Tu bổ, tôn tạo di tích Cây Thông Một thành “địa chỉ đỏ”
VHO- Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa TP Hội An (Quảng Nam) cho biết, ông Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã giao TP Hội An làm chủ đầu tư công trình tu bổ, tôn tạo di tích cấp tỉnh Cây Thông Một, địa điểm thành lập Đảng bộ tỉnh Quảng Nam.
Phó Chủ tịch tỉnh Trần Văn Tân khảo sát tại di tích cấp tỉnh Cây Thông Một - nơi thành lập Đảng bộ tỉnh Quảng Nam
Công trình hoàn thiện sẽ là địa chỉ đỏ giáo dục thế hệ trẻ, là nơi gắn kết cộng đồng địa phương và phục vụ hoạt động tham quan, du lịch. Liên quan đến việc triển khai đầu tư công trình tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử cách mạng Cây Thông Một (phường Tân An, TP Hội An), ông Phạm Phú Ngọc, Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An (Trung tâm Hội An) cho biết, theo phương án thiết kế, kiến trúc cảnh quan, công trình sẽ được thực hiện trên diện tích 2.400m2 (bao gồm bia di tích, khu thiết chế và trường mẫu giáo hiện trạng).
Đồng thời hình thành tiểu công viên với các hạng mục và không gian chức năng gồm: Tượng đài kỷ niệm sự kiện thành lập Đảng bộ Quảng Nam; Phòng truyền thống và sinh hoạt cộng đồng nhằm trưng bày, giới thiệu lịch sử Đảng bộ; nơi tổ chức các hoạt động cộng đồng như: hội họp, sinh hoạt truyền thống, đón tiếp khách, không gian đọc,... Sân tổ chức sự kiện phục vụ các hoạt động mít tinh kỷ niệm, sinh hoạt tập thể, tưởng niệm về nguồn,… cho các thế hệ cán bộ, quân, dân, tuổi trẻ và du khách; Bảng thông tin giới thiệu về di tích; Không gian dừng chân phục vụ hoạt động nghỉ ngơi cho nhân dân và du khách trên hành trình tham quan, sinh hoạt,… Công trình đảm bảo các tiện nghi sử dụng, chú trọng các tiêu chí xanh, bền vững. “Công trình hoàn thiện sẽ là địa chỉ đỏ giáo dục thế hệ trẻ, là nơi gắn kết cộng đồng địa phương và phục vụ hoạt động tham quan, du lịch”, ông Ngọc cho biết. Trước đó, UBND TP Hội An cũng đã tổ chức góp ý phương án thiết kế công trình tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử cách mạng Cây Thông Một. Các ý kiến đều khẳng định việc tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử cách mạng Cây Thông Một là việc làm hết sức cần thiết. Đồng thời cũng đề xuất nên thống nhất lại tên gọi di tích này cho phù hợp. Tại buổi khảo sát và làm việc với TP Hội An vừa qua, qua ý kiến góp ý, đề xuất của đại diện Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở VHTTDL, UBND TP Hội An cùng một số đơn vị liên quan, ông Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cũng thống nhất kết luận tên gọi của di tích sẽ là “Cây Thông Một - địa điểm thành lập Đảng bộ tỉnh Quảng Nam”; đồng ý với ý tưởng thiết kế cảnh quan, kiến trúc và đề nghị TP Hội An tiếp thu thực hiện phù hợp, tương xứng với ý nghĩa, giá trị to lớn của di tích. Đồng thời giao UBND TP Hội An làm chủ đầu tư công trình với nguồn vốn từ ngân sách tỉnh khoảng 15 tỉ đồng.
Các di tích, dấu tích lịch sử cách mạng là một bộ phận quan trọng tạo thành giá trị của di sản văn hóa Hội An, bên cạnh là phần vật thể hiện tồn còn mang những ý nghĩa văn hóa sâu sắc, là bằng chứng thể hiện sinh động truyền thống yêu nước, cách mạng của quân và dân Hội An qua các chặng đường đấu tranh để giành tự do, độc lập.
Trung tâm Hội An cho biết, hiện nay đã xác định được 68 địa điểm là các di tích, dấu tích lịch sử cách mạng trên địa bàn thành phố. Đây là con số chưa đầy đủ và sẽ được phát hiện, bổ sung dần khi đủ cơ sở khoa học cũng như cơ sở pháp lý. Ngoài các giá trị mang tính địa phương, một số di tích cách mạng ở đây còn góp phần bổ sung những thông tin cần thiết cho các phong trào cách mạng, các sự kiện, nhân vật cách mạng mang tầm vóc cấp tỉnh và cả nước. Tiêu biểu như các di tích về thời tiền khởi nghĩa (nhà Đức An, nơi thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên vào tháng 10.1927, hiệu sách Vạn Sanh, cơ sở hoạt động của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên), các di tích liên quan đến việc thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh và thị xã, các di tích liên quan đến cuộc khởi nghĩa giành chính quyền vào đêm 17 rạng ngày 18.8.1945, di tích nhà lao Thông Đăng, nhà lao Hội An, căn cứ địa Rừng Dừa Bảy Mẫu, Xóm Chiêu...
Bộ phận di sản này ở Hội An bao gồm nhiều loại hình, liên quan đến nhiều hoạt động yêu nước và cách mạng, phân bố ở nhiều loại hình, thể hiện sự phong phú, đa dạng. Việc phục hồi, trùng tu, bảo tồn các di tích, dấu tích lịch sử cách mạng sẽ góp phần giữ phần gìn giữ nguồn tài nguyên văn hóa quý giá. Đồng thời cũng có thể góp phần phát triển du lịch, phục vụ tham quan, nghiên cứu, nhất là các tuyến du khảo, tham quan nghiên cứu tìm về cội nguồn, về các địa chỉ đỏ.
Tại di tích Cây Thông Một, tối ngày 28.3.1930 diễn ra Hội nghị thành lập Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Quảng Nam, do đồng chí Phan Văn Định làm Bí thư. Hội nghị ra thông cáo kể từ nay ở nước ta chỉ có một Đảng Cộng sản duy nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Nam ra đời là một sự kiện lịch sử quan trọng, có ý nghĩa to lớn đối với phong trào cách mạng toàn tỉnh. Đây còn là nơi Xứ Ủy Trung kỳ, Tỉnh ủy Quảng Nam bàn thảo phương hướng, phổ biến các Nghị quyết. Cũng chính tại đây, ngày 1.5.1930, tờ báo “Lưỡi Cày”, tiếng nói của Đảng bộ tỉnh Quảng Nam ra số đầu tiên, góp phần tuyên truyền đường lối cách mạng của Đảng”. |
KHÁNH CHI