Cả nước đón 3 triệu lượt khách, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2023
VHO - Theo thông tin từ Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, trong 4 ngày nghỉ lễ (từ 31.8-3.9.2024), ước tính ngành Du lịch cả nước đã phục vụ khoảng 3 triệu lượt khách du lịch, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2023.
Khách quốc tế tăng ở các địa phương trọng điểm du lịch
Công suất phòng trung bình tại các cơ sở lưu trú du lịch đạt 56% (tăng 1,85% so với kỳ nghỉ lễ năm 2023), riêng 2 ngày 1 và 2.9 công suất đạt trên 60%.
Kỳ nghỉ lễ 2.9 kéo dài trong 4 ngày được coi là cao điểm cuối cùng trong mùa du lịch hè 2024, các địa phương, khu điểm du lịch, doanh nghiệp, cơ sở lưu trú du lịch đã có sự đầu tư, chuẩn bị kĩ càng về điều kiện cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dịch vụ.
Các doanh nghiệp du lịch, địa phương cũng chuẩn bị phong cách phục vụ, bố trí đủ nhân lực để phục vụ du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi và mua sắm.
Tại hầu hết các điểm đến, giá các dịch vụ du lịch không tăng nhiều so với ngày thường. Nhiều cơ sở lưu trú không phụ thu dịp lễ giúp du khách được hưởng chất lượng dịch vụ tốt với giá cả ổn định.
Tính đến thời điểm hiện tại chưa ghi nhận sự cố, vấn đề nghiêm trọng xảy ra ảnh hưởng đến hoạt động du lịch trên cả nước. Hiện tượng tăng giá, ép giá hay chặt chém, lừa đảo du khách cơ bản không diễn ra.
Kỳ nghỉ Lễ Quốc khánh năm nay, khách du lịch có xu hướng chủ động đặt dịch vụ sớm. Đối tượng khách tập trung vào nhóm gia đình, bạn bè; nhu cầu đi du lịch trong ngày, sử dụng các dịch vụ lẻ chiếm ưu thế. Nhiều du khách có xu hướng chọn đi xe cá nhân để tiện cho việc di chuyển thay vì mua tour trọn gói.
Ghi nhận từ các địa phương trọng điểm về du lịch cho thấy, số khách du lịch quốc tế cơ bản tăng. Đây là tín hiệu khả quan cho mùa du lịch inbound từ tháng 10 tới.
Trong đó, Đà Nẵng ước đón 91.000 lượt khách quốc tế, tăng 15,3%; Hà Nội ước đón hơn 58.900 lượt, tăng 35,8%; Khánh Hòa tiếp nhận 254 lượt chuyến bay quốc tế với trên 48.000 lượt khách; TP.HCM ước đón 38.800 lượt khách, tăng 3,2% so với cùng kỳ; Bà Rịa - Vũng Tàu ước đón 25.560 lượt khách; Thừa Thiên Huế ước đón 16.000 lượt khách lưu trú, tăng 54,3%; Kiên Giang ước đón 15.570 lượt khách (tăng 271,4%); Lào Cai ước đón hơn 13.470 lượt, tăng 46,4%…
Khách quốc tế chủ yếu đến từ các thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan (TQ), Ấn Độ, châu Âu, Mỹ với thời gian lưu trú khoảng 4-5 đêm.
Trong kỳ nghỉ lễ 2.9 năm nay, du lịch outbound (đưa người Việt Nam du lịch nước ngoài) chia sẻ bớt lại thị phần khách nội địa với lượng tour khởi hành lớn và điểm đến đa dạng.
Tại một số đơn vị lữ hành lớn đã ghi nhận số lượng tour đặt đi nước ngoài cao hơn so với tour nội địa. Các điểm đến thu hút đông khách du lịch Việt Nam gồm: Bangkok (Thái Lan), Bali (Indonesia), Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc)…. Đáng lưu ý, điểm đến Campuchia và Lào được du khách Việt quan tâm nhiều do thời gian tour phù hợp và giá không quá cao.
Tour đi Trung Quốc bằng đường bộ và đường không tới các điểm đến Phượng Hoàng cổ trấn, Côn Minh, Đại Lý, Lệ Giang, Bắc Kinh, Thượng Hải… thu hút đông khách Việt bởi sự đa dạng tuyến điểm, mức giá phù hợp với mọi đối tượng khách, các cửa khẩu đường bộ được mở rộng và áp dụng công nghệ thông quan nhanh chóng, số lượng các chuyến bay charter gia tăng…
Hoạt động du lịch sôi động khắp cả nước
Lễ Quốc khánh năm nay được nghỉ 4 ngày, thời tiết đẹp, người dân chủ động sắp xếp cho chuyến đi của gia đình.
Để phục vụ chu đáo, đáp ứng tối đa nhu cầu tham quan, vui chơi nghỉ dưỡng của khách du lịch, các địa phương đã phối hợp cùng cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn chủ động làm mới, xây dựng sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn, đồng thời tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, lễ hội, nghệ thuật… nhằm thu hút và tăng chi tiêu, thời gian lưu trú của du khách.
Hà Nội tinh tế với chương trình "Áo dài kết nối Du lịch với Di sản Hà Nội" năm 2024, Triển lãm "Nghiên bút còn thơm" (Hà Nội). Quảng Ninh tổ chức Lễ hội khinh khí cầu “Thành phố Di sản - Sắc màu Hạ Long”.
Chương trình “Hue Jogging - cùng chạy vì cộng đồng” (Thừa Thiên Huế); Giải Golf phát triển châu Á - BRG Open Golf Championship Danang 2024, biểu diễn nghệ thuật bên bờ sông Hàn (Đà Nẵng)… khiến miền Trung sôi động những ngày đầu thu.
Các địa phương khác cũng tổ chức hàng loạt chương trình nhằm thu hút và phục vụ khách du lịch: Bình Định tổ chức chương trình “Du lịch, điện ảnh và thể thao - Tự hào bản sắc Việt”, Ngày hội Du lịch thị xã Hoài Nhơn “La Vuông - Cao nguyên xanh vẫy gọi”; Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức “Tuborg Open your music” và “Tiger Crystal Rave 3.0 - Đại tiệc băng bất tận”…
Ở phía Bắc diễn ra Festival dù lượn "Bay trên miền danh thắng" (Yên Bái); Lễ hội mùa Thu "Sa Pa mùa vàng” (Lào Cai); Lễ hội Mừng cơm mới, Lễ hội Nhảy lửa (Lai Châu); “Phiên chợ Tiếng khèn gọi bạn 2024”, Tuần văn hóa, du lịch năm 2024 “Mộc Châu- Tiếng gọi mùa yêu” (Sơn La)…
Các chương trình khuyến mại, gói dịch vụ đi kèm cũng kích thích nhu cầu mua sắm, tham quan, chi tiêu của du khách. Trong đó, Danang Downtown miễn phí vé show “Awaken River” và show “Rối Việt” cho người dân Đà Nẵng, Quảng Nam, Huế; ưu đãi giảm 60% giá vé show “Symphony of River”; tặng voucher trị giá 200.000 đồng khi mua vé xem show “Symphony of River” cho hành khách bay Vietnam Airlines hoặc đi tàu hỏa đến Đà Nẵng.
Thừa Thiên Huế miễn vé tham quan các di tích cho du khách Việt Nam và nhân dân trong tỉnh. Hà Nội phát 28.000 phần quà cho du khách đến thăm Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam giảm 5% giá vé lượt về cho cá nhân và giảm 7% giá vé lượt về cho đoàn từ 20 người trở lên khi mua vé tàu khứ hồi…
Bên cạnh việc thực hiện đầy đủ, nghiêm chỉnh các yêu cầu về bảo đảm trật tự, an ninh, các khu, điểm du lịch đã tiến hành chỉnh trang cảnh quan, trang trí các chủ đề gắn với Tết Độc lập của dân tộc nhằm thu hút du khách.
Tại Than Uyên (Lai Châu), chương trình chào mừng Tết Độc lập năm 2024 với chủ đề “Lung linh sắc màu Than Uyên” với vòng xòe hơn 3.000 người thể hiện sự đoàn kết của các dân tộc trên địa bàn.
Ở huyện Mù Căng Chải (Yên Bái), chương trình nghệ thuật chào mừng Tết Độc lập với chủ đề "Dáng hình đất nước” và Lễ hội Sơn tra lần đầu tiên tổ chức cũng đã lan tỏa nét đẹp bản sắc về truyền thống lịch sử, văn hóa, mảnh đất, con người vùng cao Mù Cang Chải đến bạn bè du khách trong và ngoài nước.
Núi Bà Đen (Tây Ninh) những ngày vừa qua cũng sôi nổi với các hoạt động du lịch như: săn mũ mây trắng "khổng lồ", thưởng thức màn múa trống Chhay dăm và biểu diễn nhạc ngũ âm. Đặc biệt là lễ chào cờ mừng Quốc khánh được tổ chức trên đỉnh núi Bà Đen mang đậm tinh thần tự hào dân tộc…
Công tác đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch được nhiều địa phương quan tâm triển khai. Sở Du lịch Đà Nẵng phối hợp với các đơn vị liên quan bố trí 100% lực lượng trực cứu hộ, tuần tra đảm bảo công tác an ninh trật tự, triển khai rà soát, bổ sung, lắp đặt các bảng biểu khuyến cáo, bảng thông báo giờ trực cứu hộ, bảng cấm tắm tại các khu vực vùng nước chảy nguy hiểm, tại các khu vực dự án, các lối lên xuống biển.
Thành phố Vũng Tàu cũng tập trung lực lượng chốt trực, tuần tra kiểm soát an ninh, vệ sinh môi trường, kiểm soát giá cả dịch vụ, không để xảy tình trạng cạnh tranh không lành mạnh ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch.
Tỉnh Lào Cai thực hiện đợt kiểm tra hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh trước kỳ nghỉ lễ. Bình Thuận tổ chức làm sạch vệ sinh môi trường, cảnh quan hai bên các tuyến đường dẫn đến các khu, điểm tham quan du lịch và các tuyến đường trung tâm…
Thời tiết cơ bản thuận lợi ở cả 3 miền nên ngoài các trung tâm du lịch như: Hà Nội, TP.HCM, nhiều điểm đến khác như: Đà Lạt, Măng Đen, Nha Trang, Sapa, Hạ Long, Thanh Hóa, Huế, Phan Thiết, Vũng Tàu... thu hút đông khách du lịch trong dịp nghỉ lễ.
Dịp này, đã có nhiều sản phẩm du lịch mới được đưa vào phục vụ du khách như: Dịch vụ trải nghiệm du ngoạn sông Hàn, trải nghiệm dù lượn ngắm Đà Nẵng từ trên cao, tour xích lô du lịch khám phá vẻ đẹp về đêm của Đà Nẵng; TP.HCM mở thêm tuyến tham quan bằng xe buýt 2 tầng và khai trương Phố thương mại - ẩm thực Sky Garden; Khu du lịch Bò Cạp Vàng (Đồng Nai) ra mắt thêm hạng mục thác nước nhân tạo Bliss (Bliss Waterfall); Đà Lạt ra mắt bản đồ du lịch nghệ thuật (Dalat Art Map).…
Lượng khách và tổng thu từ du lịch đều tăng so với năm trước
Nhìn chung, các chỉ tiêu phục vụ khách và tổng thu từ khách du lịch tại các tỉnh, thành phố đều tăng khá so với cùng kỳ năm trước. Một số địa phương ghi nhận số lượng tăng cao như: Bình Thuận tăng gấp hơn 3 lần tổng lượng khách.
TP.HCM ước đón và phục vụ 980.000 lượt khách, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng thu du lịch ước đạt 2.940 tỉ đồng, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2023. Công suất phòng trung bình ước đạt khoảng 85%.
Hà Nội ước đón và phục vụ đạt 672.900 lượt khách, tăng 5% so với cùng kỳ 2023; Tổng thu du lịch ước đạt hơn 2.180 tỉ đồng, tăng 8,3%. Công suất phòng trung bình ước đạt 61,2%, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2023.
Hải Phòng ước đón và phục vụ 580.000 lượt khách. Công suất phòng trung bình ước đạt 75- 80%.
Khánh Hoà ước đón và phục vụ 578.219 lượt khách, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng thu từ du lịch ước đạt 756,3 tỉ đồng, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2023). Công suất phòng trung bình đạt 68,69%.
Bà Rịa - Vũng Tàu ước đón và phục vụ 555.984 lượt khách, tăng 4,0% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó khách lưu trú ước đạt 122.864 lượt, tăng 7,46%. Tổng thu du lịch đạt khoảng 333,615 tỉ đồng, tăng 11,76%. Công suất phòng trung bình đạt khoảng 80 - 85%.
Quảng Ninh ước đón và phục vụ 455.000 lượt khách, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng thu du lịch ước đạt 1.033 tỉ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2023. Công suất phòng từ ngày 31.8 - 2.9 tại khối cơ sở lưu trú du lịch 4 - 5 sao và tương đương đạt khoảng 80- 90%, các cơ sở lưu trú khác đạt khoảng 45-55%.
Thanh Hoá ước đón và phục vụ 395.700 lượt khách, tăng 20,4% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó khách lưu trú đạt 140.500 lượt khách (chiếm 35,5% tổng lượng khách). Tổng thu du lịch đạt 870,5 tỉ đồng, tăng 31,3% so với cùng kỳ năm 2023. Công suất phòng trung bình đạt khoảng 35%-37%.
Bình Thuận ước đón và phục vụ 385.000 lượt khách, tăng gấp 3,3 lần so với 2023. Tổng thu du lịch ước đạt khoảng 510 tỉ đồng. Công suất phòng trung bình ước đạt từ 80 - 95%.
Nghệ An ước đón và phục vụ 320.000 lượt khách, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó khách lưu trú đạt 110.000 lượt khách (tăng 22%). Tổng thu du lịch đạt trên 635 tỉ đồng, tăng 27%. Công suất phòng trung bình đạt khoảng 50%.
Đà Nẵng ước đón và phục vụ 308.000 lượt khách, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng thu du lịch đạt hơn 1.200 tỉ đồng, tăng 33,8% so với cùng kỳ năm 2023. Công suất phòng trung bình đạt 50-55% (khối 4-5 sao đạt 55%-65%).
Lào Cai ước đón và phục vụ 196.500 lượt khách. Tổng thu du lịch đạt khoảng 606 tỉ đồng.
Kiên Giang ước đón và phục vụ 159.176 lượt khách, tăng 25,6% so với cùng kỳ. Tổng thu du lịch ước đạt trên 347,1 tỉ đồng, tăng 26,9%. Công suất phòng trung bình ước đạt 35%.
Lâm Đồng ước đón và phục vụ 132.000 lượt khách, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2023. Công suất phòng trung bình ước đạt từ 55 - 60%
Thừa Thiên Huế ước đón và phục vụ 130.000 lượt khách, tăng 32,7% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng thu du lịch ước đạt 132 tỉ đồng. Công suất phòng trung bình đạt khoảng 64%.
Tổng thu du lịch không tăng tương ứng với lượng khách
Để thu hút khách, hệ thống cơ sở lưu trú du lịch cao cấp ở các điểm du lịch nổi tiếng như: Hạ Long, Đà Nẵng, Bình Thuận đã đưa ra nhiều hình thức khuyến mại, không phụ thu dịp lễ. Tuy nhiên, tại một số khách sạn vẫn ghi nhận công suất sử dụng phòng không có sự đột biến lớn so với các kì nghỉ trước: Kiên Giang ước đạt 35%, Thanh Hóa ước đạt 37%, Đà Nẵng ước đạt 55%, Thừa Thiên Huế ước đạt 64%...
Đối với vận chuyển hàng không, tổng số chuyến bay cung ứng trong dịp nghỉ lễ ước đạt hơn 4.250 chuyến bay, bình quân 840 chuyến/ngày, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, số chuyến bay nội địa bình quân là 600 chuyến/ngày, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Số chuyến bay quốc tế bình quân là 241 chuyến/ngày, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2023. Giá vé máy bay nội địa có sự tăng cao vào ngày đầu đối với chiều đi và ngày cuối của chiều về trong kỳ nghỉ lễ.
Cảng hàng không Tân Sơn Nhất ước tính phục vụ trên 600.000 lượt hành khách. Tại cảng Hàng không Đà Nẵng, tổng số chuyến bay nội địa và quốc tế đến trong 4 ngày nghỉ lễ ước đạt 484 chuyến (trung bình 120 chuyến/ngày).
Cảng hàng không Cam Ranh ước vận chuyển khoảng 450 chuyến bay đi và đến với khoảng trên 76.000 lượt hành khách. Cảng hàng không quốc tế Phú Bài có khoảng 330 chuyến bay đi và đến với khoảng 59.400 lượt khách. …
Ước tính trong dịp Lễ Quốc khánh, ngành Đường sắt đã phục vụ khoảng 130.000 lượt hành khách đi tàu, tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2023. Trong ngày cao điểm nhất (30.8) đã có 10 chuyến tàu trên tuyến Bắc – Nam: 5 chuyến Hà Nội - Sài Gòn, 1 chuyến Hà Nội - Đà Nẵng, 2 chuyến Hà Nội - Đồng Hới, 2 chuyến Hà Nội - Vinh.
Ngoài ra, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam tăng cường thêm các đoàn tàu từ Hà Nội đi Lào Cai, Hải Phòng và dự trù sẵn sàng chạy thêm các đoàn tàu giữa TP.HCM và Hà Nội, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Nha Trang, Phan Thiết.
Lượng khách đến Đà Nẵng bằng đường sắt đạt khoảng 10.700 lượt, tăng 42,43% so với cùng kỳ năm 2023. Riêng tuyến tàu du lịch Kết nối di sản miền Trung Huế - Đà Nẵng có khoảng 3.500 khách đăng ký đi trong dịp lễ.
Thực tế cho thấy, công suất phòng trung bình tại một số trọng điểm du lịch không tăng tương ứng với lượng khách đến. Nguyên nhân là do khách lựa chọn đi gần và đi tự túc, khách nội tỉnh chiếm phần lớn nên không lưu trú qua đêm.
Giá vé máy bay cao khiến giá tour nội địa cao, dẫn đến một bộ phận khách chọn đi du lịch nước ngoài; kỳ nghỉ lễ sát với ngày tựu trường, khách nội địa vừa trải qua kỳ du lịch hè nên nhiều khách lựa chọn sum họp gia đình trong dịp nghỉ lễ.
Tổng thu du lịch không tăng tương ứng với lượng khách do xu hướng thắt chặt chi tiêu, sức mua thấp, cắt giảm chi phí phương tiện công cộng…
Vẫn còn tình trạng ùn, tắc cục bộ tại các điểm đến du lịch Sa Pa, Tam Đảo, nội đô thành phố Nha Trang, trên các tuyến đường ra vào các thành phố lớn. Tình trạng chậm chuyến bay trong ngày đầu và ngày cuối kỳ nghỉ lễ vẫn diễn ra.
Tuy đã chủ động xây dựng và làm mới sản phẩm nhưng việc tổ chức các loại hình, sản phẩm du lịch một số nơi chưa phong phú, các điểm vui chơi giải trí chưa có nhiều dịch vụ đắc sắc, hấp dẫn du khách.