Di tích ở Hà Nội lại “kêu cứu”... (Bài 1): "Nước mắt" đình cổ Cam Đà
VHO- LTS: Hà Nội tự hào được mệnh danh là “thành phố của di sản” với gần sáu ngàn công trình di tích kiến trúc các loại, nhưng song hành với đó là vô vàn sự trăn trở, lo âu khi đang có đến cả ngàn di tích xuống cấp ở nhiều mức độ khác nhau… Cần một đề án bảo tồn cấp thiết hay phải chịu nghe tiếng “kêu cứu” từ những di sản vô giá tự hàng trăm năm qua, là vấn đề được đặt ra cấp bách trong thời điểm hiện nay?
Bài toán nan giải về kinh phí tu bổ một lần nữa đặt ra đối với di tích đình Cam Đà
Nằm cách trung tâm TP Hà Nội không xa, di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia đình Cam Đà (xã Cam Thượng, huyện Ba Vì) là một trong những di tích đang hằng ngày phải đối diện với nguy cơ sụp đổ bất cứ khi nào bởi tình trạng xuống cấp đặc biệt nghiêm trọng của nó.
Năm tháng khiến cho những giá trị của di tích kiến trúc nghệ thuật này trở nên hao mòn, chông chênh. Người dân địa phương xót xa khi chứng kiến ngôi đình cổ phải oằn mình trước nắng mưa, bão bùng và không thể biết sẽ còn tiếp tục chống chọi được đến khi nào.
Đình “khóc”
Chúng tôi đến đình cổ Cam Đà vào một ngày nắng. Trận nắng sau những ngày mưa có phần gắt, rọi qua nhiều phần mái ngói bị xô lệch, nứt vỡ để chói chang vào tận trong đình. Thủ từ đình Cam Đà, ông Nguyễn Văn Long nói, “may mà hôm nay trời nắng chứ mưa thì dột lắm, chẳng thể ngồi được trong đình”.
Đình Cam Đà được khởi dựng từ khoảng thế kỷ thứ XVII-XVIII, được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia từ năm 2004. Ông Nguyễn Đức Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì chia sẻ, trải qua thời gian, đình Cam Đà hiện đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Toàn bộ phần mái đại đình bị xô, sụt, nứt rời bờ nóc, gây nên hiện tượng nước mưa xâm thực nặng nề. Bên cạnh đó, các cấu kiện gỗ bị mục ruỗng tiêu tâm, khả năng chịu lực rất yếu. “Sự xuống cấp ở di tích quốc gia đình Cam Đà là nỗi lo lắng của người dân và chính quyền địa phương, ảnh hưởng đến sự an toàn của cộng đồng và di tích…”, ông Anh nói. Cột gỗ mối mọt, mái ngói xô lệch, dột vỡ, tường bong tróc…, những biểu hiện thường thấy ở nhiều di tích xuống cấp sau thời gian dài không được tu bổ đã xuất hiện một cách đậm đặc ở đình Cam Đà. Ông Lã Minh Trai, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi thôn Cam Đà, thành viên BQL di tích xót xa: “Những cột đình này đã mục ruỗng hết cả rồi, dỡ ra là hỏng cả. Chúng tôi đã kiểm kê, đánh số để ghi lại từng mức độ xuống cấp, cột nào cũng phải bơm xi măng để có thể gắng gượng chống đỡ. Ai biết được bao năm nữa thì ngôi đình sẽ sụp xuống nếu như các cây cột không thể chịu đựng hơn…”.
Mái ngói xô lệch tạo những khoảng trống lớn nắng rọi mưa dột vào trong đình
Ông Trai chia sẻ, hơn 70 năm sinh sống ở ngôi làng, ông chứng kiến ngôi đình cổ quý giá này đã gắn bó với đời sống văn hóa tinh thần và nhu cầu tâm linh của người dân ra sao. Năm 2004, đình Cam Đà được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia, niềm tự hào có lẽ không “nặng” bằng nỗi lo giữ gìn di sản không tiếp tục bị xuống cấp. Qua những sắc phong cổ quý giá còn lưu giữ lại, cùng với những đường nét kiến trúc nghệ thuật tinh xảo, mái đình cổ qua nhiều thế kỷ đã trở thành “mái nhà thiêng” trong tâm thức của mỗi người dân Cam Đà. Nhưng năm tháng đã bào mòn, thời tiết khắc nghiệt đã khiến cho tuổi thọ của ngôi đình ngày càng bị đe dọa. “Cách đây khoảng mấy năm, tham dự một hội thảo của Sở VHTT Hà Nội nói về những ngôi đình xuống cấp của xứ Đoài, chúng tôi đề nghị xin tu bổ đình Cam Đà. Từ đó đến nay, phát huy tinh thần Nhà nước và nhân dân cùng làm, dân thôn Cam Đà mỗi người đóng góp một chút để cùng nhau giữ lại di sản vô giá này. Nhưng quả thực, chỉ với lòng mong mỏi thì khó mà cứu được ngôi đình…”, ông Trai buồn bã.
Cụ thủ từ Nguyễn Văn Long dẫn chúng tôi tới những vị trí xập xệ, xô lệch trong đình. Những mảng ngói xô tạo thành các khoảng trống huơ trống hoác, rọi thẳng nắng vào trong. Nền gạch vẫn còn mùi ẩm ướt bởi trận mưa từ hôm trước. Trỏ tay vào những cột đình, những hoành, rui đã rệu rã, bung rời, thủ từ ngôi đình lo lắng: “Bộ khung này cũng chỉ còn tồn tại tạm thời, cột gỗ tiêu tâm gần hết rồi. Chúng tôi gom tích được bao nhiêu tiền đóng góp của dân làng cũng chỉ sửa mái, gia cố cột bằng xi măng để chống đỡ. Nếu bây giờ dỡ ra thì hỏng hết, không dùng lại được. Các cấu kiện gỗ có nhiều chỗ hỏng nghiêm trọng, không ai dám đụng vào…”.
Ông Nguyễn Văn Long, thủ từ đình Cam Đà chỉ vào phần vá víu chống dột cho di tích
Chưa biết đổ sập khi nào
Đình Cam Đà là nơi 13 dòng họ trong thôn thờ Đức Thánh Tản Viên Sơn. Vào ngày chính lễ 16-17 tháng Giêng, tại đình diễn ra nhiều nghi lễ thiêng liêng, nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp được lưu truyền qua các thế hệ.
Phó Chủ tịch UBND xã Cam Thượng Hoàng Trung Kiên chia sẻ, cũng như nhiều miền quê khác ở xứ Đoài, đình Cam Đà luôn được nhân dân trong vùng nâng niu, gìn giữ. Mái đình không chỉ là chứng nhân lịch sử chứng kiến cuộc sống thăng trầm, thay đổi của ngôi làng mà còn là địa chỉ sinh hoạt văn hóa cộng đồng, nơi đáp ứng nhu cầu thực hành tâm linh tín ngưỡng của người dân. “Từ ngày còn nhỏ, tôi đã chứng kiến cảnh ông nội mình và các cụ trong làng thay thế một hoành nhỏ trong góc đình. Sau này, nhiều lần người dân cùng nhau tu bổ, sửa chữa những cấu kiện gỗ bị hỏng, phần mái bị dột, vỡ… Vào khoảng năm 2008-2009 có sửa hậu cung, còn lại đều là những tu sửa nhỏ. Với đặc thù 100% người dân làm nghề nông, đời sống kinh tế khó khăn nên nguồn kinh phí huy động đóng góp được không đáng kể, chỉ có thể giặm, dọi để chống dột, gia cố để chống sập chứ không thể làm gì hơn”, ông Kiên cho biết.
Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi thôn Cam Đà ông Lã Minh Trai không giấu sự lo lắng cho số phận ngôi đình. Người trong thôn bảo nhau không biết ngôi đình liệu có sụp đổ, di tích liệu có mất đi nếu tình trạng này vẫn cứ kéo dài. Thôn Cam Đà cũng đã nhiều lần báo cáo cấp trên tình trạng này và bày tỏ mong muốn được kịp thời cứu lấy ngôi đình. BQL di tích cũng cho hay, đã có nhiều đoàn khảo sát về đánh giá thực trạng và lắng nghe nguyện vọng giữ gìn, tôn tạo lại đình Cam Đà. “Nghe tin đình trước mắt sẽ được làm mái chống dột để đảm bảo nhu cầu cấp thiết, chúng tôi mừng lắm. Còn chuyện hạ giải để tu bổ tổng thể thì chắc còn xa xôi quá!…”, thủ từ Nguyễn Văn Long vừa nói, vừa đi vòng quanh ngôi đình, thi thoảng dừng ở những góc tường loang nứt, chỉ tay vào những cây cột chống tạm, những viên ngói chực chờ rơi xuống.
Dân thôn Cam Đà phải gia cố cột chống sập cho di tích
Những khắc nghiệt của thời gian, thời tiết vẫn đang tiếp tục đặt ra nhiều lo ngại đối với sự tồn tại an toàn của di tích. Phó Chủ tịch xã Hoàng Trung Kiên thừa nhận, nhìn thấy đình cổ oằn mình từng ngày mà không thể làm gì khác được. Di tích trong danh mục cấp quốc gia, công tác bảo tồn tu bổ đều cần tuân thủ quy trình. Nhưng thời gian thì không chờ đợi, những mái ngói xô nghiêng kia, những mảng tường ẩm vỡ hay những cây cột gỗ đã rỗng tâm này sẽ không biết còn chống chọi được bao lâu. Dân làng Cam Đà với tất cả sự thuần khiết xứ Đoài vẫn từng ngày trông ngóng ngôi đình sớm được tu bổ. “Chính quyền địa phương vẫn động viên BQL di tích, các bậc cao niên và dân làng tiếp tục trông nom, giữ gìn di sản quý giá của mình cho đến khi đình Cam Đà được đầu tư, tu bổ…”, ông Kiên chia sẻ.
Ghi nhận thực trạng xuống cấp nghiêm trọng ở đình cổ Cam Đà, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đức Anh khẳng định, thực tế cho thấy phải khẩn trương đầu tư tu bổ di tích đình Cam Đà. UBND huyện Ba Vì đã trình UBND TP Hà Nội để đưa dự án này vào kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021- 2025. Năm 2020, huyện cũng đã phê duyệt chủ trương đầu tư lắp dựng nhà bao che để bảo vệ cấp thiết ngôi đình. Ông Anh nhấn mạnh, di tích đình Cam Đà có giá trị đặc biệt về kiến trúc nghệ thuật. Tình trạng xuống cấp đặc biệt nghiêm trọng yêu cầu phải sớm lập dự án tu bổ tổng thể.
Tuy nhiên, hiện nguồn kinh phí đầu tư cho di tích của địa phương còn hạn hẹp, trong khi số di tích xuống cấp trên địa bàn rất nhiều. Bài toán muôn thủa về kinh phí một lần nữa lại được đặt ra với di tích Cam Đà, cần sự hỗ trợ kịp thời của TP Hà Nội.
Nhìn thấy đình cổ oằn mình từng ngày mà không thể làm gì khác được. Di tích trong danh mục cấp quốc gia, công tác bảo tồn tu bổ đều cần tuân thủ quy trình. Nhưng thời gian thì không chờ đợi, những mái ngói xô nghiêng kia, những mảng tường ẩm vỡ hay những cây cột gỗ đã rỗng tâm này sẽ không biết còn chống chọi được bao lâu. (Ông HOÀNG TRUNG KIÊN, Phó Chủ tịch UBND xã Cam Thượng) |
PHƯƠNG ANH