Về những hiện vật “con ốc và hoa sen” của bảo vật quốc gia tượng Bồ tát Tara: Sẽ chuyển giao cho Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng

VHO- Sau 45 năm được phát hiện, hai chi tiết rất quan trọng liên quan đến bảo vật quốc gia tượng Bồ tát Tara sẽ có cơ hội về lại trên đôi tay chủ nhân của mình, tạo điều kiện để tượng Bồ tát Tara được khôi phục nguyên gốc và phát huy giá trị của một bảo vật quốc gia.

Về những hiện vật “con ốc và hoa sen” của bảo vật quốc gia tượng Bồ tát Tara: Sẽ chuyển giao cho Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng - Anh 1

 Du khách chiêm ngưỡng tượng Bồ tát Tara trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng

UBND tỉnh Quảng Nam vừa có thông báo kết luận cuộc họp giao ban giữa Chủ tịch và các Phó chủ tịch UBND tỉnh này, trong đó đã thống nhất chủ trương chuyển giao 2 chi tiết con ốc và hoa sen liên quan bảo vật quốc gia tượng Bồ tát Tara từ Bảo tàng Quảng Nam về Bảo tàng Điêu khắc Chăm (TP Đà Nẵng) theo ý kiến trước đó của Cục Di sản văn hóa.

45 năm chờ ngày trở về hoàn chỉnh bảo vật

Năm 1978, người dân thôn Đồng Dương, xã Bình Định, nay là xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình (Quảng Nam) trong lúc đào đất sản xuất đã phát hiện pho Tượng Bồ tát Tara gần khu đền thờ chính của di tích Phật viện Đồng Dương. Ngay sau đó tượng này được thu hồi, đưa về Ty Văn hóa Thông tin Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ). Pho tượng gốc hiện đang bảo quản tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm, TP Đà Nẵng với hiện trạng không có 2 chi tiết con ốc và hoa sen trên bàn tay của tượng, và trưng bày pho tượng phục chế phục vụ du khách tham quan, tìm hiểu.

Sau thời điểm phát hiện tượng Bồ tát Tara, cũng trong năm 1978, người dân thôn Đồng Dương đã phát hiện thêm chi tiết hiện vật con ốc và hoa sen ở tượng do bị đứt gãy trong quá trình khai quật và bàn giao cho UBND xã Bình Định Bắc cất giữ, bảo quản trong quãng thời gian hơn 40 năm. Ngày 1.10.2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1426/QĐ-TTg công nhận tượng Bồ tát Tara là bảo vật quốc gia. Hoa sen được xác định là vật cầm ở bàn tay phải, con ốc cầm ở bàn tay trái (pháp khí) là hai chi tiết quan trọng của tượng. Theo các chuyên gia, hiện vật hoa sen nở gồm 5 cánh đều đặn ôm gọn sát một bát sen tròn bên trong, tượng trưng cho sự tinh khiết, trí tuệ, tình yêu thương, sự sinh sôi nảy nở. Hiện vật con ốc biển có chiều cao 7,2cm tượng trưng cho sự chủ trì mọi âm thanh, là vũ khí để thanh lọc, tập hợp, ban phát niềm hy vọng cho mọi loài vật trên thế gian. Các hiện vật trên tay tượng mang ý nghĩa đặc trưng tôn giáo của vương quốc Chăm-pa thời kỳ Indarvarman II, là sự tồn tại song song nhưng giao hòa lẫn nhau của Phật giáo và Ấn giáo.

Liên quan đến câu chuyện vì sao dù đã được công nhận là bảo vật quốc gia nhưng pho tượng Bồ tát Tara tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng vẫn chưa được ghép nối hoàn chỉnh với 2 phần hiện vật hoa sen và con ốc trên 2 tay của tượng này, từ năm 2019 đến nay, Báo Văn Hóa đã có bài viết phản ánh về vấn đề này. Ngày 20.3.2019, UBND TP Đà Nẵng có Công văn số 1698 có nêu, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng đang quản lý và trưng bày, giới thiệu nhiều hiện vật có giá trị của nền văn minh Chămpa được sưu tầm khoảng 100 năm nay tại các địa phương miền Trung. Trong đó có tượng Bồ tát Tara, tuy nhiên pho tượng này hiện đang thiếu 2 chi tiết nói trên. TP Đà Nẵng đề nghị tỉnh Quảng Nam tạo điều kiện cho Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng được tiếp nhận lại 2 chi tiết của pho tượng nhằm giúp pho tượng được khôi phục nguyên gốc, bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị của bảo vật quốc gia cũng như phục vụ tốt nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu, tham quan cho nhân dân và du khách.

Về đề xuất của TP Đà Nẵng, vào thời điểm ấy, ông Tôn Thất Hướng, nguyên Trưởng phòng Quản lý Văn hóa, Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam cho biết, đơn vị cũng đã từng tham mưu UBND tỉnh quyết định tặng cho các địa phương khác nhiều hiện vật để trưng bày, phát huy giá trị. Việc bàn giao hai chi tiết hiện vật của pho tượng Bồ tát Tara cho Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng theo Luật Di sản văn hóa là đúng vì hiện vật gốc là pho tượng đang được trưng bày ở đó. Hai hiện vật nhỏ này nếu được bàn giao về sẽ góp phần giúp pho tượng được khôi phục nguyên gốc, bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị của bảo vật quốc gia. Trước mắt các đơn vị liên quan xúc tiến công tác bàn giao, tiếp nhận hiện vật con ốc và hoa sen từ địa phương về Bảo tàng tỉnh để tạm lưu giữ, bảo quản. Còn việc sau đó có bàn giao hiện vật cho Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng như đề xuất của TP Đà Nẵng hay không thì chờ UBND tỉnh Quảng Nam xem xét và quyết định. Mọi việc sẽ tiến hành theo đúng trình tự, đúng quy định của Luật Di sản văn hóa.

Về những hiện vật “con ốc và hoa sen” của bảo vật quốc gia tượng Bồ tát Tara: Sẽ chuyển giao cho Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng - Anh 2

Chi tiết con ốc...

Ông Phan Ngọc Bích, nguyên Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng tỉnh Quảng Nam cũng cho biết, pho tượng Bồ tát Tara đã được công nhận là bảo vật quốc gia khi còn thiếu hai chi tiết nói trên nên hai hiện vật này có thể xem là hai hiện vật độc lập. Việc có bàn giao hai hiện vật này cho Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng hay không cũng không ảnh hưởng lắm đến giá trị của bảo vật quốc gia. Tuy nhiên, nếu bàn giao được thì sẽ góp phần khôi phục nguyên gốc, bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị của bảo vật quốc gia. Thời điểm ấy, đại diện địa phương và người dân cũng giải thích, sở dĩ hai hiện vật này được cất giữ tại xã Bình Định Bắc trong hơn 40 năm kể từ khi phát hiện ra, không bàn giao cho đơn vị nào khác ngoài làng vì người làng tin rằng đây là báu vật chung của làng, nếu hai báu vật này bị mất, lưu lạc thì làng sẽ gặp họa. Người làng Đồng Dương luôn một lòng tôn kính với tất cả những gì thuộc về Đồng Dương. Với họ, đó là vùng đất đã từng có một vương triều đã thành huyền thoại.

Theo “hương ước” của làng thì đích thân chủ tịch xã đương nhiệm sẽ là người nhận nhiệm vụ cất giữ hai hiện vật thiêng liêng này cho làng. Mỗi khi kết thúc nhiệm kỳ thì sẽ tiếp tục bàn giao cho Ban thường vụ và vị chủ tịch mới bảo vệ và việc cất giữ phải tuyệt đối bí mật. Cho đến khoảng năm 2022, sau khi Quảng Nam và Đà Nẵng chia tách, địa giới hành chính của xã bắt đầu có những thay đổi, câu chuyện về hai cổ vật trên mới được hé lộ cho các nhà nghiên cứu. Trong cuốn Phật viện Đồng Dương, GS Ngô Văn Doanh cũng cho rằng, câu chuyện về bức tượng Bồ tát Tara còn ly kỳ bởi những suy đoán về 2 hiện vật cầm trên đôi tay pho tượng đã bị vỡ, hoặc mất hẳn khi bị chôn vùi trong lòng đất. Từ sau khi được phát hiện vào năm 1978 cho đến năm 2002, khi “bí mật” về việc người dân Đồng Dương đã phát hiện và đang cất giữ hai hiện vật con ốc và hoa sen trên tay pho tượng nữ thần bằng đồng được nhiều người biết đến, các nhà nghiên cứu đưa ra nhiều giả thuyết khác nhau về hai hiện vật bị mất để đoán định tên tuổi của pho tượng.

Trên cơ sở văn bản của UBND TP Đà Nẵng, UBND tỉnh Quảng Nam có văn bản về việc báo cáo 2 hiện vật nói trên; Sở VHTTDL, Bảo tàng tỉnh Quảng Nam đã tổ chức cuộc họp với đại diện UBND xã Bình Định Bắc và nhân dân thôn Đồng Dương, nơi phát hiện và lưu giữ 2 hiện vật chi tiết của tượng Bồ tát Tara để bàn giải quyết liên quan đến việc quản lý, bảo quản 2 hiện vật. Tại cuộc họp này, đại diện địa phương cho biết, năm 1993, Bảo tàng Điêu khắc Chăm đã vào làm việc với chính quyền địa phương; Ban đại diện nhân dân thôn Đồng Dương đồng ý bàn giao 2 chi tiết hoa sen và con ốc; về phía Bảo tàng Điêu khắc Chăm thống nhất sẽ hỗ trợ địa phương xây dựng Nhà Văn hóa thôn. Tuy nhiên, đến thời điểm tháng 3.2019, phía Bảo tàng Điêu khắc Chăm chưa thực hiện việc hỗ trợ nên nhân dân thôn Đồng Dương không thống nhất bàn giao 2 chi tiết hiện vật trên. Nhận thấy việc liên quan đến 2 chi tiết nói trên phức tạp, thời gian kéo dài gần 40 năm và trên cơ sở ý kiến của nhân dân thôn Đồng Dương, tháng 5.2019, Sở VHTTDL Quảng Nam đã có văn bản đề xuất UBND tỉnh có văn bản đề nghị UBND TP Đà Nẵng giao Sở VHTT thành phố, Bảo tàng Điêu khắc Chăm làm việc trực tiếp với chính quyền địa phương để giải quyết những kiến nghị của nhân dân địa phương.

Sau đó, UBND tỉnh Quảng Nam có văn bản về việc tiếp nhận, quản lý 2 chi tiết của tượng Bồ tát Tara. Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở VHTTDL Quảng Nam đã phối hợp với UBND huyện Thăng Bình tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân thôn Đồng Dương, xã Bình Định Bắc chuyển giao 2 chi tiết của tượng Bồ tát Tara, Đồng Dương. Từ tháng 11.2019 đến nay, Bảo tàng Quảng Nam tiếp nhận, bảo quản tạm thời 2 chi tiết hiện vật đúng quy định của Luật Di sản văn hóa.

Về những hiện vật “con ốc và hoa sen” của bảo vật quốc gia tượng Bồ tát Tara: Sẽ chuyển giao cho Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng - Anh 3

... và hoa sen do Bảo tàng Quảng Nam lưu giữ

Mong chờ khen thưởng xứng đáng cho nỗ lực giữ gìn hiện vật

Trong quá trình tiếp xúc, vận động người dân địa phương bàn giao hai hiện vật cho Bảo tàng tỉnh Quảng Nam, người dân hoàn toàn đồng thuận việc giao lại cổ vật của địa phương cho ngành bảo tàng để có phương pháp bảo quản tốt hơn. Bày tỏ mong muốn việc bảo quản, lưu trữ hai hiện vật này như thế nào phải đúng với nguyên gốc, để khi cần người dân có thể dễ dàng đến tham quan hiện vật gốc chứ không phải là xem các bản “phục dựng”. Đồng thời cũng có những kiến nghị về việc hỗ trợ kinh phí để đầu tư xây dựng nhà văn hóa thôn, nâng cấp nhà văn hóa xã để bảo quản, trưng bày hiện vật liên quan đến Phật viện Đồng Dương, mong chờ một động thái khen thưởng xứng đáng với câu chuyện phát hiện và giữ gìn hiện vật hơn 40 năm qua.

Ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở VHTTDL Quảng Nam cho biết, sau khi Bảo tàng Quảng Nam thực hiện tiếp nhận, bảo quản tạm thời 2 chi tiết của tượng Bồ tát Tara; ngày 20.5.2020, Sở VHTTDL Quảng Nam đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh, Bộ VHTTDL về xin ý kiến xử lý việc giao 2 chi tiết trên cho bảo tàng công lập có chức năng thích hợp để bảo vệ và phát huy giá trị. Cục Di sản văn hóa đã có văn bản số 328, ngày 26.5.2020 phúc đáp, đề nghị Sở VHTTDL Quảng Nam nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh cho phép Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng thực hiện sưu tầm 2 chi tiết nêu trên bằng phương thức tiếp nhận hiện vật từ tổ chức, cá nhân hiến tặng hoặc chuyển giao theo quy định tại Điều 9 Thông tư số 11 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL quy định về sưu tầm hiện vật của bảo tàng công lập.

Trên cơ sở ý kiến của Cục Di sản văn hóa, tháng 6.2020, Sở VHTTDL Quảng Nam có tờ trình gửi UBND tỉnh này về việc bảo vệ và phát huy giá trị bảo vật quốc gia, tượng Bồ tát Tara, Đồng Dương, trong đó trình bày rõ tượng Bồ tát Tara là bảo vật quốc gia nên cần thiết phải có ý kiến chính thức của Bộ VHTTDL. Đồng thời, tham mưu và đề nghị UBND tỉnh có văn bản gửi Bộ VHTTDL quyết định phương án bảo vệ và phát huy giá trị của tượng Bồ tát Tara, Đồng Dương. “Gần đây nhất, ngày 8.8.2023, Sở VHTTDL Quảng Nam đã có báo cáo số 161 gửi UBND tỉnh về các nội dung liên quan đến 2 chi tiết của bảo vật quốc gia - tượng Bồ tát Tara, Đồng Dương”, ông Hồng thông tin thêm.

Theo đó, Sở VHTTDL Quảng Nam đề xuất UBND tỉnh thống nhất chủ trương chuyển giao 2 chi tiết con ốc và hoa sen từ Bảo tàng Quảng Nam về Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng để tượng Bồ tát Tara, Đồng Dương được hoàn chỉnh và phát huy tốt nhất giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học. Đồng thời, có văn bản gửi UBND TP Đà Nẵng thống nhất và chỉ đạo Bảo tàng Điêu khắc Chăm phối hợp với Bảo tàng Quảng Nam để thực hiện việc tiếp nhận, chuyển giao hiện vật.

Đề xuất UBND tỉnh thống nhất chủ trương, giao Sở VHTTDL chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất việc khen thưởng cho nhân dân thôn Đồng Dương, xã Bình Định Bắc về thành tích phát hiện, giao nộp các hiện vật nêu trên. 

KHÁNH CHI

Ý kiến bạn đọc