Lễ hội Tiệc Mẫu Phủ Tây Hồ: Gìn giữ, phát huy giá trị tín ngưỡng Thờ Mẫu
VHO- Lễ hội Tiệc Mẫu Phủ Tây Hồ diễn ra từ ngày 10-17.4.2023 (tức 20-27.2 âm lịch) tại Di tích Phủ Tây Hồ (Hà Nội), với những giá hầu của các nghệ nhân, thủ nhang, thanh đồng uy tín đến từ các di tích, đền, phủ trong cả nước.
NNƯT Đặng Ngọc Anh tại di tích Phủ Tây Hồ
Góp phần gìn giữ tín ngưỡng thờ Mẫu, những giá hầu được các thủ nhang, thanh đồng chú trọng yếu tố chuẩn mực, truyền thống, kiên quyết đẩy lùi những biến tướng làm sai lệch, ảnh hưởng đến giá trị của di sản văn hoá phi vật thể Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã được UNESCO vinh danh.
Hầu khai hội Tiệc Mẫu phủ Tây Hồ (ngày 20.2 âm lịch), NNƯT Đặng Ngọc Anh một lần nữa mang đến không gian văn hoá này những giá hầu chuẩn mực, với tâm niệm tiếp tục chung tay gìn giữ, phát huy giá trị di sản Tín ngưỡng Thờ Mẫu. Với 41 năm thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, NNƯT Đặng Ngọc Anh cùng với nhiều nghệ nhân, thanh đồng, thủ nhang uy tín, tâm huyết trong cả nước cùng tâm niệm và quyết tâm gìn giữ, phát huy nét đẹp văn hóa tín ngưỡng người Việt.
Cùng tham dự khai hội và các hoạt động ý nghĩa trong lễ hội Tiệc Mẫu Phủ Tây Hồ còn có nhiều nghệ nhân, thủ nhang, đồng đền đến từ các tỉnh, thành như TP. Hồ Chí Minh, Nghệ An, Hải Phòng, Thái Bình, Ninh Bình, Phú Thọ, Lạng Sơn, Yên Bái ... cùng các con nhang đệ tử nhất tâm về cửa Thánh Mẫu Phủ Tây Hồ, tham dự các khoá hầu với tấm lòng tri ân Thánh Mẫu, cầu mong những điều may mắn, sức khỏe, an nhiên.
Khai hội với những giá hầu đẹp, chuẩn mực và mang nhiều thông điệp ý nghĩa, NNƯT Đặng Ngọc Anh tâm sự: “Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam Phủ của người Viêt mang nhiều ý nghĩa, giá trị sâu sắc. Việc thực hành theo đúng lề lối, chuẩn mực của di sản sẽ góp phần bảo tồn, gìn giữ văn hóa tín ngưỡng thờ mẫu Tam Phủ của người Việt cũng như những nét đẹp độc đáo của văn hoá dân tộc Việt Nam. Vì vậy, các nghệ nhân, thanh đồng hãy cùng nhau giữ gìn bản sắc truyền thống đã có từ lâu này. Tín ngưỡng Thờ Mẫu là lẽ đạo thiêng liêng của người Việt, chúng ta cùng chung tay gìn giữ, vừa để bảo tồn, vừa để lan toả nét đẹp của Tín ngưỡng thờ Mẫu đến cộng đồng trong nước và quốc tế”.
Bắt đầu thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu từ khi 12 tuổi, NNƯT Đặng Ngọc Anh đến nay đã trải qua hơn 41 năm cuộc đời để gìn giữ, phát huy nét đẹp văn hóa tín ngưỡng người Việt. Ông luôn trăn trở về con đường phát triển, bảo tồn những di sản văn hóa phi vật thể mà bao thế hệ ông cha để lại. Đến nay, nghệ nhân đã thực hành thuần thục với trình độ nghệ thuật cao 36 giá đồng, thể hiện 50 đến 60 vị thánh với phong cách đặc thù riêng, đổi diện qua từng nhân vật. NNƯT Đặng Ngọc Anh cũng giữ chức Phó Viện trưởng Viện phát triển thương hiệu Đạo Mẫu Việt Nam.
Năm 2016, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Vừa tự hào về di sản, vừa trăn trở khi trên thực tế còn có nhiều biến tướng làm sai lệch các giá trị chuẩn mực, NNƯT Đặng Ngọc Anh gửi gắm: "Chúng ta phải nên nhớ rằng hầu đồng là diễn xướng, đóng vai diễn lại các tích của các vị Thánh để mong các ngài ban lộc ban tài. Bởi vậy, tôi mong rằng các thanh đồng hãy gìn giữ nét đẹp của hầu đồng, đừng chạy theo một cách cuồng tín mà làm mất đi nét đẹp của nghệ thuật này".
Tâm niệm điều đó nên trong suốt quá trình giữ gìn, bảo tồn di sản, nghệ nhân Đặng Ngọc Anh luôn chú trọng giữ gìn nét đẹp và chuẩn mực trong mỗi giá hầu đồng, phép tắc lễ nghi, an ninh trật tự khi người dân tham dự… Mỗi giá đồng là một câu chuyện về một vị anh hùng, lúc sinh thời là người có đức độ, tài giỏi, có công với dân với nước, do đó được hầu cái bóng của các vị là niềm vinh dự, tự hào đối với nghệ nhân. Bên cạnh việc hầu thánh, nghệ nhân Đăng Ngọc Anh còn tuyên truyền tới mọi người dân những hiểu biết về lịch sử, gốc tích của các vị thánh để hiểu sâu sắc về ý nghĩa của từng giá đồng. Nghệ nhân mong muốn giúp thế hệ trẻ nhớ về cội nguồn, công lao của cha ông và giới thiệu về đất nước, con người Việt Nam tới bạn bè thế giới.
P. MINH