Độc đáo bộ tượng Tam thế Phật chùa Côn Sơn
VHO - Sáng qua 25.2, tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn (TP Chí Linh), tỉnh Hải Dương tổ chức trọng thể Lễ khai hội Mùa Xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2024, tưởng niệm 690 năm ngày viên tịch của Đệ Tam tổ Trúc Lâm Huyền Quang Tôn giả và công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận “Bộ tượng Tam thế Phật chùa Côn Sơn” là Bảo vật quốc gia.
Bộ tượng Tam thế Phật chùa Côn Sơn
Tại buổi lễ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương đã trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận “Bộ tượng Tam thế Phật chùa Côn Sơn” là Bảo vật quốc gia.
Bộ tượng có một không hai
Đây là hiện vật gốc độc bản, niên đại thời Lê trung hưng (thế kỷ XVII), có giá trị đặc biệt, là hình mẫu trong phong cách tạo tác tượng Phật thế kỷ XVII - XVIII. Bộ tượng này cùng với hai Bảo vật quốc gia là bia Thanh Hư động và Côn Sơn Tư phúc tự bi tại Khu di tích Côn Sơn là minh chứng xác thực và toàn vẹn vào hồ sơ đề cử quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc là Di sản thế giới.
Theo văn bia và tư liệu lưu truyền tại Khu di tích, bộ Tam thế Phật chùa Côn Sơn là bộ tượng cổ nhất tại chùa, gắn liền với quá trình trùng tu, xây dựng chùa và được thờ phụng từ thế kỷ XVII. Điểm độc đáo khiến cho những pho tượng này khác biệt với tất cả các bộ tượng Tam thế khác là đều là các hiện vật gốc độc bản, được bảo toàn nguyên bản và trọn vẹn từ thời Lê trung hưng đến nay.
Bộ tượng Tam thế Phật bao gồm ba vị: Phật quá khứ, Phật hiện tại và Phật vị lai, tên gọi đầy đủ là “Tam thế thường trụ diệu pháp thân”, có nghĩa là thời quá khứ, hiện tại, vị lai tồn tại vĩnh hằng không bị lệ thuộc vào hình, danh, sắc, tướng của thế giới hữu hình, không lệ thuộc vào không gian và thời gian. Một ý nghĩa khác gắn với tên gọi của các vị Phật này là “Tam thế Tam thiên Phật” bao gồm “Quá khứ thế” có 1.000 vị Phật khác nhau đứng chủ; “Hiện tại thế” gồm 1.000 vị Phật khác và “Vị lai thế” cũng gồm 1.000 vị. Như vậy, tượng Tam thế tuy chỉ có ba pho nhưng lại tượng trưng cho 3.000 vị Phật ở ba đại kiếp (mỗi đại kiếp tương ứng 1,344 triệu năm), không nhằm chỉ đích danh một vị Phật nào.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương trao quyết định công nhận Bộ tượng Tam thế Phật chùa Côn Sơn là Bảo vật quốc gia cho tỉnh Hải Dương
Bộ tượng được tạo tác bằng gỗ mít, sơn son thếp vàng, trong tư thế ngồi thiền định trên tòa sen theo kiểu kiết già hàng ma. Bộ tượng này gắn liền với quá trình trùng tu, xây dựng chùa, được tạo hình, sơn son thếp vàng nhiều lớp, mang những hoa văn trang trí tiêu biểu, không những kế thừa được nét tinh túy của nghệ thuật thời trước mà còn tôn vinh được vẻ đẹp lý tưởng của Phật pháp. Tượng Tam thế Phật chùa Côn Sơn có hình thức độc đáo, đặc biệt là chiếc áo cà sa kiểu quấn mảnh vải từ vai trái vắt chéo xuống sườn phải để hở hẳn bờ vai, cánh tay và nửa ngực phải. Hiện tượng “trật vai phải” của những pho tượng này như để biểu thị sự tôn kính bề trên.
Với những giá trị tiêu biểu về trang trí mỹ thuật độc đáo, niên đại cụ thể, được bảo toàn nguyên bản và trọn vẹn, chứa đựng những giá trị văn hóa, lịch sử, nghệ thuật đặc sắc, ngày 18.1.2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 73/QĐ-TTg về việc công nhận Bộ tượng Tam thế Phật chùa Côn Sơn là Bảo vật quốc gia. Như vậy, cho đến nay, Hải Dương hiện có 11 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận là Bảo vật quốc gia; 11 Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; bốn di tích và quần thể di tích được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt.
Khai hội Mùa Xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc
Ngày 23 tháng Giêng năm Khai Hựu thứ 6 (1334), Huyền Quang viên tịch tại Côn Sơn, Thái Thượng Hoàng Trần Minh Tông đã ban thụy hiệu là Trúc Lâm Thiền sư Đệ Tam đại, đặc phong tự pháp Huyền Quang Tôn giả. Ngày viên tịch của Đệ Tam Tổ Huyền Quang đã trở thành ngày Giỗ Tổ của chùa Côn Sơn hằng năm.
Trong gần bảy thế kỷ qua, những giá trị lịch sử văn hóa to lớn ở Côn Sơn đã góp phần làm nên nét văn hóa đặc sắc, đa dạng mà riêng có, trở thành dòng chảy truyền thống có sức sống mãnh liệt, lan tỏa, đi sâu vào tâm thức cộng đồng và mỗi Phật tử. Với giá trị to lớn, Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc đã được Nhà nước xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt năm 2012; Lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc được Bộ VHTTDL ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; Chùa Côn Sơn là một trong 20 điểm di tích thành phần có giá trị quan trọng trong hồ sơ trình UNESCO công nhận Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc là Di sản thế giới.
Lễ khai hội Mùa Xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2024
Cũng tại đây, ngày 15.2.1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Côn Sơn. Hình ảnh Bác đọc bia Côn Sơn Tư Phúc tự bi đã trở thành ký ức thiêng liêng, nhắc nhở, căn dặn chúng ta nhớ về nguồn cội, luôn biết tri ân các bậc tiền nhân. Gần 60 năm qua, lời dặn dò của Bác vẫn là phương châm, là nhiệm vụ cao cả của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hải Dương nói riêng và cả nước nói chung trong sự nghiệp bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc. Thấm nhuần tinh thần đó, trong những năm qua, tỉnh Hải Dương luôn phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể tại Khu di tích Côn Sơn; quan tâm đầu tư, bảo tồn, tu bổ, phục dựng nhiều công trình tiêu biểu để Côn Sơn trở thành “chốn tùng lâm đẹp đẽ…” như lời Bác dặn.
Trước Lễ khai hội, BTC Lễ hội Mùa Xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc đã thực hiện nghi lễ rước nước chùa Côn Sơn. Nước được lấy từ giữa hồ Côn Sơn, đựng vào bình thủy và rước về chùa. Nghi lễ rước nước cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống bình an, hạnh phúc, là một trong những nghi thức quan trọng tại Lễ hội Mùa Xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc, được phục dựng từ năm 2008 và đã trở thành nét độc đáo của Lễ hội hằng năm.
Lễ hội Mùa Xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2024 duy trì các nghi lễ như: Lễ rước nước, Lễ tưởng niệm và khai hội, Lễ tế trên núi Ngũ Nhạc, Lễ giỗ và Mông sơn thí thực... Phần hội có thi gói bánh chưng, giã bánh giầy, liên hoan pháo đất, vật cổ truyền, cờ tướng và nhiều hoạt động văn hóa, thể thao đặc sắc. Với việc tổ chức Tuần Văn hóa, du lịch và xúc tiến thương mại, lần đầu tiên tổ chức Giải việt dã “Hành trình kết nối di sản văn hóa”, các hoạt động này sẽ góp phần làm phong phú thêm sức cuốn hút của lễ hội và quảng bá những sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng của Hải Dương tới bạn bè trong nước và quốc tế.
Ngay sau Lễ khai hội, các đại biểu, nhân dân và du khách thập phương đã thành kính dâng hương tưởng niệm 690 năm ngày viên tịch của Đệ Tam Tổ Thiền phái Trúc Lâm Huyền Quang Tôn giả. Sau Lễ khai hội là Lễ khai mạc Tuần Văn hóa ẩm thực, du lịch và xúc tiến thương mại năm 2024 với nhiều hoạt động đặc sắc, có quy mô lớn hơn với 43 gian hàng, gồm: 19 gian giới thiệu về ẩm thực của tỉnh Hải Dương và các vùng miền trong cả nước; 24 gian giới thiệu các sản phẩm OCOP, du lịch, làng nghề truyền thống tỉnh Hải Dương.
HÀ ĐĂNG