây được xem là yếu tố đảm bảo “cầu” đối với hệ thống sản phẩm du lịch Yên Bái. Qua đó, tạo tâm lý yên tâm đối với các nhà đầu tư khi đầu tư phát triển hệ thống sản phẩm du lịch ở Yên Bái. Hết năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 21 dự án thuộc lĩnh vực du lịch, dịch vụ với tổng vốn đầu tư trên 13.171,200 tỉ đồng và 3,2 triệu USD. Các dự án này được tỉnh xem xét kỹ lưỡng trên cơ sở phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và các quy hoạch có liên quan, đảm bảo mục tiêu phát triển xanh, bền vững. Cùng với đó, tỉnh tích cực tham gia các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch và thương mại tầm cỡ tại các tỉnh, thành phố trong cả nước; tổ chức trang trọng các sự kiện văn hóa, du lịch, lễ hội lớn nhằm quảng bá, nâng cao giá trị sản phẩm du lịch. Thông qua hoạt động này đã tạo sức lan tỏa trên cả nước, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế biết đến mảnh đất Yên Bái.
Kỳ vọng những bứt phá ấn tượng
Thời gian qua, Yên Bái đã nỗ lực quảng bá thương hiệu, đưa vào khai thác và xây dựng thêm nhiều sản phẩm mới và không ngừng xây dựng hình ảnh du lịch an toàn, có trách nhiệm với kỳ vọng sẽ mang lại những bứt phá ấn tượng, tạo hình ảnh điểm đến "Nơi hội tụ sắc màu Tây Bắc" và đảm bảo được các yếu tố "an toàn, thân thiện, bản sắc, hấp dẫn, ấn tượng”. Năm 2023, tỉnh đề ra mục tiêu phấn đấu: Mỗi tuần một sự kiện, mỗi huyện phấn đấu xây dựng và duy trì một sản phẩm văn hóa - du lịch chủ đạo nhằm xây dựng thương hiệu, định vị và nhận diện SPDL của mỗi địa phương cũng như của tỉnh Yên Bái. Năm 2023, tỉnh đã ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn và phát triển du lịch, ttrong đó xác định được 121 sản phẩm văn hóa - du lịch trên địa bàn toàn tỉnh đến tận cấp xã (trong đó củng cố, nâng cao 63 sản phẩm và xây dựng mới 58 sản phẩm).
Du khách trải nghiệm làm bánh dày cùng đồng bào Mông Mù Cang Chải
Để tiếp tục xây dựng các sản phẩm, dịch vụ về du lịch chuyên nghiệp, chất lượng, hiện đại, tạo nên hình ảnh và điểm đến đặc thù "Yên Bái - Nơi hội tụ sắc màu Tây Bắc" với thương hiệu là "điểm đến an toàn, thân thiện, bản sắc, hấp dẫn, ấn tượng”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Thị Hiền Hạnh cho biết về những giải pháp trọng tâm mà tỉnh đã và đang thực hiện. Trước hết, Yên Bái luôn xác định phương châm “biến di sản thành tài sản” phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Trước nhu cầu của khách du lịch liên tục thay đổi, đòi hỏi ngày càng cao về cả chất lượng sản phẩm, sự trải nghiệm, tính đa dạng, độc đáo, cùng với việc tiếp tục nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy, đặt trọng tâm vào phát triển du lịch có chất lượng, thương hiệu, hướng tới chuyên nghiệp, hiện đại trên cơ sở khai thác tối ưu nguồn lực và lợi thế, củng cố, nâng cao chất lượng các sản phẩm sẵn có, tỉnh sẽ tập trung xây dựng mới SPDL đặc sắc, độc đáo, hấp dẫn riêng có của Yên Bái, tạo lợi thế cạnh tranh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Thị Hiền Hạnh trao đổi với các chuyên gia du lịch, công ty lữ hành, Tiktoker trong Hội thảo phát triển sản phẩm du lịch tỉnh Yên Bái năm 2023 "Yên Bái - Nơi hội tụ sắc màu Tây Bắc"
Cùng với đó, tập trung hướng dẫn, khuyến khích, tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch; tăng cường công tác đào tạo, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực du lịch mang tính chuyên nghiệp, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá sâu rộng tiềm năng, thế mạnh, các điểm đến hấp dẫn của tỉnh. Đồng thời, tạo môi trường thuận lợi, cạnh tranh bình đẳng để thu hút nhà đầu tư chiến lược thực hiện các dự án có quy mô lớn, mang tính đột phá để phát triển 4 vùng du lịch của tỉnh. Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các hoạt động hợp tác, liên kết, xúc tiến, quảng bá du lịch với các địa phương, thị trường du lịch trọng điểm và kết nối với các nước đã thiết lập quan hệ với tỉnh Yên Bái để phát triển sản phẩm. Chú trọng xây dựng văn hóa, văn minh du lịch, khuyến khích mỗi người dân có trách nhiệm cùng chung tay xây dựng môi trường du lịch văn minh, thân thiện và bền vững.
Nghiêm túc nhận diện bức tranh du lịch hiện nay để thấy vị trí của mình đang ở đâu, ưu thế mình ở điểm nào và còn những vấn đề gì cần khắc phục sẽ góp phần tháo gỡ những “điểm nghẽn” còn tồn tại trong cách làm du lịch ở các địa phương nói riêng và tỉnh Yên Bái nói chung. Từ đó, có hướng đầu tư, phát triển mang tính chiến lược, bền vững. Với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, tin rằng du lịch Yên Bái trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều khởi sắc, tương xứng với tiềm năng, lợi thế nổi trội của tỉnh và là điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Phấn đấu năm 2025, Yên Bái đón trên 1.500.000 lượt khách, trong đó 400.000 lượt khách quốc tế, tăng trưởng bình quân đạt 14,6%/năm. Doanh thu từ du lịch năm 2025 đạt khoảng 1.500 tỉ đồng, tăng trưởng bình quân đạt 26%/năm, chiếm khoảng 7% tổng giá trị sản xuất khu vực dịch vụ. Tạo việc làm cho 12.500 lao động trong lĩnh vực du lịch.
THANH CHI