Mỏ vàng trên hành trình đánh thức di sản
VHO - Một Nhà máy Xe lửa Gia Lâm cũ kỹ, một Tháp nước Hàng Đậu thinh lặng sau gần 13 thập kỷ tồn tại, một chuyến tàu đặc biệt thong dong qua những miền di sản…, người Hà Nội trước giờ chưa có những hành trình trải nghiệm mang đến cảm giác mới lạ như thế. Dòng chảy ký ức trên mảnh đất Kinh kỳ ngàn năm văn hiến như đã thức giấc bởi những ý tưởng thiết kế sáng tạo chưa từng có. Cư dân của Thành phố sáng tạo hào hứng khi chứng kiến những di sản công nghiệp sau bao năm ngủ yên bỗng nhiên bừng tỉnh.
Trên chuyến tàu Hành trình di sản
Sự háo hức của hàng vạn du khách cũng khiến nhiều người ngỡ ngàng nhận ra, kho tàng di sản công nghiệp chính là “mỏ vàng” ý tưởng, mà lâu nay chưa được khai thác.
Di sản thức giấc nhờ sáng tạo
Không gian rực sáng của Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, vẻ đẹp lộng lẫy huyền bí của Tháp nước Hàng Đậu sau 130 năm thinh lặng giữa phố phường như câu trả lời lý thú cho những ngờ vực: “Bên trong cũ kỹ có gì cho sáng tạo?”. Sau 4 năm gia nhập mạng lưới Thành phố sáng tạo của UNESCO về lĩnh vực thiết kế, lần đầu tiên Hà Nội có một lễ hội được tổ chức xa trung tâm nội đô cả chục cây số, nhưng chính sự độc đáo, mới lạ của không gian tổ chức cùng các hoạt động, sự kiện đã tạo lực hút hấp dẫn đông đảo du khách. Trong 12 ngày lễ hội, có 200.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm; 30.000 lượt khách tham quan Tháp nước Hàng Đậu. Thú vị không kém khi Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam công bố con số 26.000 vé tàu được bán ra cho hành khách trải nghiệm Tuyến tàu di sản. Tuy nhiên, số lượng vé này vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu của du khách.
Đó là những con số gây bất ngờ cho chính người trong cuộc, bởi trước đó, cả không gian Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, Tháp nước Hàng Đậu hay các nhà Ga Long Biên, Gia Lâm vốn không được nhiều người biết đến. Lớp bụi mờ của thời gian bao phủ, hay tâm thức vui chơi đơn giản đến quen thuộc của người Hà Nội bấy lâu khiến những di sản công nghiệp vốn đã bị lãng quên lại ngày càng trở nên xa lạ. Người ta không hình dung được sẽ có ngày những không gian tưởng chừng chỉ có thể đứng yên một chỗ lại có thể bừng sáng ngoạn mục đến vậy. Điều thú vị là khi những di sản độc đáo của mảnh đất ngàn năm không còn tồn tại trong tĩnh lặng, thì công chúng, đặc biệt là giới trẻ, lại chính là đối tượng được chiều chuộng sở thích khám phá, hiếu kỳ.
Tháp nước Hàng Đậu hồi sinh
Vốn là một trong những công trình công nghiệp đầu tiên của Hà Nội do người Pháp xây dựng trong quá trình quy hoạch thành phố theo kiểu đô thị phương Tây, Tháp nước Hàng Đậu đến nay đã có tuổi đời 129 năm, vắt qua 3 thế kỷ. Thế nhưng, trong quãng thời gian dài 13 thập kỷ hiện diện như một điểm nhấn giữa phố phường tấp nập, sự im lặng đầy quên lãng đã khiến công trình luôn như một ẩn số. Bởi vậy, khi Tuần lễ Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 mang thông điệp đưa di sản đến gần với công chúng, sự hồi sinh ngoạn mục của Tháp nước Hàng Đậu đã khiến phần đông người Hà Nội không khỏi tò mò. Từng đoàn người xếp hàng để được vào bên trong, không chỉ khẳng định sức hút của không gian mới mẻ được tạo dựng từ nghệ thuật sắp đặt thanh âm và ánh sáng, mà rộng hơn là những thành công trong bảo tồn, đánh thức và đưa di sản vào đời sống. Lần đầu tiên trong 129 năm tồn tại, công trình được mở cửa đón du khách, giúp công chúng có cơ hội chiêm ngưỡng vẻ đẹp từ bên trong của một công trình kiến trúc đã bị “ngủ quên” nhiều thập kỷ.
Những không gian độc đáo tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm
Bùng nổ bất ngờ chính là khoảng không mênh mông, cũ kỹ, nơi tọa lạc Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, công trình ra đời cách đây gần 120 năm. Từng là những phân xưởng do người Pháp quản lý, đóng vai trò quan trọng trong lịch sử ngành Đường sắt Việt Nam, nhưng trong đời sống đương đại, khó có thể hình dung các nhà sáng tạo lại có thể thổi hồn ý tưởng để tạo nên một diện mạo hoàn toàn khác biệt cho không gian cũ kỹ và tách biệt với phố thị ồn ào. Có tới 200.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm dịp này, con số đủ để người ta thốt lên những ồ, à. Cũng như với Tháp nước Hàng Đậu, đã có những sân khấu lộng lẫy, được thiết kế với triết lý “nương theo cảnh quan” nhằm tôn vinh và hòa quyện cùng không gian Nhà máy Xe lửa Gia Lâm. Người trẻ nô nức check in, các gia đình nhỏ cùng nhau tìm đến một không gian mới cho những khám phá cuối tuần. Dấu ấn đột phá và khó ngờ từ dư địa đầy tiềm năng và ẩn số mà công nghiệp sáng tạo mang lại thực sự trở thành cú hích, khai phá khoảng rộng mênh mông để Hà Nội tiếp tục lộ trình đúng hướng.
“Mỏ vàng” trên hành trình sáng tạo
Nhìn lại một chặng đường sau hơn 4 năm thực hiện các sáng kiến để thúc đẩy thiết kế sáng tạo trong các chương trình phát triển văn hóa - kinh tế - xã hội, đến nay, TP Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng. Giới chuyên gia bày tỏ sự hài lòng khi những di sản công nghiệp của Thủ đô được “đánh thức”, làm thay đổi cách nhìn cũng như ứng xử của cộng đồng, mang đến nhiều kỳ vọng cho một thành phố đầy sức sống từ mạch nguồn di sản.
Theo Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Đỗ Đình Hồng, sau 3 năm tổ chức Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội, quy mô, chất lượng của Lễ hội ngày càng được mở rộng, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ với giới sáng tạo của Thủ đô và cả nước. Nếu như năm 2021, Lễ hội chỉ diễn ra trong không gian nhỏ ở 22 Hàng Buồm; năm 2022, mở rộng không gian sáng tạo ở khu vực Hồ Hoàn Kiếm, thì đến năm nay, Lễ hội mở rộng quy mô lớn chưa từng có. “Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023 có tới 60 hoạt động văn hóa, nhưng điều đáng chú ý là đã làm bật lên vấn đề được dư luận quan tâm hiện nay, đó là cách ứng xử với những di sản công nghiệp. Những công trình tưởng như “ngủ quên” bao năm của Hà Nội đã được đánh thức, khoác lên một diện mạo mới đầy sáng tạo, ngẫu hứng, nghệ thuật và hấp dẫn…”, theo ông Đỗ Đình Hồng.
Giải mã Hoàng thành Thăng Long
GS.TS Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam) với bề d à y kinh nghiệm nghiên cứu về các ngành công nghiệp văn hóa, cho rằng, việc các nhà sáng tạo cải tạo không gian hai di sản công nghiệp là Tháp nước Hàng Đậu và Nhà máy Xe lửa Gia Lâm thành những không gian nghệ thuật rất phù hợp và có giá trị thu hút, kịp thời lưu giữ, phát huy những giá trị lịch sử, xã hội, khoa học - công nghệ, thẩm mỹ của di sản.
KTS Nguyễn Hồng Quang - người cùng TOOB Studio thiết kế pavilion “Không gian Kiến trúc & Nghệ thuật Phân xưởng nóng” tại phân xưởng gia công nóng B1 của Nhà máy Xe lửa Gia Lâm chia sẻ: “Mục tiêu của Lễ hội là giúp mọi người yêu di sản hơn và phát triển nó trong tương lai. Đó là lý do chúng tôi quyết định giữ nguyên hiện vật ở đây, hầu như không động gì vào, chỉ làm sạch và cung cấp những chú thích để công chúng hiểu về hoạt động của công xưởng. Qua đó, tôi muốn truyền tải thông điệp rằng, những máy móc này đã có thời kỳ phục vụ cho những người công nhân, cho nhà máy, là một phần lịch sử thú vị”.
Cách khai thác các không gian sáng tạo hiện nay của Hà Nội cũng chính là con đường đi của nhiều nước có nền công nghiệp phát triển, chuyển đổi những nhà máy cũ thành không gian cho các nghệ sĩ thực hành nghệ thuật. Theo Giám đốc nghệ thuật Heritage Space Nguyễn Anh Tuấn, đó là cách tối ưu hóa nguồn lực khi tận dụng cơ sở vật chất đang có mà vẫn gắn kết kiến trúc nhà máy với đời sống người dân, giúp cho nó có tính bền vững hơn là đập phá đi và xây mới một thứ gì đó, làm mất hẳn lịch sử một di sản.
Góp thêm một dấu ấn nổi bật trong hành trình đánh thức di sản, trải nghiệm tuyến tàu đặc biệt mang tên “Hành trình Di sản” được Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam thiết kế với một concept riêng cũng mang đến nhiều xúc cảm thú vị cho những hành khách ưa thích khám phá, trải nghiệm. Chuyến tàu chỉ kéo dài 15 phút, kết nối hai nhà ga lịch sử: Long Biên và Gia Lâm, và điều hấp dẫn là cơ hội để bất cứ ai có mặt trên những hành trình cùng nhìn lại ký ức cũ bằng trải nghiệm mới đầy sáng tạo. Trên 2 toa đặc biệt của chuyến tàu nghệ thuật này, hành khách cũng được thưởng lãm các tác phẩm nghệ thuật của triển lãm “Chuyển động ngoại biên #2”. Những tác phẩm được gắn cố định trên ô cửa kính, nhưng đoàn tàu không ngừng chuyển động ra xa trung tâm thành phố.
Theo lãnh đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, ngành Đường sắt có rất nhiều di sản quý giá, là biểu tượng của truyền thống lịch sử vẻ vang, quá khứ hào hùng và rất lý tưởng khi những di sản đó có thể được khai thác, cất lên tiếng nói để chuyển tải những thông điệp ý nghĩa qua các hoạt động sáng tạo, tạo nguồn thu cho phát triển công nghiệp văn hóa.
Không chỉ dừng lại ở ý nghĩa của một Lễ hội, hàng chục ý tưởng thiết kế sáng tạo mới mẻ trong một thời gian ngắn đã khoác lên những di sản trăm năm một tư duy mới, tầm nhìn chuyển đổi, đưa các di sản công nghiệp tiềm năng trở thành tổ hợp văn hóa sáng tạo mới hấp dẫn. Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 cho thấy thành công trong việc hiện thực hóa tầm nhìn trở thành Thủ đô sáng tạo; giúp hình thành nên những ý tưởng cho việc tái thiết các di sản công nghiệp thành không gian hữu ích, đem lại những giá trị kinh tế - văn hóa - xã hội. Đó chính là những “mỏ vàng” tiềm năng mà sẽ là rất lãng phí nếu hướng đi này không tiếp tục được khai thác, phát huy triệt để.
MỘC MIÊN ảnh: QUANG TẤN