Yêu Hà Nội từ những di sản xưa cũ

VHO- “Những ô cửa sổ bé, những cánh cửa sơn vội, những ban công chất đủ thứ, những lồng sắt đan kín, những bức tường nham nhở, những căn phòng xấu xí, những cầu thang hẹp và tối, những khoảng sân chật chội... giờ đây lại hiện ra trong một ánh sáng khác. Và như thể lần đầu, chúng ta ngỡ ngàng nhận ra ô cửa sổ, ban công, cánh cửa, lồng sắt, bức tường, căn phòng, cầu thang, quán nước... đẹp đến nao lòng”.

Yêu Hà Nội từ những di sản xưa cũ - Anh 1

Tập thể Quỳnh Mai trong tác phẩm của Nguyễn Duy Phúc

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã chia sẻ như vậy nhân dịp cuốn sách Tập thể cũ Hà Nội – Ký họa và hồi ức của nhóm Ký họa đô thị Hà Nội vừa ra mắt bạn đọc cuối tuần qua.

Trong cuốn sách dày 300 trang, khu tập thể cũ từng là bước ngoặt trong lịch sử phát triển nhà ở của Thủ đô sau chiến tranh, là nơi cất giữ rất nhiều kỷ niệm của biết bao thế hệ người Hà Nội, hiện lên thân thương qua 200 bức tranh của nhóm Ký họa đô thị Hà Nội, và 30 bài viết về kỷ niệm của những người từng sống trong các khu tập thể cũ.

Với những đứa con Hà Nội thế hệ 6x, 7x, 8x, khu tập thể là một chuỗi ký ức tuổi thơ sống động và ngập tràn kỷ niệm. Xúc động và nhớ thương là tâm trạng chung của những người từng sống trong khu tập thể khi nghĩ về không gian này, với những kỷ niệm, buồn vui của một thời gian khó. PGS.TS Phạm Thúy Loan, Viện phó Viện Kiến trúc Quốc gia chia sẻ: “Ở nơi ấy, chúng tôi có cuộc sống rất giản dị, êm đềm với hàng xóm láng giềng cùng chúng bạn sống trong khu tập thể. Mặc cho cuộc sống của mỗi gia đình lúc bấy giờ có nhiều khó khăn, chật vật cùng sự thiếu thốn chung của cả nước nhưng bọn trẻ chúng tôi vẫn thật vô tư, hạnh phúc trong khu ở của mình. Những cầu thang bộ lấp lánh khe sáng xuyên qua từ những bức tường hoa bê tông, những dãy hành lang chung bề bộn, những khoảng sân rợp bóng cây giữa hai khối nhà, những ghế đá, những góc đường.. cùng với những căn hộ bé xíu mà thật ấm áp của mỗi gia đình. Tất cả đều là những không gian quá đỗi thân thương với những người lớn lên trong các khu tập thể cũ”.

Yêu Hà Nội từ những di sản xưa cũ - Anh 2

 Nhà A1 Tập thể Thành Công – Ký họa của Trần Thị Thanh Thủy Ảnh: BTC

Là một không gian sống, một dạng “mô hình sống” thành cộng đồng của người dân Hà Nội những năm tiền đổi mới, đến nay, các khu tập thể đã gần như làm hết vai trò của mình. Qua thời gian, các khu tập thể dần xuống cấp, có nơi đã trở nên ọp ẹp và nguy hiểm, nhưng chúng vẫn tồn tại đầy sống động và trở thành một phần di sản không thể tách rời của Hà Nội. Tuy vậy, hiện nay những tòa nhà này đang dần được thay thế bởi công trình khác.

Từng sinh ra và lớn lên tại một khu tập thể cũ, anh Nguyễn Hoàng Lâm, đồng sáng lập nhóm Ký họa đô thị Hà Nội chia sẻ, “trước sự mất đi nhanh chóng của khu tập thể cũ, các thành viên trong nhóm muốn vẽ để lưu giữ lại Hà Nội một thời. Trong một năm qua, bằng sự đam mê và lòng nhiệt tình, các thành viên của nhóm đã dành những buổi chiều cuối tuần để vẽ ký họa các khu tập thể cũ trên khắp thành phố, từ khu Nguyễn Công Trứ, Trung Tự, Khương Thượng, Thành Công, Giảng Võ, Kim Liên đến khu Nam Đồng, Thanh Xuân Bắc, Quỳnh Mai, Bách Khoa, Ngọc Khánh…”.

Tới mỗi khu tập thể, các thành viên của nhóm lại chia nhau ra tìm các góc khác nhau để ký họa và trò chuyện với những cư dân ở đó. Nhiều người nói rằng, chuồng cọp cơi nới đua chen, các bức tường nham nhở, hay sự bộn bề lộn xộn ở các khu tập thể thì có gì đẹp mà vẽ? Nhưng hiện lên trên các tác phẩm ký họa lại là những góc phố, tòa nhà, cầu thang nhỏ... với đủ màu sắc, dáng vẻ. Theo anh Nguyễn Hoàng Lâm, điều này không có gì mâu thuẫn, bởi bằng tình yêu với di sản, các thành viên trong nhóm Ký họa đô thị Hà Nội đã nhìn thấy những nét đẹp ẩn khuất trong các khu tập thể xưa cũ và tái hiện nó trong tác phẩm của mình.

Dù số ký họa còn khá nhỏ so với con số khoảng 1.700 khu tập thể của Hà Nội, nhưng theo nhà văn Nguyễn Quang Thiều, người từng sống trong khu tập thể Trung Tự những năm 1980: “Cuốn sách là một ý tưởng độc đáo. Ý tưởng này đã biến những không gian xưa, thời gian xưa tưởng đã chìm vào quên lãng giờ trở lại sống động và ám ảnh lạ thường”. 

 Ở nơi ấy, chúng tôi có cuộc sống rất giản dị, êm đềm với hàng xóm láng giềng cùng chúng bạn sống trong khu tập thể. Mặc cho cuộc sống của mỗi gia đình lúc bấy giờ có nhiều khó khăn, chật vật cùng sự thiếu thốn chung của cả nước nhưng bọn trẻ chúng tôi vẫn thật vô tư, hạnh phúc trong khu ở của mình.

(PGS.TS PHẠM THÚY LOAN, Viện phó Viện Kiến trúc Quốc gia

 HIỂU MINH

Ý kiến bạn đọc