Bảo tàng Đà Nẵng cơ sở mới: Tạo không gian hấp dẫn để hút du khách
VHO- Bảo tàng Đà Nẵng cho biết, đơn vị đã xây dựng Dự thảo đề cương trưng bày Bảo tàng Đà Nẵng tại cơ sở 42-44 Bạch Đằng (Đà Nẵng), không gian mới được xây dựng trên cơ sở thừa kế nội dung các chủ đề trưng bày hiện có tại cơ sở 24 Trần Phú, đồng thời bổ sung một số chủ đề mới nhằm đưa Bảo tàng Đà Nẵng trở thành một bảo tàng hiện đại, điểm du lịch văn hóa, giải trí hấp dẫn khi du khách tới Đà Nẵng.
Theo ông Huỳnh Đình Quốc Thiện - Giám đốc bảo tàng Đà Nẵng: Văn hóa được xem là nền tảng cơ bản trong tổng quan trưng bày, dự kiến tại không gian tầng 2 và tầng 3 của Bảo tàng sẽ giới thiệu đến du khách những nét đặc trưng tiêu biểu nhất của văn hóa cộng đồng các dân tộc đang sinh sống tại Đà Nẵng và Quảng Nam như các dân tộc người Kinh, Cơ Tu, Xơ Đăng, Giẻ Chiêng, Cor và cộng đồng người Hoa tại Đà Nẵng. Văn hóa được xác định là một chủ đề quan trọng và hấp dẫn của bảo tàng với nguồn tư liệu và sưu tập, hiện vật phong phú có giá trị. Thông qua bộ sưu tập sẽ dẫn người xem về lại không gian đám cưới truyền thống, âm nhạc, trang phục truyền thống, sinh hoạt văn hóa cộng đồng, văn hóa biển, văn hóa nông nghiệp làng nghề và nghệ thuật trình diễn truyền thống, cùng nền ẩm thực mặn mòi, độc đáo, đậm đà đời sống của người dân miền biển. Ngoài ra, với chức năng trưng bày, sưu tập cổ vật, trong diện tích 240m2 sẽ giới thiệu rất nhiều cổ vật có giá trị nổi bật hiện Bảo tàng Đà Nẵng đang bảo vệ, giữ gìn như: Sưu tập gốm sứ Chu Đậu (thế kỷ XV – XVI), gốm, sứ thời Nguyễn, gốm cổ các tỉnh Trung bộ, sưu tập bình vôi của người Việt, sưu tập đèn cổ, bộ sưu tập của nhà sưu tầm Trần Thắng.
Bảo tàng mới sẽ có không gian mở lý tưởng để du khách vừa chiêm ngưỡng, nghỉ ngơi, vừa hòa mình với thiên nhiên (ảnh: Hoạt động văn hóa sôi nổi ngoài trời trong khuôn viên Bảo tàng Đà Nẵng)
Bảo tàng Đà Nẵng là nơi trưng bày, lưu giữ và bảo quản trên 27.000 tại liệu, hiện vật thuộc các bộ sưu tập. Nhằm đầu tư phát triển thiết chế văn hóa tầm cỡ, mang dấu ấn quan trọng để phục vụ nhu cầu tham quan của người dân cũng như khách du lịch, tháng 5.2020, UBND TP Đà Nẵng đã ban hành quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp cơ sở 42 Bạch Đằng thành Bảo tàng Đà Nẵng (mới), sau khi cải tạo xong sẽ đưa Bảo tàng Đà Nẵng (hiện tại đang ở số 24 Trần Phú) về cơ sở mới. Kế hoạch đưa Bảo tàng Đà Nẵng đến cơ sở mới nhận được sự đồng thuận và phấn khởi của ngành văn hóa Đà Nẵng bởi Bảo tàng Đà Nẵng là nơi lưu giữ, bảo vệ nhiều hiện vật cổ vô cùng quan trọng.
Theo dự thảo, nội dung trưng bày Bảo tàng Đà Nẵng tại cơ sở mới gồm 6 khu vực, bao gồm: Khu vực trưng bày thường xuyên; khu vực trưng bày chuyên đề; khu vực trưng bày kho mở; khu vực trưng bày định kỳ; khu vực nghiên cứu phát triển; khu vực trưng bày ngoài trời. Nhằm tạo cảm giác thân thiện, tiện ích cho du khách ngay khi đặt chân vào bảo tàng, không gian khánh tiết ở Khu vực trưng bày thường xuyên của bảo tàng có chỗ để hành lý, nơi nghỉ chân, quầy tra cứu thông tin và các thông tin tổng quan, sơ đồ về chuyến tham quan trong bảo tàng, bản đồ hành chính Đà Nẵng. Nội dung cốt lõi của không gian tổng quan mà bảo tàng muốn giới thiệu đến du khách tham quan là tiến trình lịch sử của Đà Nẵng từ quá khứ đến hiện tại, hình ảnh tiêu biểu, phim tài liệu, kết hợp công nghệ trình chiếu hiện đại tăng trải nghiệm sinh động cho du khách qua những hình ảnh tĩnh và động trong không gian bắt đầu. Phần thiên nhiên và con người Đà Nẵng có diện tích 158m2 được bố trí ở tầng 3 của bảo tàng có chức năng trưng bày đồng thời diễn ra hoạt động trải nghiệm với nội dung cốt lõi là thiên nhiên và con người miền Trung.
Mở đầu không gian trưng bày sẽ tái hiện bộ xương Cá Ông dưới nghệ thuật hình ảnh động tạo cảm giác chân thực khiến cho du khách như đang đắm chìm dưới cảnh đẹp của hệ sinh thái dưới lòng đại dương, đặc biệt qua đó truyền tải thông điệp về vấn đề bảo vệ môi trường biển, môi trường tự nhiên trước những thách thức to lớn hiện tại. Khu vực trưng bày chuyên đề bao gồm 4 phần: Chứng tích chiến tranh; Văn hóa; Lịch sử Tòa thị chính; Sưu tập cổ vật. Theo đó, không gian 120 m2 kề về những câu chuyện chiến tranh dưới góc độ nhân văn sâu sắc, đi vào khai thác tâm tư tình cảm của dân tộc trong việc khát khao giành độc lập, tiến tới cuộc sống hòa bình, ấm no, hạnh phúc.
Nhằm giúp công chúng tiếp cận gần hơn với chuyên môn, chức năng của đơn vị, nhất là công tác kho, bảo quản hiện vật, tại kho mở sẽ giới thiệu đến du khách nhiều hiện vật truyền thống liên quan đến suốt quá trình sưu tập, đấu tranh giữ gìn, nhằm tạo sợi dây nối dài xuyên suốt gắn kết công chúng - không chỉ với hiện vật, chứng tích, mà còn để công chúng thấu hiểu đối với những người làm công tác bảo tồn, lưu truyền hiện vật trong dân gian. Ngược lại, phần trưng bày định kỳ với các hoạt động trưng bày ngắn hạn sẽ liên tục tạo không gian mới mẻ, hấp dẫn, tăng giá trị trải nghiệm cho khách tham quan, trong đó các chủ thể linh hoạt chuyển đổi chuyên đề để phục vụ các sự kiện, lễ kỷ niệm quan trọng trong ngành văn hóa. Kết hợp với nội dung bên trong, phần trưng bày ngoài trời có mục đích mang tính hình thức quan trọng trong việc tạo sự ấn tượng, hài hòa bắt mắt, là không gian mở lý tưởng để du khách vừa hòa mình với thiên nhiên vừa có thể chiêm ngưỡng, tìm hiểu giá trị lịch sử hiện vật, vừa lưu giữ khoảnh khắc đẹp đẽ tại đây.
NGỌC HÀ