Đình làng hơn 150 tuổi ở vùng trung du xứ Quảng
VHO - Trải qua hơn 150 năm, đình làng Hội An tại thôn Hội An, xã Tiên Châu, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam vẫn còn lưu giữ kiến trúc, sắc thái văn hóa đặc trưng của cư dân Tiên Phước xưa. Đây là ngôi đình duy nhất còn lại ở vùng trung du bán sơn địa Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam.
Đình làng Hội An có niên đại hơn 150 tuổi
Theo những bậc cao niên trong làng, không gian đình làng ngày xưa gồm 5 kiến trúc gồm: Ngôi nhà tự (đình chính), nhà kho, nhà hội, nhà thủ hộ, về sau dân làng còn xây thêm ngôi nhà thờ Bà Tư- là người có công hiến đất, góp tiền với làng để xây đình và tổ chức cúng tế. Phía trước đình chính có bức bình phong xây bằng đá núi, vữa vôi, có đắp nổi chữ “Phước” bằng những mảnh sành sứ.
Khuôn viên đình làng được bao bọc tường kiên cố bằng vật liệu đá, vữa vôi đường, cổng đi vào từ hướng Đông. Hai bên cổng đắp hai câu đối: “Bá niên tố trứ thanh danh địa/ Tứ diện hoành khai đạo nghĩa môn” (tạm dịch là: Thanh danh của vùng đất được tạo dựng từ hàng trăm năm/Cửa đạo đức nghĩa nhân theo đó cũng được lan truyền bốn phương. Phía trên trụ biểu đình có chữ “Tiên Hội Môn”.
Do biến thiên của lịch sử và chiến tranh, hiện nay, đình làng chỉ còn lại ở chính diện là ngôi nhà tự Hiền và kế bên trái là nhà kho - nơi cất giữ vật dụng, tài sản của làng phục vụ cho việc cúng tế.
Ngôi nhà chính trong không gian đình làng
Đình làng Hội An được xây dựng vào khoảng năm 1870, Phó bảng Nguyễn Đình Tựu (1828 - 1888), Đốc học Quảng Nam, Tế tửu Quốc tử giám là người khởi xướng, vận động và đóng góp rất lớn trong việc xây dựng đình làng Hội An, để tri ân và thờ cúng các bậc tiền nhân đã khai phá lập làng.
Việc xây dựng đình làng lúc bấy giờ do ông Nguyễn Đình Dương, là Chánh tổng Tổng Tiên Quý, huyện Hà Đông cùng các vị thân hào triển khai thực hiện. Việc đóng góp xây dựng đình được triển khai trong toàn dân, tùy theo gia cảnh. Phần mộc do thợ mộc Văn Hà (nay thuộc xã Tam Thành, huyện Phú Ninh) đảm nhiệm, ngoài ra còn sử dụng những người thợ giỏi trong làng cũng tham gia vào việc xây dựng. Cảnh quê hữu tình của làng Tiên Châu
Tùy thuộc vào điều kiện của làng, hàng năm hoặc vài ba năm, người dân tổ chức lễ Kỳ yên và rước sắc. Lễ tế có thể kéo dài trong khoảng 1,5 ngày đến 3 ngày để cúng thành hoàng làng, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, đất nước an bình, làng xóm yên vui. Ngày Kỳ yên cũng là ngày tế Tiền Hiền - Hậu Hiền.
Cảnh sắc hữu tình nơi làng quê Tiên Châu. Ảnh: Tư liệu
Theo nhà nghiên cứu Tôn Thất Hướng, nghi thức rước sắc phong thành hoàng được tổ chức từ sau năm Duy Tân thứ 3 (1909), thành hoàng làng Hội An được phong sắc với mỹ hiệu là Bảo an chánh trực hựu thiên đôn ngưng Bổn cảnh thành hoàng chi thần. Lễ rước sắc có quy mô rất lớn, có kiệu long đình rất uy nghi. Sắc thần được để tại đình trong suốt thời gian lễ và đến chiều ngày cuối cùng thì tổ chức lễ hồi sắc, đưa sắc thần về lại nhà Thủ sắc.
Sau các phần nghi thức lễ cúng tế là phần hội. Đây là phần sôi động tươi vui nhất trong kỳ lễ, các trai thanh gái tú gặp gỡ và không ít đôi đã kết nghĩa nhân duyên. Lễ hội là dịp trưng bày tài nghệ, sự khéo léo của dân làng như phụ nữ thi tài làm bánh, thổi xôi (qua lễ vật dâng cúng), các nghệ nhân giới thiệu tài chưng kết bằng hoa quả, cây lá, giới thiệu bộ đỉnh đồng, lọ cắm hoa...
Thác Ồ Ồ ở Tiên Châu, Tiên Phước. Ảnh: TL
Ông Nguyễn Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Tiên Châu cho biết: Năm nay, lễ hội Kỳ yên tại đình làng Hội An sẽ diễn ra từ ngày 16-18.4 (nhằm ngày mùng 8 đến mùng 10.3 âm lịch) nhằm khôi phục, bảo tồn và phát huy giá trị di tích đình làng Hội An cùng với nhiều nét văn hóa, lịch sử của xã Tiên Châu nói riêng và vùng trung du Tiên Phước nói chung, hướng đến xây dựng sản phẩm du lịch tại địa phương.
Ngoài phần nghi lễ với các phần lễ khai hội, lễ rước sắc, lễ chánh tế Kỳ yên…, người dân và du khách được tham gia và trải nghiệm, thưởng thức nhiều hoạt động phong phú như Đêm hội hô hát bài chòi, trưng bày sản phẩm nhà nông, thi trình diễn làm bánh truyền thống, chế biến mì Quảng, không gian phục vụ ẩm thực đặc trưng của địa phương,…
Ngày 21.7.2014 UBND tỉnh Quảng Nam đã có Quyết định số 2276/QĐ-UBND xếp hạng đình làng Hội An là di tích văn hóa lịch sử cấp tỉnh. Chính quyền địa phương đã có những việc làm thiết thực như khoanh vùng bảo vệ, huy động các nguồn lực tiến hành trùng tu cấp thiết đối với di tích đình làng Hội An. Những lễ thức tín ngưỡng dân gian của cộng đồng làng xã được phục hồi đã tạo nên một không khí sống động về giá trị văn hóa phi vật thể vốn có của đình làng Hội An xưa.
THU HOÀI