Khai quật Thành Nhà Hồ: Dấu tích Chính điện cổ nhất trong lịch sử Kinh đô Việt Nam

VHO- PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam cho biết, Viện Khảo cổ học và Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ trong hai năm 2020-2021 đã tiến hành 6 hố khai quật với tổng diện tích 25.000m2. Đây là cuộc khai quật lớn nhất lịch sử Khảo cổ học Việt Nam, tính về tổng số diện tích trong một lần khai quật. Điều đặc biệt, cuộc khai quật đã phát hiện được 4 cụm dấu tích có niên đại thời Trần-Hồ, 2 cụm kiến trúc thời Lê sơ, 1 cụm kiến trúc thời Lê Trung Hưng với trên 20 đơn nguyên kiến trúc có giá trị to lớn, khẳng định các giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản Thế giới Thành Nhà Hồ đã được UNESCO vinh danh năm 2011.

Khai quật Thành Nhà Hồ:  Dấu tích Chính điện cổ nhất trong lịch sử Kinh đô Việt Nam - Anh 1

Các nhà khoa học tại hiện trường khai quật

 Viện Khảo cổ học Việt Nam phối hợp với Trung tâm bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ vừa công bố kết quả khai quật nội thành Di sản thế giới Thành Nhà Hồ. Theo PGS. TS Tống Trung Tín, cuộc khai quật đã bước đầu thu được kết quả khả quan. Đó là việc đã xác định dấu tích kiến trúc độc đáo, có quy mô lớn vào loại nhất cho đến nay trong lịch sử nghiên cứu kiến trúc cổ truyền Việt Nam ở khu vực Trung tâm Thành Nhà Hồ (còn gọi là Nền Vua).

 “Theo  tính toán ban đầu cộng với địa danh Nền Vua, các nhà khảo cổ học dự đoán đó có thể là dấu tích Chính điện của thành Tây Đô. Nếu đúng như vậy đây là dấu tích Chính điện cổ nhất trong lịch sử Kinh đô Việt Nam được phát hiện cho tới ngày hôm nay...”, theo ông Tống Trung Tín.

PGS.TS Tống Trung Tín cho biết, đã phát hiện được nhiều di tích kiến trúc thời Trần Hồ tại các hố khai quật ở khu vực Trung tâm (Nền Vua), khu vực Đông Nam và Tây Nam. Tại cụm di tích Trung tâm Nền Vua đã phát hiện được 10 kiến trúc, tính từ phía Nam lên Bắc dài 200m, rộng 80m (tổng diện tích khoảng 16.000m2). Nhận định bước đầu về cụm kiến trúc Trung tâm, các nhà khoa học cho biết, với dấu tích nhiều cổng, hành lang bao quanh, nhiều kiến trúc lớn ở phía Bắc kết nối với nhau cho thấy đây có thể là không gian trung tâm, không gian Chính Điện của Thành Nhà Hồ. Tuy nhiên, các kiến trúc chính có kết cấu với nhau theo kiểu hình chữ “Vương”, chữ “Nhị”, chữ “Công” và kết hợp hành lang bao quanh vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu.

Khai quật Thành Nhà Hồ:  Dấu tích Chính điện cổ nhất trong lịch sử Kinh đô Việt Nam - Anh 2

Dấu tích nền kiến trúc lát gạch vuông khu vực Trung tâm Thành Nhà Hồ

 Cụm kiến trúc phía Đông Nền Vua hiện đang xuất hiện 02 cụm dấu tích kiến trúc nhiều gian phía Bắc và phía Nam. Trong đó, cụm kiến trúc phía Bắc đã xuất lộ kiến trúc nhiều gian, nhiều vì, mỗi vì 2 cột, phạm vi cụm kiến trúc chiều Bắc – Nam là 60m. Cụm kiến trúc phía Nam đã xuất lộ kiến trúc nhiều gian, nhiều vì, mỗi vì 2 cột, phạm vi cụm kiến trúc chiều Bắc – Nam là 50m.

Cụm kiến trúc phía Tây Nền Vua hiện đang xuất hiện dấu tích kiến trúc nhiều gian và xác định được 01 kiến trúc nhiều gian, nhiều vì, mỗi vì 4 cột.

Tổ hợp kiến trúc khu vực Đông Nam đã phát hiện khá đầy đủ các kiến trúc tạm xác định gồm 6 đơn nguyên: Kiến trúc Chính điện, Tiền điện, Hậu điện, Tả vu, Hữu vu, Hành lang Đông Tây, có thể còn có kiến trúc cổng ở phía trước được bố trí khá cân xứng, hài hòa.

Quá trình khai quật nội thành, các nhà khoa học cũng phát hiện nhiều dấu tích kiến trúc thời Lê sơ và Lê Trung hưng với đặc điểm xây bằng gạch vồ, ngói âm dương, kích thước móng cột được xây dựng bằng gạch ngói vụn (thời Lê sơ); phát hiện 2 dấu tích kiến trúc thời Lê Trung Hưng với đặc điểm xây bằng gạch vồ, ngói âm dương, kích thước móng cột trung bình 1,3mx1,4m được xây dựng bằng gạch ngói vụn.

Khai quật Thành Nhà Hồ:  Dấu tích Chính điện cổ nhất trong lịch sử Kinh đô Việt Nam - Anh 3

Dấu tích Chính điện hố khai quật B1 – Thành Nhà Hồ

Theo PGS Tống Trung Tín, cuộc khai quật đã  xác định dấu tích kiến trúc độc đáo, có quy mô lớn vào loại nhất cho đến nay trong lịch sử nghiên cứu kiến trúc cổ truyền Việt Nam ở khu vực Trung tâm Thành Nhà Hồ (hay còn gọi là Nền Vua). “Theo  tính toán ban đầu cộng với địa danh Nền Vua, các nhà khảo cổ học dự đoán đó có thể là dấu tích Chính điện của thành Tây Đô. Nếu đúng như vậy đây là dấu tích Chính điện cổ nhất trong lịch sử Kinh đô Việt Nam được phát hiện cho tới ngày hôm nay...”, theo ông Tống Trung Tín.

Ông Tín cũng cho biết, khai quật lần này đã xác định tổ hợp kiến trúc phía Đông Nam khá hoàn chỉnh, được tương truyền đó là Đông Thái Miếu thờ tổ tiên của nhà Hồ. Nếu xác định điều này là chính xác thì đây cũng là một dấu tích Tổ miếu thuộc loại cổ nhất trong lịch sử Kinh đô Việt Nam.

Khai quật Thành Nhà Hồ:  Dấu tích Chính điện cổ nhất trong lịch sử Kinh đô Việt Nam - Anh 4

Khai quật Thành Nhà Hồ:  Dấu tích Chính điện cổ nhất trong lịch sử Kinh đô Việt Nam - Anh 5

Hiện trường các hố khai quật

Cuộc khai quật cũng bộc lộ lòng đất thành Nhà Hồ đang còn tiềm ẩn rất nhiều các di tích tích kiến trúc khác. Tất cả đều được quy hoạch, bố trí hết sức quy củ, bài bản, tòa ngang, dãy dọc, nhiều tầng, nhiều lớp, nhiều loại hình kiến trúc, vật liệu xây dựng… Điều đó góp phần và làm sâu sắc thêm các giá trị nổi bật toàn cầu đã được Thế giới khẳng định và tôn vinh năm 2011.

Trên cơ sở xác định bước đầu tiềm năng di sản cũng như xác định các giá trị của những di tích đã phát hiện, các nhà khoa học cho rằng rất cần thiết phải có việc quy hoạch nghiên cứu bài bản, xây dựng các kế hoạch bảo tồn và bảo vệ toàn vẹn khu Di sản theo đúng các Công ước Quốc tế đối với một khu Di sản Thế giới.

Theo ông Tín, trên cơ sở xây dựng quy hoạch nghiên cứu, bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị, từng bước nghiên cứu một cách lâu dài và dần dần sẽ phát lộ toàn bộ mặt bằng kiến trúc cung điện của Di sản Thành Nhà Hồ, từng bước xây dựng kế hoạch phục dựng, khôi phục và bảo vệ cảnh quan, đa dạng hóa các giải pháp bảo tồn như trường hợp Nara (Nhật Bản).

Khai quật Thành Nhà Hồ:  Dấu tích Chính điện cổ nhất trong lịch sử Kinh đô Việt Nam - Anh 6

Các hiện vật tìm thấy cho thấy dấu tích vương triều ở Thành nhà Hồ

“Nếu làm tốt và khoa học, dần dần chúng ta có thể hiểu được và khôi phục được một Kinh đô cổ nhất ở Đông Nam Á, từng bước biến Di sản trở thành một trong những di sản văn hóa có giá trị nổi bật nhất của Việt Nam có sức thu hút mạnh mẽ đối với công chúng trong nước và Thế giới...”, PGS.TS Tống Trung Tín khẳng định.

TS. Phạm Quốc Quân cho rằng có thể đẩy mạnh nghiên cứu cũng như các hoạt động bảo vệ, tôn tạo. Theo ông, có thể làm từng phần một. Từ mặt bằng nghiên cứu so sánh để tái phục hồi điện, cổng. Từ tư liệu hóa, các nhà khảo cổ cần tập trung xác định những gì tái hiện trước. Đồng thời, cần bảo vệ di tích, tránh bị hủy hoại bởi mưa gió, nước ngập...

GS. Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản quốc gia cho rằng việc tổ chức khảo cổ học với mặt bằng lớn cho thấy địa phương đang thay đổi nhận thức về di sản này. GS. Đặng Văn Bài cho rằng, có thể  bảo quản cấp thiết rồi từng bước tôn tạo để diễn giải lịch sử. Có thể thí điểm cái gì dễ thì làm trước. Hình thức diễn giải cũng cần tạo sức hấp dẫn cho du lịch.

NGUYỄN THANH, ảnh: VIỆN KHẢO CỔ HỌC CUNG CẤP

Ý kiến bạn đọc