Văn hóa quản lý với di sản văn hóa trong hội nhập và phát triển
VHO- Hội thảo “Văn hóa quản lý với di sản văn hóa trong quá trình hội nhập và phát triển” vừa được Viện Phát triển Văn hóa dân tộc (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) tổ chức ngày 7.9 tại Hà Nội. Hội thảo có sự tham dự của nhiều nhà khoa học, nhà quản lý, các chuyên gia nghiên cứu...
Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng nhấn mạnh, trong quá trình hội nhập quốc tế, trong đó có hội nhập văn hóa, Việt Nam đang đứng trước những cơ hội và những thách thức rất to lớn; trong đó có những vấn đề về văn hoá và con người. Quản lý văn hóa trong môi trường hội nhập quốc tế đang đặt ra bức thiết hơn bao giờ hết. Văn hóa quản lý là một bộ phận quan trọng của văn hóa nói chung, có những đặc thù về nội dung, cấu trúc và biểu hiện, xuất hiện như là sự tích hợp không thể tách rời của văn hóa với quản lý...
Lãnh đạo Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam nhấn mạnh, quan tâm đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng, miền, của đồng bào các dân tộc, kết hợp với tiếp thu tinh hoa văn hóa của thời đại. Phát triển "sức mạnh mềm" của văn hóa Việt Nam, góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị; đồng thời là chức năng, nhiệm vụ của Viện Phát triển văn hóa dân tộc.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, GS.TS Bùi Quang Thanh nêu, xuất phát từ những vấn đề đã và đang đặt ra từ thực tiễn và lý luận khoa học đối với văn hóa quản lý ở Việt Nam hiện nay, hội thảo về “Văn hóa quản lý với di sản văn hóa trong quá trình hội nhập và phát triển” nhằm hướng tới nhận thức khoa học về ứng xử với di sản văn hóa, tiếp thu kinh nghiệm trong văn hóa quản lý di sản từ các nền văn hóa tiên tiến trong khu vực và trên thế giới để ứng dụng sáng tạo vào Việt Nam. Hội thảo là nơi các nhà khoa học, nhà quản lý văn hóa bàn luận, chia sẻ ý kiến đóng góp của mình về những vấn đề nhận thức khoa học và thực tiễn liên quan đến văn hóa quản lý đối với di sản trong hội nhập và phát triển.
Theo GS.TS Từ Thị Loan (Viện VHNT Quốc gia Việt Nam), trong bối cảnh hội nhập và phát triển hiện nay, di sản văn hóa đang trở thành nguồn lực để phát triển kinh tế- xã hội và quảng bá bản sắc văn hóa Việt. Tuy nhiên, việc bảo vệ,phát huy và khai thác nguồn vốn văn hóa này có hiệu quả hay không lại phụ thuộc nhiều vào công tác quản lý văn hóa, trong đó văn hóa quản lý đóng vai trò quan trọng.
Đề cập đến thực trạng công tác quản lý, bảo tồn di sản ở Việt Nam, GS.TS Trương Quốc Bình thẳng thắn, bên cạnh những kết quả đạt được, hiện có không ít di tích lịch sử, văn hóa kiến trúc và cảnh quan thiên nhiên đang bị xuống cấp, bị biến dạng nghiêm trọng do tác động của những yếu tố khách quan và của con người, trong đó có những hậu quả từ việc quản lý lệch chuẩn. “Những năm gần đây, những tác động mạnh mẽ của cơ chế thị trường cùng tình trạng hoạt động du lịch hỗn tạp với sự đầu tư ồ ạt của nhiều thành phần kinh tế, nhiều đơn vị trong và ngoài nước chưa được quản lý chặt chẽ, đã và đang tạo nên những tác động không nhỏ đến bản thân các di tích cùng môi trường cảnh quan của chúng…”, GS.TS Trương Quốc Bình nêu.
Trước thực trạng này, dù Nhà nước đã có nhiều biện pháp khác nhau để gìn giữ, tôn tạo các di tích lịch sử, công trình kiến trúc và cảnh quan có giá trị nhưng những chính sách và biện pháp này còn thiếu hệ thống và vì thế, tác dụng còn nhiều hạn chế, dẫn đến hàng loạt các vấn đề tồn tại trong công tác quản lý di tích, quản lý đầu tư, chất lượng của hoạt động bảo tồn, kinh phí, năng lực đội ngũ chuyên môn…
Từ thực tiễn, GS Trương Quốc Bình nêu một số giải pháp cơ bản tăng cường các hoạt động bảo tồn di sản văn hóa phục vụ sự phát triển bền vững ở Việt Nam, tăng cường đổi mới công tác quản lý Nhà nước đối với các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; đổi mới các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ở Việt Nam; Khuyến khích các hoạt động nhằm phát huy vai trò của các tổ chức xã hội và các tầng lớp nhân dân tham gia vào các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; tăng cường công tác đào tạo và đào tạo lại đội ngũ nghiên cứu, quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa…
Nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học… tại hội thảo đã nhìn nhận, phân tích chủ đề Văn hóa quản lý với di sản văn hóa trong hội nhập và phát triển theo nhiều góc độ cơ sở lý luận và các khái niệm liên quan đến vấn đề văn hóa quản lý di sản trong quá trình hội nhập và phát triển văn hóa; cơ sở thực tiễn và bài học kinh nghiệm về văn hóa quản lý trong quá trình bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trong thời kỳ hội nhập và phát triển; Thực trạng diễn biến của văn hóa quản lý trong quá trình xây dựng môi trường văn hóa quản lý di sản văn hóa ở Việt Nam; Kinh nghiệm thực tiễn từ văn hóa quản lý ở những trường hợp bảo vệ và phát huy giá trị di sản nổi bật ở Việt Nam và quốc tế; Các giải pháp xây dựng văn hóa quản lý ở Việt Nam hiện nay và lâu dài.
THẢO PHƯƠNG