Kỳ vọng lan tỏa tình yêu di sản trong giới trẻ

VHO- Hội Di sản Văn hóa Việt Nam phối hợp với các đơn vị vừa phát động Cuộc thi vẽ tranh “Di sản văn hóa Việt Nam qua hội họa”. Có thể nói, đây là lần đầu tiên có một cuộc thi quy mô, chuyên nghiệp về hội họa dành cho di sản văn hóa. Cuộc thi hướng đến các họa sĩ trẻ, sinh viên mỹ thuật, qua đó nhằm tôn vinh giá trị của di sản văn hóa dân tộc, tạo nên phong trào yêu di sản văn hóa trong người trẻ.

Kỳ vọng lan tỏa tình yêu di sản trong giới trẻ - Anh 1

  Sinh viên đi thực tế tại Huế để tìm hiểu và vẽ tranh về di sản văn hóa

Cũng qua việc phát động cuộc thi, những người làm văn hóa, giáo dục bày tỏ băn khoăn, giáo dục di sản trong học đường lâu nay còn rất thưa vắng, không chỉ ở học sinh phổ thông mà ngay cả sinh viên.

Bà Lê Tú Cẩm, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa TP.HCM cho biết, khi tiếp nhận được thông tin phát động về cuộc thi vẽ tranh “Di sản văn hóa Việt Nam qua hội họa”, bà cảm thấy rất vui mừng và ngay sau đó đã thông báo đến các chi hội di sản để các tác giả tham gia. Theo bà Cẩm, “câu chuyện giữ gìn và phát huy các giá trị di sản cần có người trẻ song hành, bởi nếu chỉ có người già với nhau thì đó là hoài cổ. Chính sức trẻ và sự sáng tạo của các bạn sẽ góp phần đưa di sản văn hóa truyền thống phát huy giá trị nhiều hơn”. Thực tế hiện nay nhiều bạn trẻ bị “ép” phải thưởng thức di sản như nghe Đờn ca tài tử, tham quan những nơi mà các bạn cho là “thiếu cảm xúc”… Trong khi bản thân người trẻ chưa ý thức được việc bảo tồn di sản là của thế hệ hiện nay, cũng như tự thân ngành văn hóa, ngành giáo dục chưa làm tốt sứ mạng truyền đi niềm hứng thú với di sản đến người trẻ… Chính vì vậy bà Cẩm cho rằng, cuộc thi được tổ chức đã mang tới niềm kỳ vọng lớn, rằng di sản văn hóa dân tộc sẽ lan tỏa đến các bạn trẻ nhiều hơn, trước mắt là qua hội họa. Từ thông điệp và hiệu quả cuộc thi, sẽ truyền cảm hứng, tình yêu di sản văn hóa đến người trẻ trong nhiều lĩnh vực khác, như kiến trúc, điện ảnh, sân khấu, âm nhạc, thời trang…

“Tôi muốn nói lên suy nghĩ của một người làm di sản lâu năm là, thực tế hiện nay, phần lớn HSSV không có nhiều kiến thức về di sản văn hóa, các em hầu như không phân biệt được đâu là di sản văn hóa vật thể hay di sản văn hóa phi vật thể. Điều này có thể do chương trình giáo dục phổ thông và cả giáo dục đại học không chú trọng đưa kiến thức về di sản văn hóa cho các em, trừ những cơ sở đào tạo chuyên ngành về di sản, văn hóa”, bà Cẩm nói.

Trao đổi với Văn Hóa về cuộc thi nói trên, ông Tô Văn Động, Phó chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam cho biết, “đây là lần đầu tiên cuộc thi được tổ chức, dành cho những người yêu hội họa, khuyến khích các họa sĩ trẻ, sinh viên mỹ thuật tại các trường đại học, cao đẳng chuyên mỹ thuật và các trường văn hóa - nghệ thuật cả nước, kể cả du học sinh Việt Nam ở nước ngoài, nhằm tạo sân chơi nghệ thuật, đồng thời để các họa sĩ trẻ có cơ hội tìm hiểu, thể hiện tình yêu với di sản văn hóa, thể hiện ý tưởng, sự sáng tạo trong những sáng tác hội họa của mình, qua đó khuyến khích, động viên và tạo nên phong trào yêu di sản văn hóa Việt, gìn giữ và tôn vinh những giá trị vô giá của di sản văn hóa dân tộc, lan tỏa tình yêu di sản văn hoá trong giới trẻ hiện nay”. Cạnh đó, cuộc thi cũng sẽ góp phần cùng các tổ chức, đơn vị thuộc Hội Di sản Văn hoá Việt Nam có thêm những hoạt động thiết thực, cụ thể và ý nghĩa vào sự nghiệp chung bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Minh, đây là một trong những cuộc thi hiếm hoi mà cá nhân ông thấy rất có ý nghĩa về mặt chuyên môn và đào tạo, vì thế rất mong các sinh viên tham dự bằng tất cả trách nhiệm, bằng tình yêu di sản văn hóa Việt Nam. “Chúng ta không chỉ tổ chức cuộc thi với giải thưởng lớn, tôn vinh mỹ thuật, là môi trường để sinh viên và những người yêu hội họa có cơ hội thể hiện sự sáng tạo mà còn nhằm thể hiện tình yêu, tinh thần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, bản sắc dân tộc. Về phía nhà trường, chúng tôi bày tỏ sự đồng hành cùng BTC, từ đó khuyến khích, kêu gọi và tạo mọi điều kiện cho giảng viên, đặc biệt là sinh viên tham gia cuộc thi”, PGS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM bày tỏ. Ông cũng khẳng định, “cuộc thi làm cho tôi có suy nghĩ là bắt đầu năm học này, đề tài về di sản văn hóa dân tộc cũng sẽ là một đề tài trong các bài học, bài thi tốt nghiệp của các em, trong tất cả các ngành đào tạo của nhà trường”.

Chuyên gia giáo dục cho rằng, sử dụng di sản văn hóa trong dạy học cho học sinh ở nhà trường nhằm hình thành ý thức tôn trọng, giữ gìn, phát huy những giá trị của di sản văn hóa. Song song đó rèn luyện tính chủ động, sáng tạo trong đổi mới phương pháp học tập; phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu, tài năng của học sinh… Tuy nhiên, qua ghi nhận, việc giáo dục di sản văn hóa trong nhà trường hiện nay còn thưa vắng, hiệu quả không cao. Theo đó, chương trình giáo dục trong nhà trường hiện nay quá thiên về truyền thụ kiến thức để phục vụ cho các kỳ thi cử, nên đôi khi các trường ít chú trọng đến các kiến thức về lịch sử, văn hóa dân tộc, do đó, việc phối hợp đưa di sản văn hóa vào nhà trường bị coi là một hình thức quá mới mẻ, ít được quan tâm.

THÙY TRANG

Ý kiến bạn đọc