Tiếp bài “đất tặc”, “đá tặc” xâm phạm di tích lịch sử quốc gia Đồi Cả (Phù Cát, Bình Định): Chưa phân cấp quản lý nên không biết ai xử lý?
VHO- Liên quan đến vụ “đất tặc”, “đá tặc” xâm phạm nghiêm trọng đến cảnh quan di tích lịch sử quốc gia Đồi Cả” vừa được Văn Hóa phản ánh (số 3540, ra ngày 15.3), dư luận cho rằng cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần phải vào cuộc để xử lý, ngăn chặn.
Tấm bia di tích nghiêm cấm xâm phạm...
Ông Trần Văn Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát thông tin, “về việc này huyện đang làm báo cáo gửi cấp trên, khi nào xong sẽ thông tin cho các cơ quan báo chí”. Trở lại xã Cát Thành, chúng tôi tiếp tục được một số người dân nơi đây phản ánh, di tích Đồi Cả nằm ngay trường học, cạnh khu dân cư đông đúc và chỉ cách trụ sở làm việc của UBND xã Cát Thành có mấy phút chạy xe, hằng ngày xe tải, xe ben ra vào liên tục vận chuyển đất và lấy đá tại di tích. Chẳng lẽ việc này cán bộ, chính quyền không phát hiện được?
Ông Bùi Tĩnh, Giám đốc Bảo tàng Bình Định khẳng định, tình trạng múc, “cạp” đất, đá xảy ra tại di tích lịch sử quốc gia Đồi Cả sẽ ảnh hưởng tới cảnh quan môi trường của di tích. Hiện di tích lịch sử quốc gia Đồi Cả vẫn chưa được khoanh vùng khu vực bảo vệ 2, chỉ có khoanh vùng khu vực bảo vệ 1, bao gồm chiều dài 80m, chiều rộng 40m, với tổng diện tích 3.200m2. Được công nhận di tích lịch sử quốc gia trên 30 năm nay nhưng mới đây Bảo tàng Bình Định mới cắm mốc xác định lại khu vực bảo vệ 1 của di tích. Cái khó hiện nay là, di tích quốc gia Đồi Cả chưa có quy định phân cấp quản lý nên mới xảy tình trạng lấy đất, đá trái phép tại đây.
Theo ông Tĩnh, qua những lần làm việc với huyện và xã, đơn vị mới biết tình trạng “đất tặc”, “đá tặc” đã lộng hành trong một thời gian dài tại di tích. Nhưng không hiểu sao chính quyền địa phương lại chưa có biện pháp ngăn chặn, xử lý. “Chúng tôi cho rằng, xã đã “bật đèn xanh” thì doanh nghiệp mới múc đất, chẻ đá một cách ngang nhiên như vậy. Để ngăn chặn “đất tặc”, “đá tặc” cũng như giữ gìn cảnh quan, đơn vị đề nghị huyện không cho các doanh nghiệp chạy xe vào tại múc đất, khai thác đá tại di tích nữa”, ông Tĩnh cho biết.
...nhưng cảnh quan, môi trường xung quanh di tích lịch sử quốc gia Đồi Cả đang bị xâm hại
Liên quan đến “đất tặc”, “đá tặc” tại di tích Đồi Cả lộng hành khai thác, trao đổi với chúng tôi, nhà nghiên cứu Đinh Bá Hòa cho biết: “Thời tôi còn làm Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp Bình Định (nay là Bảo tàng Bình Định), thì di tích lịch sử quốc gia Đồi Cả chỉ được cắm mốc trên đỉnh đồi. Di tích dù không khoanh vùng bảo vệ khu vực 2, nhưng chúng ta ngầm hiểu toàn bộ diện tích Đồi Cả chính là di tích và đấy là khu vực điều chỉnh, muốn phá vỡ hoặc xây dựng thì phải xin phép Bộ VHTTDL. Chưa kể, cơ quan quản lý đã cấp bia với một thông báo rõ ràng “Nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm di tích”, thì chính quyền địa phương cần có trách nhiệm trong việc bảo vệ di tích”. Cũng theo ông Hòa, chính quyền trả lời thời gian qua đã xảy ra tình trạng khai thác đất, đá trái phép tại di tích Đồi Cả mà không có biện pháp ngăn chặn, xử lý triệt để là điều thật vô lý, hoặc có xử lý nhưng theo kiểu nể nang, qua loa thì không thể chấp nhận được. UBND huyện, xã là cơ quan quản lý trực tiếp địa bàn, để xảy ra thất thoát tài nguyên, cảnh quan di tích bị thay đổi thì chính quyền ở đây phải chịu trách nhiệm.
Theo ông Hòa, với trường hợp di tích lịch sử quốc gia Đồi Cả bị “đất tặc”, “đá tặc” khai thác thì Bảo tàng Bình Định cần tham mưu cho Sở VHTT Bình Định có văn bản trình UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện Phù Cát có biện pháp khắc phục để giữ gìn cảnh quan môi trường nơi đây. Ngoài ra cần làm rõ trách nhiệm các cá nhân, tập thể để xảy ra vi phạm lấy đất, đá trái phép tại di tích. Dư luận cho rằng, để chấm dứt nạn khai thác đất, đá trái phép và giữ cảnh quan môi trường tại di tích Đồi Cả, UBND tỉnh Bình Định cần sớm vào cuộc, có chỉ đạo cụ thể, để các ngành chức năng nhịp nhàng phối hợp kiểm tra, xử lý.
PHAN HIẾU