Tượng đài kỷ niệm Chuyến tàu tập kết ra Bắc năm 1954 là Di tích quốc gia

HẢI THÀNH

VHO - Tối 16.11, tại thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau long trọng tổ chức Lễ khánh thành công trình Tượng đài kỷ niệm Chuyến tàu Tập kết ra Bắc 1954 và đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia.

Tượng đài kỷ niệm Chuyến tàu tập kết ra Bắc năm 1954 là Di tích quốc gia - ảnh 1
Thừa ủy quyền Bộ trưởng Bộ VHTTDL, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Phạm Thành Ngại trao Bằng xếp hạng di tích Quốc gia cho lãnh đạo huyện Trần Văn Thời

Công trình cụm tượng đài kỷ niệm Chuyến tàu Tập kết ra Bắc có chiều dài 22m, rộng 7m và chiều cao mũi tàu 7,2m. Kết cấu thân tàu bằng bê tông cốt thép, sơn giả đá. Tổng mức đầu tư dự án 195 tỉ đồng. Đây là một trong những công trình có ý nghĩa lịch sử to lớn, là địa chỉ đỏ góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ hôm nay và mai sau. Đồng thời, cũng là một trong những công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Cà Mau lần thứ 17, nhiệm kỳ 2025-2030.

Với giá trị ý nghĩa lịch sử của sự kiện, Bộ VHTTDL quyết định xếp hạng di tích Quốc gia đối với địa điểm Tập kết ra Bắc 1954 tại bờ nam Sông Đốc (thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời) nhằm phát huy tinh thần cách mạng của sự kiện 70 năm tập kết ra Bắc và trân trọng những giá trị lịch sử văn hoá của dân tộc.

Thay mặt đảng bộ, nhân dân địa phương, Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời Nguyễn Thế Châu đón nhận Bằng xếp hạng quốc gia “địa điểm tập kết ra Bắc cuối 1954 đầu 1955” do Bộ trưởng Bộ VHTTDL  trao tặng.

Tượng đài kỷ niệm Chuyến tàu tập kết ra Bắc năm 1954 là Di tích quốc gia - ảnh 2
Thực hiện nghi thức khánh thành công trình xây dựng Cụm Tượng đài chuyến tàu Tập kết ra Bắc

Phát biểu tại lễ khánh thành, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Phạm Thành Ngại nhấn mạnh, sự kiện tập kết ra Bắc năm 1954 là một cuộc chuyển quân có ý nghĩa chiến lược nhằm đưa cán bộ, chiến sĩ học sinh miền Nam ra Bắc lao động, học tập và đào tạo lực lượng... để góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, làm hậu phương vững chắc tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước. Đồng thời, tranh thủ thời gian tại khu tập kết để cùng nhân dân xây dựng đời sống mới. Cà Mau là địa phương có thời gian tập kết ra Bắc dài nhất ở khu vực Nam bộ với 200 ngày.

Trước nguyện vọng của cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Cà Mau mong muốn xây dựng công trình lưu giữ những hình ảnh, hiện vật về một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc. Tỉnh Cà Mau đã quyết định đầu tư cụm công trình Tượng đài chuyến tàu tập kết ra Bắc tại bờ Nam thị trấn Sông Đốc trên diện tích hơn 10ha với nhiều hạng mục trên.

Tỉnh Cà Mau xác định, đây là công trình quan trọng, có ý nghĩa chính trị, lịch sử, văn hoá sâu sắc, là biểu tượng sinh động của tình đoàn kết hai miền Bắc - Nam. Hơn hết, đây còn là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng, là địa điểm nhân dân, du khách tham quan, tìm hiểu lịch sử. Đối với thị trấn Sông Đốc, công trình sẽ là điểm nhấn nổi bật của đô thị biển sầm uất bậc nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long, gia tăng kết nối với các công trình khác để phục vụ sinh hoạt văn hoá, du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đây là biểu tượng sinh động của tình đoàn kết hai miền Bắc - Nam son sắt, thuỷ chung và là công trình chào mừng Ðại hội Ðại biểu Ðảng bộ tỉnh Cà Mau lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2025-2030.

Với giá trị, ý nghĩa lịch sử của sự kiện tập kết ra Bắc, Bộ VHTTDL đã quyết định xếp hạng di tích quốc gia đối với địa điểm tập kết ra Bắc cuối năm 1954, đầu năm 1955 tại bờ Nam Sông Đốc, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, bổ sung vào Di tích “Các địa điểm thuộc xứ ủy Nam bộ - Trung ương Cục miền Nam (Giai đoạn từ cuối năm 1949 đến đầu năm 1955).

Tượng đài kỷ niệm Chuyến tàu tập kết ra Bắc năm 1954 là Di tích quốc gia - ảnh 3
Tiết mục văn nghệ chào mừng

“Phát huy tinh thần cách mạng của sự kiện 70 năm tập kết ra Bắc, trân trọng những giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc. Tôi đề nghị chính quyền địa phương cùng với các ngành có liên quan, các cấp khẩn trương có phương án cụ thể để quản lý, giữ gìn và phát huy công trình một cách hiệu quả, thiết thực.

Tăng cường các hoạt động giáo dụng truyền thống cho thế hệ trẻ về lòng yêu nước, sự biết ơn sâu sắc đối với các thế hệ cha anh đã có nhiều cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Khơi dậy đối với thế hệ hôm nay lòng tự hào dân tộc và khát vọng cống hiến cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Khai thác các giá trị của di tích để phục vụ du lịch, phát triển kinh tế biển, đầu tư phát triển nơi đây trở thành công trình văn hóa tiêu biểu của tỉnh”, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo.

Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau tặng Bằng khen cho các cá nhân là nhân chứng và đại diện thân nhân của những người tham gia Tập kết đã trao tặng tài liệu, hình ảnh, hiện vật, kỷ vật của cán bộ, chiến sĩ, đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc năm 1954. Đồng thời, lãnh đạo tỉnh trao tặng Bằng khen các đơn vị, doanh nghiệp và các cá nhân tài trợ cho sự kiện.